Liên kết in, mua bán sách lậu

(ANTĐ) - Công ty CP Phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam có trụ sở chính tại số 12, ngách 1, ngõ 814, đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận số 0103017389 và đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 23-5-2007 với các ngành nghề: Mua bán, ký gửi sách, thiết bị trường học.

Liên kết in, mua bán sách lậu

(ANTĐ) - Công ty CP Phát hành sách và thiết bị trường học Việt Nam có trụ sở chính tại số 12, ngách 1, ngõ 814, đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa, Hà Nội, được Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội cấp giấy chứng nhận số 0103017389 và đăng ký kinh doanh lần đầu ngày 23-5-2007 với các ngành nghề: Mua bán, ký gửi sách, thiết bị trường học.

Đầu năm 2009, công ty đã thuê Nguyễn Duy Long (SN 1973), trú tại Phú Diễn, Từ Liêm, Hà Nội làm giám đốc để sử dụng bằng trung cấp in của Long đăng ký thay đổi lần 4 ngày 6-5-2009 với các ngành nghề kinh doanh: Đại lý kinh doanh sách, báo, truyện, sách giáo khoa; In và các dịch vụ liên quan đến in… Công ty do Nguyễn Thị Thu Cúc (SN 1987), trú tại số nhà 12, ngách 1, ngõ 814, đường Láng, phường Láng Thượng, quận Đống Đa là Chủ tịch Hội đồng quản trị; Đỗ Đức Thọ (SN 1978), giảng viên trường Đại học Y Hà Nội, Đỗ Đức Thanh (SN 1984), đều trú tại nhà số 12, ngách 1, ngõ 814, đường Láng là Phó Giám đốc công ty.

Thấy các loại sách bổ trợ giáo dục không được Nhà nước hỗ trợ giá, có giá bán cao hơn sách giáo khoa phổ thông nên mặc dù không có quyết định xuất bản hợp pháp và không có hợp đồng xuất bản theo quy định tại điều 32, 36 Luật Xuất bản, Thọ vẫn bàn với Thanh, Cúc in lậu các loại sách bổ trợ của Nhà xuất bản Giáo dục để bán nhằm tăng doanh thu cho công ty và thu lợi bất chính.

Một vụ in sách lậu bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ
Một vụ in sách lậu bị cơ quan công an phát hiện, thu giữ

Tại kho sách của Công ty ở 57 Hạ Đình, quận Thanh Xuân, Hà Nội, theo chỉ đạo của Thọ và Thanh, Cúc đã cùng với một số nhân viên thực hiện việc bóc, tách từng tờ trong các cuốn sách cần in lậu, sử dụng máy scan nhập nguồn dữ liệu (nội dung sách) vào máy vi tính, căn hỉnh như sách mẫu và in ra bản can. Bìa sách cũng được nhân viên ở đây sử dụng máy scan, nhập dữ liệu vào máy tính, chỉnh sửa giống như bìa sách mẫu, sau đó được in ra phim. Số bản scan, phim này được chuyển đến xưởng in (km số 4 Phan Trọng Tuệ, Thanh Liệt, Thanh Trì, Hà Nội) để công nhân thực hiện việc bình bản, làm ra bản kẽm có chữ theo nội dung sách cần được in và thực hiện in sách trái phép.

Sau khi công việc hoàn thành, tất cả được chuyển cho một số đối tượng là Nguyễn Duy Long, Lưu Hồ Thịnh và Trần Viết Hoan đều trú tại Ngũ Hiệp, Thanh Trì, Hà Nội để thuê đóng sách và dán tem giả của các nhà xuất bản. Tem giả của NXB Giáo dục do Thọ mua của một đối tượng tên là Hùng (không biết tên tuổi thật và địa chỉ) để giao cho các đối tượng gia công sách với số lượng tương ứng số sách thuê đóng. Khi sách in lậu thành phẩm, Thọ và Thanh đưa về kho ở 57 Hạ Đình, Thanh Xuân, Hà Nội để bán cho các đại lý của các tỉnh.

Ngoài việc in sách trái phép, Thọ còn quan hệ với Nguyễn Quốc Hưng (SN 1972), trú tại phường Tân Hưng, quận 7, TP HCM mua 7.140 quyển Let’s go; 29.760 quyển Atlat địa lý Việt Nam không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc theo quy định tại điều 44 Luật Xuất bản. Thọ, Thanh đã bán được 2.235 quyển Let’s go, 27.910 quyển Atlat địa lý Việt Nam, thu lợi bất  chính 7,7 triệu đồng (toàn bộ số sách còn lại đã bị thu giữ).

Trong quá trình điều tra, cơ quan ANĐT - Bộ Công an đã thu giữ 19.584 quyển sách các loại; 12.400 tem chống hàng giả; 899 bản kẽm; 2 máy in màu và các thiết bị liên quan đến việc in sách trái phép cùng rất nhiều bản can, bản phim, ruột sách và bìa sách chưa đóng quyển.

Ngày 2-12-2010, Viện KHHS - Bộ Công an đã có kết luận giám định với nội dung: 4.905 quyển sách Let’s go và tem chống hàng giả dán trên 4.905 quyển sách Let’s go không phải do Công ty Fahasa (đại lý độc quyền tại Việt Nam) cung cấp; 12.400 tem ghi Nhà xuất bản Giáo dục không phải tem chống hàng giả của Nhà xuất bản Giáo dục; 13.819 quyển sách (trong đó có 1.850 quyển Atlat địa lý Việt Nam) ngoài bìa ghi Nhà xuất bản Giáo dục không do Nhà xuất bản Giáo dục in và phát hành. Viện KHHS giám định xác xuất các lớp in trên 454 quyển sách (thuộc 48 trong số 59 đầu sách) kết luận: Các lớp in trên 454 quyển sách không cùng bản in với sách mẫu do Nhà xuất bản Giáo dục cung cấp.

Như vậy, có thể khẳng định: Trên cơ sở kết luận giám định, xác định tổng số sách in, mua bán trái phép đã thu giữ được là 18.724 quyển với tổng giá trị (theo giá bán ghi trên bìa sách) là 494 triệu đồng.

Riêng Nguyễn Thị Thu Cúc, Nguyễn Duy Long và Nguyễn Quốc Hưng vi phạm có mức độ nên cơ quan điều tra không đề cập xử lý hình sự mà kiến nghị UBND quận Đống Đa, huyện Từ Liêm và quận 7, TP HCM xử phạt hành chính.

Trong vụ án trên, Đỗ Đức Thọ giữ vai trò chủ mưu và trực tiếp tổ chức, chỉ đạo Đỗ Đức Thanh, Nguyễn Thị Thu Cúc và nhân viên của công ty thực hiện việc in, mua bán sách trái phép các loại sách của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam và Công ty Fahasa với số lượng rất lớn. Còn Đỗ Đức Thanh phạm tội với vai trò đồng phạm, là người thực hiện tích cực việc chỉ đạo in, mua bán trái phép các loại sách.

Với những lẽ đó, hai bị can Đỗ Đức Thọ và Đỗ Đức Thanh bị VKSNDTC truy tố về tội vi phạm các quy định về xuất bản, phát hành sách theo điều 271, khoản 1 BLHS. Vụ án sẽ được xét xử sơ thẩm vào tháng 6-2011.

Thu Hiền