Lỗ vẫn đầu tư dàn trải

ANTĐ - Theo báo cáo của Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương, nhiều doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tổng công ty Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex)... đang lỗ hàng nghìn tỷ đồng.

Chứng khoán là lĩnh vực các tập đoàn Nhà nước đầu tư tương đối nhiều. (ảnh minh họa)


Nửa năm lỗ hàng nghìn tỷ đồng

Đánh giá về hiệu quả sản xuất kinh doanh năm 2011, Đảng ủy khối doanh nghiệp Trung ương chỉ ra, có 4 đơn vị trong khối lỗ trong năm 2011 đều là các doanh nghiệp lớn như: Tập đoàn Công nghiệp Tàu thủy, Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), EVN và Petrolimex. Tính đến hết quý II-2011, EVN ước lỗ lên tới 31.565 tỷ đồng. Trong đó, năm 2010, đơn vị này lỗ 23.647 tỷ đồng và 6 tháng đầu năm nay, EVN tiếp tục lỗ 7.918 tỷ đồng. EVN chính là đơn vị lỗ nhiều nhất trong các doanh nghiệp thuộc khối.

Tương tự, Vinalines 6 tháng đầu năm nay lỗ 660 tỷ đồng, chưa kể khoản nợ nhận từ Vinashin chuyển sang là 16.000 tỷ đồng. Tập đoàn Sông Đà thiếu vốn do chưa được chủ đầu tư thanh toán công nợ lên đến hơn 5.500 tỷ đồng. Mặc dù dư luận cho rằng giá xăng dầu tại thị trường trong nước mấy tháng qua đứng ở mức cao, doanh nghiệp đầu mối lãi lớn song Petrolimex trong 7 tháng đầu năm 2011 lỗ 1.449 tỷ đồng!

Phân tích nguyên nhân của tình trạng kinh doanh thua lỗ trên, báo cáo cho rằng có phần “trách nhiệm” điều hành của Chính phủ đối với giá một số mặt hàng như: giá than nội địa, giá xăng dầu, giá điện, giá vé máy bay nội địa... chưa tiệm cận với giá thị trường, dẫn đến khó khăn cho hoạt động của doanh nghiệp. Hiệu quả sản xuất kinh doanh thấp, không thu hút được các thành phần khác đầu tư vào lĩnh vực này, lợi nhuận của các doanh nghiệp nhà nước bị “chảy” vào các doanh nghiệp khác.

Với kết quả sản xuất kinh doanh như trên thì kế hoạch sản xuất, kinh doanh năm 2011 và giai đoạn 2011-2015 với tỷ lệ tăng trưởng trung bình 10-15%/năm mà khối doanh nghiệp Trung ương đặt ra là thách thức với nhiều doanh nghiệp lớn của đất nước.

Không ảnh hưởng nhiều?

Mặc dù sản xuất kinh doanh không đem lại lợi nhuận nhưng một số doanh nghiệp lớn vẫn mở rộng đầu tư ngoài lĩnh vực chính với số vốn rất lớn. Cụ thể, EVN đầu tư 2.100 tỷ đồng sang lĩnh vực viễn thông... bằng 2,8% vốn điều lệ. Tại cuộc họp báo của Bộ Công Thương hồi tháng 8 về quy hoạch điện 7, trả lời thắc mắc của phóng viên về việc mặc dù lỗ nhưng EVN vẫn đầu tư dàn trải, ông Dương Quang Thành - Phó Tổng giám đốc EVN giải thích: “Đầu tư ngoài ngành chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ, bằng 2,8% vốn điều lệ”. Do vậy, không ảnh hưởng nhiều đến vốn đầu tư cho lĩnh vực chính là điện. Nhưng đáng chú ý là theo đánh giá của các chuyên gia viễn thông, EVN Telecom hoạt động cũng chưa đem lại hiệu quả như mong muốn!

Ngoài EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) cũng đầu tư ra ngoài ngành gần 6.700 tỷ đồng, chiếm 3,76% vốn điều lệ, Tập đoàn Công nghiệp Cao su đầu tư 3.700 tỷ đồng ra ngoài ngành, chiếm 19,8% vốn điều lệ. Lĩnh vực thu hút nhiều đầu tư nhất là tài chính, ngân hàng, bảo hiểm với tổng số 13 doanh nghiệp và tổng số vốn hơn 10.700 tỷ đồng.

Trong đó, PVN đầu tư hơn 5.600 tỷ đồng. Lĩnh vực chứng khoán thu hút 1.300 tỷ đồng, bất động sản, xây lắp thu hút hơn 3.750 tỷ đồng... Đối với hoạt động đầu tư ngoài ngành, nhiều doanh nghiệp thu được hiệu quả tốt, hỗ trợ thêm nguồn lực tài chính cho ngành nghề kinh doanh chính của đơn vị. “Tuy nhiên, một số doanh nghiệp đang đầu tư vào lĩnh vực nhạy cảm, tiềm ẩn nhiều rủi ro, mất an toàn vốn, thiếu vốn “dồn” cho các dự án trọng điểm dẫn đến chậm tiến độ. Một số doanh nghiệp bị lỗ, nếu không có giải pháp tháo gỡ kịp thời, có doanh nghiệp sẽ mất khả năng thanh toán, dễ rơi vào khủng hoảng nợ” - Đảng bộ khối cảnh báo.