Lo ngại dịch tay chân miệng: Bệnh viện đông, trường học vắng

ANTĐ - Những ngày gần đây, sau khi có thông tin một cháu bé 3 tuổi ở phường Ngọc Hà (quận Ba Đình, Hà Nội) tử vong do bệnh tay chân miệng (TCM), nhiều phụ huynh có con nhỏ rất hoang mang. Mấy bữa nay trường mầm non vắng tanh, trong khi BV Nhi thêm quá tải…

Số trẻ đến khám tại bệnh viện tăng cao đột biến


Sốt nhẹ cũng đi viện

Tại BV Nhi Trung ương mấy ngày nay, số bệnh nhi đến khám tăng gấp rưỡi so với những ngày trước đó. TS Trần Minh Điển, Phó Giám đốc BV Nhi Trung ương cho biết, ngay sau khi có thông tin một trẻ 3 tuổi ở Hà Nội tử vong vì TCM vào cuối tuần trước, 2 ngày cuối tuần số trẻ đến BV khám tăng đột biến phần nhiều là các trường hợp nhẹ. Thậm chí, có trường hợp trẻ quê ở Vĩnh Phúc, chỉ bị vài nốt muỗi đốt ở tay, hoàn toàn không sốt, cơ thể khỏe mạnh bình thường nhưng bố mẹ cháu vẫn lặn lội mấy chục cây số đưa đến khám. Phổ biến hơn là những trẻ bị dị ứng, nổi nhiều ban đỏ trên cơ thể, dù bác sĩ đã giải thích kỹ với người nhà bệnh nhân nhưng do tâm lý lo lắng thái quá nên một số phụ huynh vẫn nằng nặc đòi bác sĩ cho nhập viện.

Trước tình trạng đó, ngày 27-9, BV đã thành lập gấp tổ phản ứng nhanh với bệnh TCM và tuyên truyền, siết chặt công tác phòng chống bệnh TCM đến các y bác sĩ trong BV. Trong mỗi phòng khám đều dán phác đồ của Bộ Y tế về điều trị bệnh TCM để cả bác sĩ và người nhà bệnh nhân cùng biết dấu hiệu lâm sàng của bệnh, khi nào thì cho nhập viện, khi vào viện thì theo dõi những gì, khi có biểu hiện nặng như viêm cơ tim, viêm não, tri giác xấu… thì cụ thể cần làm những gì. Mặt khác, BV cũng yêu cầu các bác sĩ phải giải thích rõ ràng, kỹ lưỡng để người dân hiểu về bệnh TCM và tình trạng bệnh của con em mình.

Cũng theo TS Điển, từ đầu năm đến nay tại BV đã tiếp nhận 268 trường hợp mắc TCM đến khám và điều trị, trong đó có hơn 100 trường hợp dương tính với virus TCM. Ngoài số bệnh nhân mắc TCM ở thể nhẹ thì số nhiễm virus EV 71 (loại virus gây TCM thể nặng, tỷ lệ tử vong cao) khá nhiều, khoảng gần 20 trường hợp, trong đó có 1 ca tử vong. Hiện tại, BV cũng đang điều trị cho 1 trẻ mắc TCM trong tình trạng nặng, biến chứng viêm não, hôn mê, suy hô hấp…, qua điều trị đã có dấu hiệu khả quan, nhận định có thể cứu được.

Không nên nghỉ học tùy tiện

Đối lập với tình trạng quá tải tại các BV Nhi, tại các trường mẫu giáo, mầm non, mấy ngày qua số lượng học sinh đến lớp giảm đáng kể. Nguyên nhân là do các bậc phụ huynh quá lo lắng, hễ thấy con có biểu hiện sốt nhẹ là vội vàng cho nghỉ học, thậm chí con hoàn toàn khỏe mạnh cũng cho nghỉ học vì sợ bị lây bệnh, dù lớp học đó không hề có bệnh nhân mắc TCM. Điển hình như tại trường Mầm non số 5 phường Ngọc Hà (nơi có bệnh nhi vừa tử vong do TCM),  hầu hết phụ huynh đã cho con nghỉ học. Tương tự, một số trường mầm non khác khi vừa phát hiện một số trẻ có biểu hiện mắc TCM, số học sinh đến lớp chỉ còn đếm trên đầu ngón tay.

TS Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng (TTYTDP) Hà Nội cho biết, ngay sau khi có cháu bé tử vong do TCM ở Hà Nội, rất nhiều người đã gọi điện đến TTYTDP để hỏi xem con họ có dấu hiệu thế này, thế khác, có phải mắc TCM và có nên cho cháu nghỉ học hay không? Một số hỏi chỉ để biết trường học của con họ có nằm gần khu vực trường học có cháu bé vừa tử vong do TCM hay không. Lo lắng này của các bậc phụ huynh là chính đáng, tuy nhiên mọi người cần hiểu rằng TCM là bệnh lý lây nhiễm do virus, hầu hết bệnh có thể điều trị tại nhà và tự khỏi sau 5-7 ngày, chỉ có một tỷ lệ rất nhỏ (0,2-0,5%) mắc bệnh ở thể nặng. Mặt khác, bệnh không chỉ lây trong trường học mà còn lây tại cộng đồng. Thực tế qua theo dõi những năm gần đây của TTYTDP Hà Nội cho thấy, số vụ mắc TCM ở trường học là rất ít, trong khi số mắc ở cộng đồng cao hơn.

TS Cảm nhấn mạnh, cho học sinh nghỉ học, đóng cửa trường học vào thời điểm này không phải là giải pháp tốt nhất. Vấn đề là phải theo dõi chặt chẽ sức khỏe của trẻ (cả ở nhà lẫn ở trường) để phát hiện sớm dấu hiệu của bệnh, kịp thời cách ly trẻ và khoanh vùng, xử lý ổ dịch. TS Cảm cho rằng, theo hướng dẫn của Bộ Y tế, nếu lớp học có 1 học sinh nghi mắc bệnh thì chỉ riêng học sinh đó được nghỉ học, cả lớp vẫn học bình thường. Khi lớp học có 2 học sinh có biểu hiện mắc bệnh trong vòng 1 tuần thì sẽ cho cả lớp được nghỉ học trong vòng 10 ngày để tiến hành khử khuẩn, xử lý môi trường, các lớp còn lại có thể vẫn học bình thường. Nguyên nhân là bệnh TCM lây qua đường tiêu hóa, nội tiết (chất tiết, đờm từ mũi, họng bệnh nhân) chứ không lây qua đường hô hấp nên không lan nhanh và lây rộng như các bệnh lây qua đường hô hấp.

Các bác sĩ khuyến cáo, các BV tuyến tỉnh trở xuống cũng có thể chẩn đoán bệnh TCM theo hướng dẫn của Bộ Y tế, do đó nếu trẻ có biểu hiện mắc TCM không nhất thiết phải đưa lên BV tuyến Trung ương khám, điều trị. Mặt khác, các trẻ có dấu hiệu lâm sàng khá rõ, phát hiện dấu hiệu bệnh nặng,  như sốt cao liên tục, không đáp ứng thuốc hạ sốt, có nốt ban ở vùng tay, chân hoặc miệng, xuất hiện 2 cơn rùng mình, giật mình trong vòng 30 phút… thì cần đưa trẻ đi khám ngay để tránh biến chứng nặng.