Lấy phiếu tín nhiệm 47 chức danh cấp cao: Công tâm, khách quan

ANTĐ - Chiều qua, 10-6, Quốc hội đã hoàn thành lấy phiếu tín nhiệm đối với 47 chức danh do Quốc hội bầu và phê chuẩn. Kết quả thống kê số phiếu đánh giá tín nhiệm đối với mỗi chức danh sẽ có vào sáng nay, 11-6. Quốc hội sẽ thông qua Nghị quyết xác nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Các đại biểu tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm chiều 10-6

Hồi hộp và trăn trở

Đầu giờ sáng, phát biểu trước Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Đây là lần đầu tiên Quốc hội thực hiện quyền giám sát tối cao và đây cũng là Quốc hội đầu tiên trên thế giới thực hiện việc này. ĐBQH thực hiện quyền năng của mình thay mặt cử tri thực hiện nhiệm vụ rất nhạy cảm để đánh giá chức danh chủ chốt nhất của bộ máy Nhà nước”. Ông lưu ý các ĐBQH cân nhắc thận trọng, khách quan, công tâm và đánh giá chính xác. 

Việc bỏ phiếu được các ĐBQH căn cứ vào báo cáo của các chức danh trước 20 ngày theo chức năng, nhiệm vụ của mình và cả phẩm chất, đạo đức, lối sống từ khi nhận nhiệm vụ đến nay. Bên cạnh đó, ĐB cũng căn cứ vào nội dung rất quan trọng là tình hình kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, đối ngoại... Căn cứ tiếp theo để ĐBQH có thông tin đầu vào làm cơ sở đánh giá về các chức danh là thông qua tiếp xúc cử tri, tổ chức giám sát, chất vấn, báo cáo, giải trình đối với từng chức danh, từng lĩnh vực và đi đến những đánh giá, kết luận sau mỗi kỳ họp. Ngoài ra, ĐBQH còn căn cứ trên cơ sở kiến nghị của cử tri cả nước qua tiếp xúc cử tri, qua báo cáo của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

 Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh: “Căn cứ quan trọng nhất chính là đánh giá của bản thân các ĐBQH. Tính khách quan, thận trọng, chính xác, công tâm của ĐBQH sẽ quyết định chất lượng hoạt động của Quốc hội”. Ông chia sẻ: “Tôi là người tham gia bỏ phiếu nhưng cũng là người được ĐBQH bỏ phiếu nên có 2 tâm trạng. Tâm trạng hồi hộp chờ đợi xem ĐB đánh giá mình thế nào và tâm trạng trăn trở với vai người bỏ phiếu cho người khác. Chúng tôi rất tin tưởng rằng Quốc hội sẽ hoàn thành tốt nhiệm vụ trước Đảng, Nhà nước và đặc biệt là trước cử tri, trước nhân dân”.

Ngay trong buổi sáng, Quốc hội đã biểu quyết thông qua danh sách 47 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm do Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị. Theo đó, 476 ĐBQH tán thành, chiếm 95,58%.

Công bố kết quả trong sáng nay

Sau khi dành thời gian thảo luận tại tổ, chiều 10-6, Quốc hội trở lại hội trường để tiến hành bỏ phiếu. Việc lấy phiếu tín nhiệm diễn ra trong khoảng hơn 10 phút. Trước đó, Quốc hội bầu Ban Kiểm phiếu gồm 29 thành viên (đều là ĐBQH), do ông Đỗ Văn Chiến (ĐBQH tỉnh Yên Bái) là Trưởng ban. Mỗi ĐBQH được phát 10 loại phiếu tín nhiệm với các màu khác nhau (từng  phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của người được lấy phiếu) gồm các phiếu đối với: Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước, Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Uỷ viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, Chánh án Toà án nhân dân Tối cao và Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.

Trước khi các ĐBQH bỏ lá phiếu đánh giá tín nhiệm, thay mặt Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đã đọc Báo cáo tổng hợp kết quả thảo luận ở Đoàn và báo cáo về các vấn đề có liên quan đến việc lấy phiếu tín nhiệm và người được lấy phiếu tín nhiệm.

