Lên án lối hành xử lệch chuẩn và xu hướng bạo lực (1)

ANTD.VN - Trong khi vụ việc 2 thanh niên Việt Nam đánh người nước ngoài đến chảy máu do va chạm giao thông trên đường Trần Khát Chân (Hà Nội) chưa kịp lắng xuống, thì mới đây lại xảy ra việc một du khách bị “đánh hội đồng” tại Sa Pa, Lào Cai khiến nhiều người dân bất bình.

Đoạn clip lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, một người nước ngoài được cho là mang quốc tịch Hà Lan xô xát với 4, 5 người đàn ông Việt Nam tại một đoạn đèo ở Sa Pa. Nguyên nhân ban đầu được xác định là do va chạm giao thông. Nhóm những người đàn ông Việt Nam đi xe ô tô màu đen, còn người nước ngoài đi cùng 1 người phụ nữ trên xe máy. Vụ ẩu đả đã khiến người nước ngoài bị chảy máu, thương tích ở vùng mặt.

Lên án lối hành xử lệch chuẩn và xu hướng bạo lực (1) ảnh 1Cảnh ẩu đả với người nước ngoài diễn ra ở đường Trần Khát Chân, Hà Nội

“Bạo lực sẽ lan rộng nếu không được chữa trị”

Sau khi bị đánh, với tài khoản Facebook mang tên Phil Hoolihan, người đàn ông nước ngoài đã có một bài viết khá dài trên một fanpage nổi tiếng về du lịch Việt Nam để thông tin lại một số nội dung liên quan đến vụ việc, đồng thời bày tỏ sự bức xúc về hành vi bạo lực của những người đàn ông Việt Nam. 

“Một trong những nguyên nhân xảy ra tình trạng người Việt hành hung người nước ngoài là do ý thức chấp hành pháp luật, văn hóa ứng xử nơi công cộng của một số cá nhân còn yếu kém. Hành vi này không chỉ khiến tình hình an ninh trật tự tại các địa bàn trở nên phức tạp mà còn tác động xấu đến môi trường du lịch trong nước, khiến hình ảnh con người Việt Nam bị méo mó, xấu đi trong mắt bạn bè quốc tế.  Do vậy, những đối tượng thực hiện hành vi này cần bị lên án và xử lý nghiêm khắc”.

Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng (Nguyên Điều tra viên cao cấp, Văn phòng Cơ quan CSĐT, CATP Hà Nội) 

Trong bài viết này, người đàn ông bày tỏ quan điểm: “Bạo lực là một căn bệnh, nếu không chữa trị nó sẽ lan rộng ra nhiều người hơn”. Bên cạnh đó, người này cũng đưa ra lý do để chia sẻ bài viết: “Tôi muốn công lý. Tôi muốn thủ phạm bị bắt và đối mặt với tòa án. Nếu bạn đứng cạnh và xem những người bị đánh mà không giúp đỡ, bạn cũng xấu xa như những kẻ côn đồ và bạo lực sẽ không dừng lại”… Kết thúc bài viết, người đàn ông nước ngoài nhấn mạnh: “Việt Nam là một nơi tuyệt vời với nhiều người dân tuyệt vời, nhưng xô xát, va chạm lại xảy ra thường xuyên. Điều này phải được chấm dứt!”. 

Sau khi đăng tải trên mạng xã hội, đoạn clip cùng bài viết trên đã được chia sẻ với tốc độ chóng mặt với hàng nghìn lượt xem và bình luận. Tài khoản Facebook tên Hoang Long viết: “Nếu lý do ban đầu chỉ là va chạm giao thông mà 5 người quây đánh 2 vợ chồng già thì đúng là quá hèn. Sao văn hóa của một số người Việt Nam ngày càng đi xuống như vậy? Dù sao người ta cũng là khách du lịch, nếu họ sai thì với tư cách chủ nhà, chúng ta cũng nên hành động lịch sự, đằng này…”.

Với suy nghĩ tương tự, tài khoản tên Thuy Hoa Le nhận xét: “Chưa cần biết đúng sai ra sao, việc 4, 5 người đàn ông xông vào đánh một du khách thể hiện sự côn đồ, hung hãn, đi ngược lại với các chuẩn mực đạo đức và truyền thống mến khách của người Việt Nam. Cách giải quyết mâu thuẫn bằng nắm đấm thể hiện sự côn đồ và ngu xuẩn. Tôi đề nghị cơ quan chức năng xử lý nghiêm các đối tượng này”.

Lên án lối hành xử lệch chuẩn và xu hướng bạo lực (1) ảnh 2Du khách người Hà Lan bị 4, 5 người đàn ông Việt đánh đập sau khi va chạm giao thông tại Sa Pa

Coi thường đạo đức, pháp luật

Điều đáng nói là những vụ xô xát, ẩu đả giữa người Việt Nam và người nước ngoài có xu hướng gia tăng trong thời gian gần đây, trong đó nguyên nhân thường xuất phát từ sự hung hãn của một số người Việt khi giải quyết mâu thuẫn.

