Lo “tồn kho” trách nhiệm

ANTĐ - Nhìn lại nửa chặng đường kinh tế 2013, phiên họp thường kỳ của Chính phủ có sự tham gia của lãnh đạo 63 địa phương. Mục đích là để các tỉnh vừa có thông tin, vừa góp ý cho Chính phủ trong việc điều hành sao cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ nhấn mạnh, Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận thực tế với hàng loạt vấn đề liên quan đến công tác xây dựng, chấn chỉnh bộ máy và thể chế điều hành.

Sau nửa năm phấn đấu, theo số liệu của Tổng cục Thống kê, năm 2013 có thể kinh tế đã chạm đáy để năm 2014 bắt đầu phục hồi tăng trưởng theo hình chữ U. Chỉ số tiêu thụ ngành công nghiệp chế biến, chế tạo 6 tháng, đầu năm tới 7,5% so với cùng kỳ năm trước, chỉ số tồn kho của ngành này chỉ tăng 9,7% so với tháng 1-2013 tăng trên 21%. Mục tiêu tăng trưởng GDP được nhìn nhận là khó đạt được, trong khi lạm phát thấp không còn được đánh giá là thành tích mà chỉ được coi như kết quả của chu kỳ tăng trưởng đi xuống, tức là CPI giảm là vì sức mua của thị trường yếu. Những lo ngại về sự suy giảm niềm tin của thị trường, của người dân vẫn hiện hữu. Trong khi để vực dậy nền kinh tế, theo ý kiến của một số ủy viên ủy ban của Quốc hội, không chỉ cần giải pháp trúng và đúng mà còn phải khôi phục niềm tin.

Bên cạnh đó, vấn đề cấp bách hơn và đáng lo ngại hơn là “tồn kho” kiến nghị, nhất là “tồn kho” trách nhiệm. Chính vì vậy, trong phiên họp thường kỳ này, Chính phủ tập trung kiểm điểm công tác điều hành trong nửa đầu năm nay. Chẳng hạn như việc “xốc” lại cơ cấu tổ chức còn chậm trễ, một trong những nguyên nhân là do một số bộ đề nghị thành lập thêm quá nhiều cục, vụ. Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ chỉ rõ, ở không ít nơi, kỷ luật, kỷ cương chưa nghiêm. Hiệu quả, hiệu lực của bộ máy hành chính vẫn còn hạn chế, đặc biệt trong việc triển khai các chính sách mới như tái cơ cấu đầu tư công, các doanh nghiệp Nhà nước. Việc chỉ đạo các cấp, các ngành còn nặng nề về tình thế, chưa gắn bó với nhiệm vụ lâu dài. Phó Chủ nhiệm, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhận xét, khi giám sát ở nhiều địa phương, không mấy cấp lãnh đạo quan tâm tới chuyện tái cơ cấu. Lý giải tình trạng phối hợp thiếu đồng bộ, chồng chéo giữa các bộ, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp cho rằng, điều này thể hiện sự hạn chế giữa các cơ quan của Chính phủ khi ban hành chính sách cùng vì một mục đích chung là hướng tới một bộ máy hành chính phục vụ dân. Vị Phó Chủ nhiệm dẫn chứng, có khi trong một tháng mà các bộ đưa ra nhiều quan điểm khác nhau trong cùng một chính sách, thể hiện sự thiếu tầm nhìn, thiếu phối hợp và thiếu vai trò “nhạc trưởng” trong tư duy quản lý, điều hành. 

Thực ra đây là những vấn đề đã được các đại biểu Quốc hội “mổ xẻ” trong kỳ họp thứ 5 vừa qua. Trong phiên họp thường kỳ nửa đầu năm, Chính phủ thể hiện quyết tâm, quyết liệt “xốc” lại bộ máy điều hành, quan trọng nhất là giải tỏa tình trạng “tồn kho” trách nhiệm.