Lấy vợ cho con mà như "rước nợ về nuôi"

ANTĐ - Chuyện anh Lực cưới vợ cho con là “rước nợ về nuôi” sẽ còn là chủ đề của các buổi “tọa đàm bàn trà” buổi sáng của cơ quan này.

Sáng thứ Hai, lại trùng vào ngày Rằm Trung thu, nên “buổi giao ban tiệc trà” của cơ quan kéo dài hơn những buổi khác. Một số người mang bánh nướng, bánh dẻo, na, nhãn đến để chung vui. Vừa xong tuần trà đầu tiên, chị trưởng phòng thông báo: “Chiều thứ Năm cả phòng tập trung đi ăn cưới con anh Lực nhé. Miễn vắng mặt”. Mọi người mắt tròn mắt dẹt, bởi ai còn lạ gì anh Lực, người đàn ông 45 tuổi, là nhân viên mẫn cán của phòng, có cậu con trai đang học lớp 10 thì bỏ học. Mọi người biết anh buồn vì con trai không ngoan, nên ai cũng né tránh, ít hỏi thăm. Tưởng gia đình cho cháu đi học nước ngoài hay đi làm, ai ngờ nó lại cưới vợ.

Bác phó phòng, người có tuổi, trầm ngâm suy ngẫm, rồi nói:

- Dở thật, anh Lực này tự ý quyết định cưới vợ cho con, không hỏi ý kiến anh em. Tôi biết rõ “thằng quý tử” của anh ấy lắm. Cũng một phần tại vợ chồng anh Lực chiều con quá. Vợ sinh được mỗi mình nó thì bị cắt buồng trứng, không thể đẻ được nữa, nên hai vợ chồng dồn hết tâm sức, tiền của vào đứa con trai duy nhất, hy vọng lớn lên nó sẽ là “của để dành” của mình. Nhưng sự đời vẫn xảy ra cảnh trớ trêu như vậy, con nhà nghèo thì cố gắng học giỏi, vượt khó, con nhà giàu thì “sướng quá hóa rồ”. Các cụ nói cấm có sai: “Có năm có mười thì tốt, có một lại vô duyên”.

Chị Lan, thủ quỹ của phòng, vốn là người ít nói, không quan tâm tới chuyện “thời sự chính trị” xung quanh, vậy mà cũng dừng tay cắt bánh, nói:

- Em tưởng cháu nó đang học lớp 12, năm tới đi du học cơ mà. Thỉnh thoảng thấy thằng bé đến đây tìm bố, nhìn nó trắng trẻo, xinh trai, ngoan ngoãn, ai ngờ lại yêu sớm thế. Sao anh Lực lại cho con lấy vợ sớm nhỉ, hay là “bác sĩ bảo cưới”.

Bác phó phòng được dịp nói hết những gì mình biết về “gia đình anh Lực”. Bác bảo: “Vất vả lắm vợ chồng anh Lực mới xin cho con vào được một trường trung học dân lập, chứ thi tốt nghiệp... suýt trượt, làm sao mà vào trường công lập được. Nhưng cu cậu học thì kém, chỉ những trò tệ nạn xã hội như cờ bạc, rượu chè, lô đề, đua xe, tiêu tiền, chơi game thì cu cậu lại giỏi. Nhưng thành tích lớn nhất của nó trong năm học lớp 10 là có người yêu. Bố nó bảo trong một năm, nó phải dẫn về nhà tới 4 - 5 cô bạn gái, trong đó có 2 mối tình sâu đậm tới mức gia đình anh Lực phải sang bên nhà gái “có lời” để con anh không bị kiện về tội lạm dụng tình dục trẻ em.

Cái thằng này cũng lạ, nó “không thèm yêu” các cô gái con nhà lành, học giỏi. Nó chỉ thích những cô đứt học nửa chừng, nhưng biết ăn chơi sành điệu. Đang nghỉ học kỳ hai lớp 10, nó đã xin tiền bố mẹ nói là đi picnic với lớp, nhưng thực chất là đi nghỉ “tuần trăng mật” với người yêu. Sau lần ấy, anh Lực cũng tốn khá nhiều tiền để cho con trai giải quyết hậu quả của tình yêu.

Chị trưởng phòng ngụm một hớp trà, nói:

- Sao bây giờ bọn trẻ chúng sống gấp thế không biết, chẳng bù cho thời mình, yêu 2 năm rồi mà không cho người yêu cầm tay. Mãi mới cho người yêu hôn một cái thì về nhà lo có thai. Đêm cưới mà kiên quyết mặc quần áo dài đi ngủ, vì sợ “xấu hổ” với chồng. Còn bây giờ, bọn trẻ cái gì cũng nhanh: Nhanh quen nhau, nhanh yêu, nhanh ngủ với nhau và nhanh chia tay. Con trai bà dì tôi đang học lớp 12 thì quyết tâm bỏ học. Bố mẹ khóc lóc, van xin, dọa nạt không có kết quả, đành chấp nhận cho nó nghỉ học, rồi tính sau. Nó lêu lổng suốt một năm, sống dựa vào tiền lương hưu của bố và “shop dưa cà mắm muối” của bà mẹ, cậu con trai quý tử quẫn bách, đòi bố mẹ chạy tiền cho đi Hàn Quốc lao động. Sợ con đi sẽ mất con, hai ông bà hứa sẽ nhờ người xin việc cho con ở thành phố. Nhưng cậu ấm con bà dì tôi lại “con nhà lính, tính nhà quan”, không chịu làm những việc mà cậu cho là “không xứng tầm”. Làm bảo vệ, bưng bê ở quán phở, trông hàng nét, chở hàng cho khách... cậu cho là lao động chân tay, vất vả mà lương thấp.

