Lây lan bất thường virus viêm gan C ở bệnh viện hàng đầu Singapore

ANTĐ - Bệnh viện Đa khoa Singapore (SGH), bệnh viện công lớn nhất Singapore đang dính vào vụ bê bối khi có tới 22 bệnh nhân tại khoa thận của bệnh viện chẩn đoán nhiễm virus viêm gan C bất thường, trong đó 4 người đã tử vong có thể do virus này. Nguyên nhân sự việc đang được điều tra, giới chuyên môn cũng rất muốn nhanh chóng làm sáng tỏ lỗi ở khâu nào để ngăn chặn sự cố tương tự.

Lây lan bất thường virus viêm gan C ở bệnh viện hàng đầu Singapore ảnh 1Đại diện Bệnh viện Đa khoa Singapore gặp gỡ báo chí chiều 6-10

Sự cố chưa có tiền lệ

Trong cuộc họp báo chiều 6-10, Bệnh viện Đa khoa Singapore cho hay đầu tháng 6-2015, bệnh viện đã phát hiện số ca nhiễm viêm gan C cao bất thường tại khoa thận, buộc họ phải tiến hành kiểm tra các bệnh nhân tại đây và phát hiện 22 người đã nhiễm. Hầu hết bệnh nhân có độ tuổi từ 50 đến 60. Người trẻ nhất 24 tuổi. Trong số này, 8 trường hợp đã tử vong với 4 người “mắc nhiều bệnh cùng lúc và nhiễm trùng huyết nặng” mà nguyên nhân có thể do viêm gan C.

Giáo sư Fong Kok Yong, Chủ tịch Hội đồng y khoa SGH cho biết, hiện chưa có “bằng chứng rõ ràng” và cuộc điều tra vẫn đang diễn ra. Sau khi SGH thực hiện các biện pháp phòng ngừa, không có thêm ca nhiễm viêm gan C mới được phát hiện. Tuy vậy, Tổng giám đốc SGH, Giáo sư Ang Chong Lye đã chính thức xin lỗi gia đình các nạn nhân. 

Giới chuyên gia y tế bị sốc trước thông tin này và cho rằng việc để lây nhiễm virus viêm gan C một cách bất thường như vậy là điều chưa từng xảy ra. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Gan Kim Yong bày tỏ “thất vọng và quan ngại về việc để xảy ra điểm lây nhiễm viêm gan C ở SGH”. Ông cũng cho biết đã thành lập một ủy ban đánh giá độc lập nhằm điều tra về sự cố này để ngăn chặn nguy cơ tái diễn trong tương lai.

Khẩn trương điều tra  

Nguồn gốc lây lan virus viêm gan C cho 22 bệnh nhân trong một thời gian ngắn tại bệnh viện đến nay vẫn là điều chưa giải thích được. Virus viêm gan C thường lây truyền qua máu hoặc các sản phẩm của máu, không qua không khí hay qua tiếp xúc, dùng chung đồ dùng hay ăn uống chung. Như vậy, virus này không dễ lây lan, đồng thời “rất mỏng manh và nhanh chết khi tiếp xúc”, theo như lời Giáo sư Fong Kok Yong, Chủ tịch Hội đồng y khoa SGH. Đáng chú ý, nếu là khâu truyền máu thì việc bảo quản máu rất cẩn thận trong khi không phải tất cả bệnh nhân phát hiện đã nhiễm viêm gan C đều từng phải truyền máu. Hơn nữa, họ thuộc các nhóm máu khác nhau, do đó việc lây nhiễm từ một nguồn máu mang virus bị loại trừ. 

Bệnh viện lúc đầu còn nghi ngờ rằng có thể virus lây qua máy lọc máu, do bệnh nhân suy thận phải lọc máu để thải sạch độc tố. Tuy nhiên, điều tra hồi tháng 5 đã chỉ ra rằng, điều này khó xảy ra vì bệnh nhân sử dụng nhiều máy khác nhau và có những bệnh nhân từng sử dụng máy đó nhưng lại không mắc bệnh.

Yếu tố khác được xem xét là thuốc tiêm đa liều, có thể là những loại có chứa insulin dùng chung cho 2-3 bệnh nhân tiểu đường cùng lúc. Tuy nhiên, đúng quy trình tiêu chuẩn, mỗi lần lấy thuốc, bác sỹ hay y tá ở đây đều sử dụng ống-kim tiêm mới cho mỗi bệnh nhân. Cuộc điều tra đang được tiến hành và không loại trừ bất kỳ khả năng nào, kể cả khả năng bị “chơi xấu”. “Hy vọng ủy ban điều tra do Bộ Y tế mới thành lập có thể làm sáng tỏ hơn”, đại diện bệnh viện bày tỏ.

Nếu không được điều trị, virus viêm gan C sẽ gây xơ gan, suy gan, hoặc ung thư gan. SGH đang liên hệ với 411 bệnh nhân đã điều trị tại khoa thận trong 6 tháng đầu năm nay để kiểm tra xem còn trường hợp nào nhiễm virus viêm gan C hay không. Cũng trong ngày 6-10, Bệnh viện Đa khoa Singapore hứa sẽ “chịu trách nhiệm” và trả tiền điều trị cho bất kỳ bệnh nhân nào nhiễm virus viêm gan C trong thời gian nằm viện. Theo luật Singapore, trong khoảng 3 năm, bệnh nhân có quyền khởi kiện bệnh viện về sơ suất y tế như trên.