- Tháng 8-2017: Gần 1 vạn lao động Việt Nam XKLĐ
- Lợi dụng danh nghĩa công ty để lừa đảo xuất khẩu lao động đi nước ngoài
Mỗi năm, Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận khoảng 60.000-70.000 lao động nước ngoài đến làm việc
Hiện mỗi năm, Hàn Quốc có nhu cầu tiếp nhận khoảng 60.000-70.000 lao động nước ngoài đến làm việc. Phía Hàn Quốc sẽ phân bổ số lượng căn cứ vào tỉ lệ lao động tuân thủ pháp luật, cam kết hợp đồng. Tỉ lệ lao động chấp hành pháp luật và cam kết hết hạn hợp đồng về nước càng cao thì số lượng lao động được Hàn Quốc tiếp nhận càng lớn.
Lao động Việt Nam được các doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá khá cao và ưa thích tuyển dụng. Tuy nhiên, do số lượng lao động cư trú bất hợp pháp lớn nên ảnh hưởng đến việc tuyển chọn lao động tiếp tục sang đây làm việc.
Kỳ thi tiếng Hàn dành cho lao động sản xuất chế tạo vừa được tổ chức, đối với lao động ngành ngư nghiệp, việc thi tuyển sẽ thực hiện từ ngày 20 đến 24-8 tới đây. Tổng chỉ tiêu tuyển chọn trong năm 2018 là 7.900 lao động, trong đó sản xuất chế tạo: 6.300 người, ngư nghiệp: 1.600 người.
Trong kỳ thi tiếng Hàn năm 2018, có rất nhiều lao động không được tham dự. Nguyên nhân nhân là bởi các địa phương này có tỉ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước trên 30% và có số lượng người lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên.
Theo Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp, tỷ lệ lao động Việt Nam hết hạn hợp đồng vẫn ở lại Hàn Quốc cư trú bất hợp pháp là việc khiến cơ quan quản lý đau đầu. Việc bỏ trốn hay cư trú bất hợp pháp tại bất kỳ quốc gia nào đều tiềm ẩn nhiều rủi ro, có thể nguy hiểm đến tính mạng.
Những năm gần đây, Hàn Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu lao động trọng điểm của Việt Nam. Hoạt động xuất khẩu lao động sang Hàn Quốc đã từng bị gián đoạn bốn năm do số lượng lao động trốn ra ngoài làm việc vượt quá mức cho phép.
Việc hai bên ký lại Bản ghi nhớ bình thường về tiếp nhận lao động theo Chương trình EPS mới được ký lại vào năm 2016, và chỉ có giá trị trong vòng hai năm. Trong biên bản, phía Hàn Quốc đưa ra điều kiện nếu tỷ lệ lao động Việt Nam cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc vượt quá 4% so mức hai bên cam kết thì sẽ dừng việc đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc làm việc.
Để mở rộng cơ hội cho lao động Việt Nam sang làm việc tại Hàn Quốc, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Doãn Mậu Diệp cho biết Việt Nam đã triển khai rất nhiều giải pháp hạn chế tình trạng lao động cư trú bất hợp pháp. Một trong những biện pháp mạnh tay nhằm tháo gỡ “rào cản” lao động bỏ trốn dừng tuyển chọn lao động theo Chương trình EPS năm 2018 tại một số địa phương.
Theo đó, có 107 quận/huyện có tỷ lệ hơn 30% số lao động hết hạn hợp đồng không về nước thuộc 12 tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư có số lao động cư trú bất hợp pháp cao nhất tại Hàn Quốc, thuộc diện đưa vào xem xét tạm dừng tuyển chọn trong năm 2018. Cụ thể, 12 tỉnh, thành phố bị cấm xuất khẩu lao động Hàn Quốc năm 2018 là: Nghệ An, Thanh Hóa, Hà Tĩnh, Hà Nội, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Bắc Ninh, Bắc Giang, Quảng Bình, Hưng Yên, Phú Thọ.
Cục Quản lý lao động ngoài nước, Bộ LĐ-TB&XH cho biết 49 quận/huyện có số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc từ 60 người trở lên trong số 107 quận/huyện nêu trên cũng bị tạm dừng tuyển chọn lao động trong năm 2018.
Căn cứ thông báo của phía Hàn Quốc về số lượng và tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp vào thời điểm cuối năm 2018, Bộ sẽ tiếp tục tạm dừng tuyển chọn trong năm 2019 tại các địa phương không giảm được tỷ lệ lao động cư trú bất hợp pháp. Đồng thời, dỡ bỏ việc tạm dừng đối với những địa phương giảm được tỷ lệ và số lượng lao động cư trú bất hợp pháp tại Hàn Quốc.