Ông bà đang bế tắc chuyện xin việc cho con thì nó báo cáo rằng có người yêu, đã chung sống với nhau và “vợ” của nó sắp có con. Cô này là dân bỏ học, đang là nhân viên thu ngân của một quán mát xa chân trên phố. Ông bà cay đắng, một phần vì con trai còn ít tuổi, chưa có công ăn việc làm, một phần vì con dâu là người cũng chẳng hơn gì con trai ông bà. Nhưng nó bảo “phải làm đám cưới, không con sẽ bỏ đi vào Nam với cô ấy”. Thôi thì trời không chịu đất, đất phải chịu trời. Ông bà tự an ủi rằng thời buổi này “con đặt đâu cha mẹ ngồi đấy” mà. Vậy là sau nửa tháng chuẩn bị, ông bà đã lên chức bố mẹ chồng, già nửa năm sau có cháu đích tôn.

Nghe chuyện đến đây, cậu nhân viên đánh máy phán một câu xanh rờn rằng: “Đấy, các cụ cứ lo bò trắng răng. Sớm muộn cũng lấy vợ, lấy chồng. Lấy vợ sớm, có khi cậu con trai lại tu chí làm ăn, bởi có vợ quản thúc, lại vì trách nhiệm làm bố nữa. Nhiều khi cha mẹ bất lực vì con trai hư, cứ lấy vợ cho nó, vợ chồng nó bảo ban lẫn nhau, lại tốt”.

- Cứ từ từ, đừng vội kết luận - Chị trưởng phòng xua tay cản cậu nhân viên đánh máy. Sau khi lấy vợ, thằng em con bà dì tôi đúng là không đòi hỏi tiền của bố mẹ nữa, nhưng nó chuyển sang ngửa tay xin vợ. Nhưng cô vợ của nó đâu phải vừa, mỗi lần đưa cho chồng một vài chục là xảy ra khẩu chiến quyết liệt, không ít lần từ khẩu chiến chuyển sang “đấu tranh có vũ trang”. Để trả thù vợ về tội không đưa tiền cho chồng chơi lô, chơi đề, uống rượu và chơi game, cậu ấm đã bỏ nhà đi sang nhà bạn ngủ vài ngày. Bạn bè cũng là dân lêu lổng với nhau cả thôi mà. Rồi tức mình, nó còn cặp bồ với mấy cô “mắt xanh mỏ đỏ”, kéo nhau về nhà ăn uống, rồi ôm nhau ngủ để trêu tức vợ. Không chịu được cảnh “lấy chồng trẻ con”, cô vợ của nó vứt con cho ông bà nội nuôi, bỏ về bên ngoại ở một mình rồi. Bây giờ hai ông bà già còng lưng làm thêm để nuôi cả con trai lẫn cháu đích tôn chưa đầy một tuổi.

Chỉ khổ cho hai ông bà già. Giờ đây để có tiền nuôi cả hai bố con nó, ông bà phải tìm thêm việc để làm. Ông sắm bộ đồ cắt tóc, ra gốc cây đầu phố chờ khách. Buổi sáng, bà tranh thủ nấu nồi cháo sườn, ngồi ở góc nhà mẫu giáo bán cho các cháu bé. Buổi tối, ngao ngán ngồi bên nhau, ôm cháu.

Ông trách bà: “Tại bà cả, con mình chưa nuôi nổi thân nó, bà còn bênh nó, chấp nhận cho nó lấy vợ để đèo bòng”. Bà cãi lại ông, nhưng cũng như tự nói với mình: “Tưởng đâu lấy vợ cho nó, nó sẽ nên người, ai ngờ. Tôi với ông mà ốm bây giờ, ai nuôi bố con nhà nó. Không khéo lại đi ăn cướp cũng nên. Khốn khổ thân tôi”.

Đúng lúc câu chuyện đang rôm rả, chị chủ tịch công đoàn, kiêm trưởng ban nữ công của cơ quan vào. Nghe mọi người bàn chuyện đám cưới con trai anh Lực, chị nói luôn:

Bên Pháp người ta đã nghiên cứu, khảo sát 100 đôi vợ chồng đã qua đám cưới bạc, nghĩa là chung sống với nhau 25 năm êm ấm, hạnh phúc. Kết quả khảo sát cho thấy 86% các đôi vợ chồng này đều tự lập về kinh tế, thưởng thành ngay từ lúc đến với nhau. Hầu như các đôi vợ chồng này không cần bất cứ sự hỗ trợ nào từ phía đôi bên bố mẹ. Độc lập mới được tự do, tự do mới có hạnh phúc. Sẽ là sai lầm nếu chỉ vì bất lực trong việc giáo dục con cái mà cha mẹ nghĩ rằng cứ lấy vợ, lấy chồng cho con, chúng sẽ nên người. Hạnh phúc làm sao được khi hai kẻ “ăn chưa no, nghĩ chưa tới”, chưa có công ăn việc làm để nuôi sống bản thân? Hôn nhân không phải là lối thoát cho những kẻ lười biếng!

Có lẽ những lời nói của chị chủ tịch công đoàn đã là phần kết của buổi thào luận nhóm buổi sáng. Nhìn lên đồng hồ đã 8 giờ 30, mọi người hớt hải chạy về phòng làm việc của mình, nhưng chắc chắn câu chuyện anh Lực cưới vợ cho con là “rước nợ về nuôi” sẽ còn là chủ đề của các buổi “tọa đàm bàn trà” buổi sáng của cơ quan này.