“Liều lượng” cho kinh tế

(ANTĐ) - Cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng với tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, quản lý tốt thị trường ngoại hối và nợ quốc gia; bảo đảm vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế đúng “liều lượng”, vừa kết hợp xử lý các nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa tập trung cho giải pháp trung và dài hạn, nhất là nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành tài chính - ngân hàng năm 2010.

“Liều lượng” cho kinh tế

(ANTĐ) - Cần xử lý tốt mối quan hệ giữa lãi suất tín dụng với tỷ giá và cán cân thanh toán quốc tế, quản lý tốt thị trường ngoại hối và nợ quốc gia; bảo đảm vốn và tính thanh khoản cho nền kinh tế đúng “liều lượng”, vừa kết hợp xử lý các nhiệm vụ cấp bách trước mắt, vừa tập trung cho giải pháp trung và dài hạn, nhất là nhiệm vụ tái cấu trúc nền kinh tế, là nội dung chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ đối với ngành tài chính - ngân hàng năm 2010.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư khi trả lời phỏng vấn của báo chí đã khẳng định, trong năm nay tăng trưởng tín dụng 25% là hợp lý cho định hướng tái cấu trúc nền kinh tế theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Thực ra thời gian qua, nước ta đã “rục rịch” chuyển dịch cơ cấu bằng một số chính sách, nhưng sự chuyển dịch này chưa mạnh mẽ và rõ nét. Năm 2010 này sẽ phải chú trọng hơn, chuyển dịch từ gia công lắp ráp có giá trị thấp sang công nghiệp chế tạo trong các ngành có lợi thế để có thể tham gia vào các công đoạn có giá trị cao, có lợi nhuận lớn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Trong khi thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế và tăng tỷ trọng các ngành phi nông nghiệp rất cần nhận thức đúng vai trò quan trọng và lợi thế của nền nông nghiệp tăng việc đảm bảo an ninh lương thực, ổn định xã hội và tăng kim ngạch xuất khẩu.

Được biết, Thủ tướng Chính phủ đã gợi ý Bộ Kế hoạch - đầu tư tham khảo mô hình Ủy ban Cải cách và phát triển của Trung Quốc trong quá trình tái cấu trúc nền kinh tế Việt Nam. Mô hình này được chuyển đổi từ Ủy ban Kế hoạch quốc gia của Trung Quốc. Họ tăng cường chức năng nhà nước về nghiên cứu hoạch định chính sách.

Thực ra một số nội dung mà Ủy ban của Trung Quốc thực hiện thì Bộ Kế hoạch - đầu tư đã thực hiện một số nghiên cứu về chính sách. Nhưng tình hình ở Việt Nam hơi khác là chưa tập trung, nếu tập trung một số chức năng đang phân tán ở các Bộ khác, lĩnh vực khác thì Bộ Kế hoạch - đầu tư sẽ phải chuyển đổi thành mô hình Ủy ban Cải cách và phát triển của Trung Quốc.

Ủy ban này vừa thực hiện chức năng nghiên cứu, vừa quản lý nhà nước. Thậm chí, trong khi thực hiện chức năng quản lý nhà nước, Ủy ban này quản lý đầu tư rất chặt chẽ và không phân cấp mạnh mẽ cho địa phương.

Chẳng hạn, đầu tư từ ngân sách nhà nước, đầu tư ra nước ngoài… đều phải có ý kiến của Ủy ban đó. Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư: “Tôi không nghĩ là sẽ có quyền lực “tiền trảm hậu tấu”, nhưng cần tăng cường khả năng nghiên cứu và tập trung quyền lực hơn, không nên để phân tán”.

Tốc độ tăng trưởng của Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua luôn thấp hơn Trung Quốc khoảng từ 2-3%. Năm 2010, Trung Quốc có chương trình phát triển lớn về kinh tế, dự kiến GDP tăng trên 9%. Điều này sẽ ảnh hưởng tốt tới Việt Nam, có tác dụng thúc đẩy tăng trưởng của nước ta vì nền kinh tế của họ sẽ tạo ra một loạt nhu cầu về sản phẩm, đặc biệt một số sản phẩm về tiêu dùng, lương thực, thực phẩm.

Tuy vậy, nó cũng tạo ra sức ép lớn đối với nền kinh tế nước ta. Vấn đề ở đây là nước ta cần phải điều tiết “liều lượng” cho kinh tế như thế nào. Triển vọng năm 2010 sẽ ra sao khi vừa phải duy trì tốc độ tăng trưởng cao, vừa phải thắt chặt tín dụng? Có thể nói, tốc độ tăng trưởng năm nay sẽ tùy thuộc vào tác động đầu tư năm 2009 và những đầu tư cơ bản của Nhà nước.

Còn chính sách thắt chặt tín dụng không ảnh hưởng nhiều đến nền kinh tế, vì về thực chất không phải là thắt chặt tín dụng mà chỉ là đưa tăng trưởng tín dụng về mức hợp lý như trước đây. Thời gian qua, do suy thoái kinh tế, chúng ta phải nới lỏng tín dụng để kích cầu, cho nên tăng trưởng tín dụng đã đẩy lên từ 37% đến 38%. Năm 2010 đưa mức tăng trưởng tín dụng vào khoảng 25%.

Những năm trước, khi tốc độ tăng trưởng kinh tế tới 7-8% thì tăng trưởng tín dụng cũng chỉ ở mức 25-27%. Đây là sự tăng trưởng lành mạnh, vừa đảm bảo tăng trưởng, vừa bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô.

Đan Thanh