Chủ tịch Quốc hội cho biết, trong thời gian 2 năm qua, tình hình kinh tế, xã hội nước ta có diễn biến khó khăn, phức tạp, ảnh hưởng đến việc thực hiện nhiệm vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm. Đây là những khó khăn khách quan chung của tình hình thế giới và trong nước. Do đó, Chủ tịch Quốc hội lưu ý, việc đánh giá cần có sự cân nhắc kỹ, gắn với việc thực tiễn, khó khăn khách quan và sự chuyển biến của tình hình trong thời gian qua. Về danh sách người được lấy phiếu tín nhiệm, Chủ tịch Quốc hội cho biết, một số ý kiến đề nghị cần bổ sung thêm vào danh sách lấy phiếu đối với ông Vương Đình Huệ, nguyên Bộ trưởng Bộ Tài chính,  ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa được Quốc hội phê chuẩn, nguyên Tổng Kiểm toán Nhà nước, và ông Nguyễn Hữu Vạn, Tổng Kiểm toán Nhà nước vừa được bầu.

Tuy nhiên, UBTVQH cho rằng, người được lấy phiếu tín nhiệm phải có đủ thời gian giữ chức vụ để ĐBQH có cơ sở đánh giá việc thực hiện nhiệm vụ. Tính đến thời điểm lấy phiếu tín nhiệm, ông Vương Đình Huệ không giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính, ông Đinh Tiến Dũng vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn giữ chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính và ông Nguyễn Hữu Vạn vừa được Quốc hội bầu và phê chuẩn giữ chức vụ Tổng Kiểm toán Nhà nước. Do đó, UBTVQH đã báo cáo và được Quốc hội chấp thuận không lấy phiếu với 2 vị này.

Dự kiến, việc thực hiện kiểm phiếu diễn ra ngay trong đêm 10-6. Sáng nay, 11-6, Quốc hội sẽ công bố số phiếu tín nhiệm đối với từng chức danh được lấy phiếu tín nhiệm.

Bỏ phiếu trên quan điểm của cử tri

“Tôi rất vui vì sự dân chủ được thể hiện tuyệt đối. Tôi cũng không bỡ ngỡ với thủ tục, quy trình lấy phiếu vì nói chung việc này đã được chuẩn bị tốt, chu đáo trong một thời gian dài. Chúng tôi cũng đã nghiên cứu kỹ báo cáo của 47 chức danh được lấy phiếu tín nhiệm. Tôi tin rằng các ĐBQH khác về cơ bản đã có đủ thông tin. Quan trọng nhất, tôi cho rằng các ĐBQH bỏ phiếu trên quan điểm của nhân dân, của cử tri chứ không phải quan điểm của cá nhân mình. Tôi tin tưởng các ĐBQH không phải chờ tới hôm nay mà đã cân nhắc từ trước rồi. Bản thân tôi đã theo dõi từ trước, cân nhắc từ trước chứ không phải chỉ từ sáng tới giờ mới quyết định”.

ĐB Trần Thị Quốc Khánh (Hà Nội)
Suy nghĩ, cân nhắc từ trước

“Tôi thấy việc chuẩn bị phiếu theo nhóm là tốt (chia thành 10 nhóm - PV), để ĐBQH có điều kiện so sánh trong từng nhóm, so sánh từng loại nhiệm vụ chức năng mà Nhà nước giao cho các vị. Thời gian chuẩn bị cũng tương đối dài. Cá nhân tôi cho rằng, chuẩn bị cho đợt lấy phiếu này là tốt, nhưng đợt sau cũng phải rút kinh nghiệm về một số vấn đề. Chẳng hạn, như thời điểm lấy phiếu tín nhiệm như thế nào cho thích hợp; báo cáo của các vị cũng phải có quy chuẩn, chứ không người dài, người ngắn, làm sao để phải có đủ thông tin cho các ĐBQH tham khảo, kiểm chứng. Khi điền phiếu, tôi đã có cân nhắc, suy nghĩ từ trước nên không mất nhiều thời gian lắm”.

ĐB Bùi Thị An (Hà Nội)
Tín nhiệm cao tuyệt đối là rất khó

“Tôi đánh giá và đi đến quyết định bỏ lá phiếu tín nhiệm căn cứ cụ thể vào việc điều hành, công việc của từng vị, chỉ như vậy mới có thể đánh giá chính xác hơn. Các “tư lệnh” ngành, lĩnh vực có rất nhiều nhiệm vụ nhưng tôi quan tâm tới vấn đề các vị không làm hoặc có làm nhưng triển khai không đến nơi, đến chốn. Có ý kiến cho rằng nên có cả yếu tố đạo đức, lối sống nhưng tôi cho rằng điều này rất khó đánh giá. Vì có việc đối với mình chưa phải là tốt nhưng đối với người khác lại là tốt. Chuẩn mực chung về đạo đức, lối sống có nhiều cách nhận thức, cách hiểu khác nhau. Tôi sẽ bỏ lá phiếu trên cơ sở thông tin đầu vào cho từng chức danh. Để đạt được tín nhiệm cao tuyệt đối là rất khó”.

ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận)