Lò gạch ô nhiễm môi trường bao giờ chuyển đổi?

ANTĐ - Theo Quyết định 115/2001 QĐ – TTg của Thủ tướng Chính phủ thì đến hết năm 2010 tất cả các lò gạch thủ công phải đóng cửa.

Việc đóng cửa các lò gạch thủ công là thực sự cần thiết vì đây cũng là một trong những tác nhân gây ô nhiễm môi trường  sống cũng như lãng phí tài nguyên đất. Mặc dù vậy cho đến nay việc đóng cửa các lò gạch thủ công trên địa bàn thành phố Yên Bái đang gặp không ít khó khăn cần có những giải pháp đồng bộ để giải quyết vấn đề theo hướng vừa đảm bảo môi trường, vừa tận dụng được thế mạnh sẵn có của địa phương trong việc sản xuất vật liệu xây dựng.

Thành phố Yên Bái hiện có 49 lò gạch thủ công thuộc 8 xã, phường gồm Văn Phú, Văn Tiến, Giới Phiên, Hợp Minh, Tuy Lộc, Tân Thịnh, Nam Cường và Yên Ninh. Mỗi năm các lò gạch trên cung cấp cho thị trường trên 30 triệu viên và giải quyết việc làm cho gần 500 lao động địa phương. Nam Cường là một trong 2 xã có số lò gạch thủ công có nhiều lò gạch sản xuất thủ công nhất trên địa bàn thành phố song chính quyền xã cũng xác định việc đóng cửa các lò gạch thủ công chỉ là vấn đề thời gian bởi theo quy hoạch thành phố Yên Bái dự kiến xây dựng và phát triển xã thành phường trước năm 2015. Những lò gạch thủ công trên địa bàn xã vốn được thành lập bắt nguồn từ việc tận dụng khối lượng đất nạo vét từ khu vực quy hoạch xây dựng hồ sinh thái. Trên địa bàn xã có 2 cơ sở với 4 lò. Trong đó 1 cơ sở tại thôn Đồng Tiến đang trong quá trình chuẩn bị ngừng hoạt động, còn lại 3 lò gạch thủ công tại thôn Nam Thọ vẫn đang tiếp tục sản xuất. Trung bình các cơ sở này cung cấp cho thị trường trên 4 triệu viên gạch/năm.

Một cơ sở sản xuất gạch tại xã Nam Cường

Khi được hỏi về việc ngừng sản xuất vì yêu cầu bảo đảm môi trường sống thì những chủ lò gạch ở  đây đều đưa ra những khó khăn mà hiện họ đang gặp phải. Ông Đỗ Huy Cận - thôn Nam Thọ - xã Nam Cường nói: Năm 2005, chúng tôi đăng ký sản xuất gạch bằng lò thủ công và phấn đấu làm càng nhiều càng tốt. Địa phương cũng ủng hộ vì muốn sớm nạo vét xong lòng hồ sinh thái. Bây giờ nhà nước có quyết định các lò gạch thủ công phải đóng cửa và chuyển đổi sang hướng sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường thì chúng tôi rất ủng hộ.

Nhưng hiện chúng tôi cần có thời gian cụ thể về việc chuyển đổi và đóng cửa các lò gạch thủ công là khi nào. Trong khi đó lượng vốn xây dựng lò theo quy chuẩn thân thiện với môi trường lại quá lớn. Hiện giờ chúng tôi đang gặp bế tắc về thời gian và vốn xây dựng. Nếu bây giờ nhà nước mà đình chỉ việc sản xuất gạch thủ công thì chúng tôi quá hẫng hụt. Còn nếu bây giờ mà chuyển đổi sang hướng sản xuất theo kiểu lò đứng thì anh em chúng tôi không đủ khả năng.

Cũng giống như xã Nam Cường, xã Văn Tiến hiện có 28 lò gạch thủ công nằm tại 3 thôn Lưỡng Sơn, Ngòi Sen và Nhà Giát với công suất trên 20 triệu viên gạch/năm. Bắt đầu từ năm 2007, xã Văn Tiến đã đưa một số hộ sản xuất gạch đi tham quan các mô hình sản xuất gạch theo hướng thân thiện với môi trường. Song để xây dựng một lò tuynen hay lò đứng trong sản xuất gạch đòi hỏi phải có một nguồn kinh phí đầu tư lớn.

Nếu như xây dựng một lò đứng liên tục gồm 2 lò đơn với công suất 3 - 4 triệu viên gạch/ năm thì các cơ sở phải bỏ ra nguồn vốn đầu tư từ 1,5 tỷ - 2 tỷ đồng cho việc xây dựng lò, sân bãi, trang bị máy móc, thiết bị... Trong khi đó những hộ sản xuất gạch thủ công ở xã Văn Tiến nói riêng và thành phố Yên Bái nói chung chủ yếu vẫn là các cơ sở nhỏ lẻ và tự phát nên không đủ vốn và lực để xây dựng. Nguồn nguyên liệu để sản xuất gạch sẽ có lúc cạn kiệt nên không ít chủ nhân của các lò gạch thủ công ở thành phố đang băn khoăn trước việc chuyển đổi sản xuất sang ngành nghề khác hay tiếp tục sản xuất gạch theo quy mô sản xuất hiện đại.

Ông Đỗ Mạnh Chi - thôn Lưỡng Sơn - xã Văn Tiến cho biết: Chúng tôi cũng đã nhận được chủ trương về việc chuyển đổi các lò gạch thủ công sang lò gạch thân thiện với môi trường. Nhưng bây giờ chuyển đổi sang mô hình có quy mô sản xuất và kinh phí đầu tư lớn lên tới 2 tỷ đồng thì vốn liếng tự có của chúng tôi không thể đủ nên chúng tôi cũng rất ngại ngần và băn khoăn nên việc chuyển đổi cũng còn chậm trễ. Chúng tôi cũng muốn thành phố tạo điều kiện cho chủ các cơ sở đi tham quan các mô hình lò sản xuất tiên tiến và hỗ trợ chúng tôi về vốn để đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang hướng sản xuất giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

Cơ sở sản xuất gạch của ông Đỗ Mạnh Chi - xã Văn Tiến - TP Yên Bái

Ngày 29/8/2008 Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định Quy hoạch tổng thể phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam đến năm 2020. Đây là một trong những giải pháp mà Chính phủ đưa ra nhằm phát triển các ngành sản xuất vật liệu xây dựng theo hướng bền vững, tạo sự ổn định xã hội và bảo vệ môi trường trên cơ sở khai thác có hiệu quả thế mạnh về tài nguyên khoáng sản về thị trường và lao động. Đồng thời, từng bước loại bỏ các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả kinh tế thấp. Thực hiện rà soát và tổ chức lại các cơ sở sản xuất gạch thủ công để chuyển sang công nghệ lò tuynen hoặc công nghệ tiên tiến khác bảo đảm được tiêu chuẩn về chất lượng môi trường.

Trên cơ sở đó, tỉnh Yên Bái cũng đã điều chỉnh bổ sung Quy hoạch công nghiệp vật liệu xây dựng tỉnh Yên Bái giai đoạn 2006 – 2020 và định hướng đến năm 2025. Theo đó đến năm 2015 sẽ xóa bỏ hoàn toàn các lò gạch thủ công trên địa bàn tỉnh và đầu tư 20 dây chuyền sản xuất gạch theo công nghệ lò đứng có tổng công suất 80 triệu viên/năm với vốn đầu tư 2 tỷ đồng/lò tại 4 huyện Lục Yên, Văn Yên, Trấn Yên, Văn Chấn và thành phố Yên Bái.

Theo ông Nguyễn Văn Minh - Phó trưởng phòng kinh tế thành phố Yên Bái: Đến nay trên địa bàn thành phố có 32 hộ với 49 lò gạch thủ công đang hoạt động. Theo Quyết định 121 của Chính phủ thì đến năm 2015 tất cả các lò gạch thủ công đều phải đóng cửa. Các cơ quan chức năng cũng khuyến cáo những hộ có ý định chuyển đổi thì nên đầu tư xây dựng theo mô hình lò liên tục kiểu đứng. Trong quy hoạch công nghiệp vật liệu xây dựng định hướng đến năm 2025 của tỉnh Yên Bái thì thành phố được bố trí 4 dây chuyền sản xuất. Nên chỉ có xã Văn Tiến do có điều kiện thuận lợi cho việc sản xuất được chuyển đổi. Còn tất cả các cơ sở khác sẽ phải đóng cửa trước năm 2015. Vì kinh phí đầu tư xây dựng lớn nên chúng tôi cũng đã chỉ đạo xã Văn Tiến vận động các hộ sản xuất gạch liên kết với nhau theo nhóm từ 3 – 5 hộ/1 lò. Đồng thời thành phố cũng đôn đốc các địa phương có lò gạch thủ công đang sản xuất gây tác động  xấu đến môi trường nhanh chóng triển khai các biện pháp đóng cửa các lò gạch thủ công trước năm 2015.

Việc chuyển đổi các lò gạch thủ công sang sản xuất theo hướng công nghệ hiện đại là phù hợp với tiến trình phát triển xã hội. Tuy nhiên các cấp chính quyền nên có lộ trình chuyển đổi cụ thể để hướng dẫn người dân. Đồng thời tăng cường khuyến khích vận động các hộ trong vùng quy hoạch liên kết với nhau hoặc kết hợp cùng các doanh nghiệp để đầu tư sản xuất. Có như vậy mới đẩy nhanh được quá trình chuyển đổi các lò gạch thủ công sang sản xuất vật liệu theo công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường cũng như đảm bảo được quyền lợi của người dân.