 Tại Hà Nội, rạng sáng 24-6 vừa qua, ông Amin Goshti, quốc tịch Australia đi bộ ở khu vực đài phun nước bờ hồ Hoàn Kiếm để đón “xe ôm” về nhà. Khi ông Amin Goshti hỏi giá, lái “xe ôm” xòe 5 ngón tay. Nghĩ số tiền là 50.000 đồng nên ông Amin Goshti đã đồng ý. Tuy nhiên, khi đi đến phố Hàng Bông, ông Amin yêu cầu lái xe dừng lại để hỏi rõ về số tiền phải trả thì lái xe nói số tiền là 500.000 đồng.

Hốt hoảng vì bị “chặt chém”, ông Amin Goshti không đồng ý đi tiếp nên lái xe đòi ông phải trả 100.000 đồng cho quãng đường từ Hàng Đào đến 66 Hàng Bông. Cho rằng quãng đường này quá ngắn nên ông Amin Goshti chỉ đồng ý trả 10.000 đồng nhưng người lái xe này không chấp thuận.

Lời qua tiếng lại, lái “xe ôm” đã lăng mạ và lao vào hành hung ông Amin Goshti. Sau khi ông Amin trình báo sự việc, CAQ Hoàn Kiếm đã xác minh thông tin, hiện đang hoàn tất hồ sơ xử lý đối tượng Nguyễn Văn Thanh (SN 1959, trú tại Bạch Đằng, Hoàn Kiếm, Hà Nội) - người đã có hành vi hành hung ông Amin Goshti.

“Việc liên tiếp xảy ra các vụ ẩu đả liên quan đến người người nước ngoài  báo hiệu những diễn biến bất thường trong xã hội. Đó là sự thách thức pháp luật, coi thường chính quyền. Hiện tượng này là biểu hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi của những đối tượng vi phạm pháp luật. Họ hành động nhằm thỏa mãn bản năng, không suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra. Nó cũng chứng tỏ giá trị đạo đức và nhân cách của một bộ phận người Việt đã bị xuống cấp nghiêm trọng”.

Tiến sĩ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú

Theo Tiến sĩ Tâm lý Hoàng Cẩm Tú, việc liên tiếp xảy ra các vụ ẩu đả liên quan đến người người nước ngoài  báo hiệu những diễn biến bất thường trong xã hội. Đó là sự thách thức pháp luật, coi thường chính quyền. Hiện tượng này là biểu hiện sự rối loạn nhân cách, lệch chuẩn về hành vi của những đối tượng vi phạm pháp luật. Họ hành động nhằm thỏa mãn bản năng, không suy nghĩ về hậu quả có thể xảy ra. Nó cũng chứng tỏ giá trị đạo đức và nhân cách của một bộ phận người Việt đã bị xuống cấp nghiêm trọng.

Cứ va chạm, xích mích, dù là nhẹ, kể cả do lỗi từ phía mình, không ít đối tượng lập tức lao vào đánh người khác. Dường như việc đánh một người gây thương tích khiến họ tự tin mình là kẻ mạnh. Họ hành xử côn đồ như một sự lựa chọn do họ tin vào nỗi sợ hãi trước bạo lực của người khác hơn là tin vào lý lẽ, vào pháp luật hiện hành.

Từ xa xưa, người Việt Nam đã có truyền thống mến khách. Khi khách đến nhà, gia chủ dù khó khăn đến mấy cũng thết đãi chu đáo, thịnh soạn. Vậy mà khi những du khách nước ngoài đến Việt Nam, lẽ ra chúng ta phải hành xử ở tâm thế chủ nhà, sẵn sàng giúp đỡ, giới thiệu cho họ những nét đẹp về văn hóa, danh lam thắng cảnh của người Việt để níu chân họ, thì đằng này một số cá nhân đã dùng nắm đấm, dùng bạo lực để đe dọa, “khủng bố” cả về tinh thần và thể chất khiến họ “một đi không trở lại”.

“Tôi cho rằng, những câu chuyện tương tự như vậy sẽ tiếp tục xảy ra khi niềm tin về giá trị đạo đức, hoặc pháp luật không còn có khả năng điều chỉnh hành vi của con người một cách hữu hiệu. Khi người ta hành động như những kẻ côn đồ, hung hãn với những người khách từ nơi xa đến đất nước mình chứng tỏ một bộ phận trong xã hội coi thường giá trị đạo đức, coi thường tính nghiêm minh của pháp luật. Điều này đáng bị lên án…”, Tiến sĩ Hoàng Cẩm Tú nhận định.

(Còn tiếp)