Liên tiếp phát hiện nhiều vụ vận chuyển đường tinh luyện nghi hàng lậu vào Việt Nam

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN -  Lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện các vụ vận chuyển hàng chục tấn đường tinh luyện vào Việt Nam trong thời gian qua.
Xe vận chuyển đường cát nghi hàng lậu bị lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng tạm giữ

Xe vận chuyển đường cát nghi hàng lậu bị lực lượng chức năng tỉnh Sóc Trăng tạm giữ

Tổng cục Quản lý thị trường (QLTT) cho biết, liên tiếp trong những ngày cuối tháng 3-2023, lực lượng chức năng các địa phương phía Nam phát hiện, tạm giữ các lô hàng là đường tinh luyện vào Việt Nam nhưng không có hóa đơn, chứng từ.

Cụ thể, ngày 25-3, lực lượng QLTT TP HCM phối hợp với Công an TP HCM kiểm tra điểm chứa trữ và kinh doanh hàng hóa thuộc hộ kinh doanh Diệu Thy, địa chỉ số 82B đường Cao Văn Lầu, phường 2, quận 6, TP HCM.

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện có 530 bao đường tinh luyện, tương đương 26,5 tấn các loại, còn nguyên bao bì chưa qua sử dụng, xuất xứ Thái Lan, trên bao bì sản phẩm không thể hiện ngày sản xuất, hạn sử dụng, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam, không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc hàng hóa, không có tài liệu chất lượng kèm theo. Tổng trị giá hàng hóa theo giá niêm yết là 450,5 triệu đồng.

Trước đó, ngày 24-3, lực lượng QLTT tỉnh Sóc Trăng khi khám phương tiện vận tải theo thủ tục hành chính, phát hiện trên 2 xe ô tô rơ-mooc kéo có đường kính trắng, trên bao bì có tiếng nước ngoài ghi “Product in Thailand”, nhưng chưa xuất trình được hồ sơ hợp pháp liên quan đến hàng hoá.

Lực lượng QLTT đã tạm giữ 2 phương tiện (biển số đăng ký 17C-136.33 và 17H-014.47) và hàng hoá trên chờ xác minh xử lý theo quy định pháp luật.

Trên thực tế, hoạt động nhập lậu đường kính, đường cát vào Việt Nam vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt tại các tỉnh gần biên giới Tây Nam, mặc dù lực lượng chức năng đã có nhiều nỗ lực để ngăn chặn. Cuối năm 2022, tình trạng buôn lậu đường cũng “nóng lên” tại nhiều địa phương.

Theo đại diện Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA), nếu như năm 2021 tình hình buôn lậu đường cát qua biên giới giảm mạnh bởi các biện pháp kiểm soát dịch bệnh thì năm 2022 lại có dấu hiệu tăng trở lại.

Chỉ trong 7 tháng đầu năm 2022 đã có khoảng trên 441.219 tấn đường nhập lậu từ Campuchia và Lào vào Việt Nam, tăng gần gấp đôi so với năm trước đó. Đại diện VSSA cho rằng, đường nhập lậu đều là đường sản xuất tại Thái Lan nhưng được đi vòng qua Campuchia hoặc Lào, sau đó tuồn qua biên giới vào Việt Nam.

Theo đánh giá của lực lượng QLTT, các đối tượng buôn lậu đường có phương thức khá tinh vi. Các đối tượng thường thuê một số cư dân địa phương mang, vác hàng hóa qua biên giới, sau đó nhanh chóng tập kết đưa lên xe ôtô vận chuyển vào nội địa tiêu thụ.

Buôn lậu đường không chỉ là hành vi vi phạm pháp luật mà còn làm ảnh hưởng tới nguồn thu ngân sách của nhà nước, khiến cho đường sản xuất trong nước khó tiêu thụ, lượng tồn kho, chi phí tài chính tăng đến mức doanh nghiệp phải bán dưới giá thành.

Cùng với việc đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu nhiều mặt hàng khác, lực lượng chức năng đang tiếp tục tăng cường kiểm tra, kiểm soát tình trạng buôn lậu đường để bảo vệ sản xuất và người tiêu dùng trong nước.