Lật tẩy luận điệu nực cười “Việt Nam không có tự do Internet”

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Cái gọi là “Việt Nam không có tự do Internet” nêu ra bảng chấm điểm chỉ số tự do của các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam, mà Tổ chức Freedom House công bố không chỉ là một luận điệu nực cười mà ẩn chứa phía sau là ý đồ đen tối trong âm mưu chống phá nước ta.

Cố tình đưa ra những thông tin sai lệch, xuyên tạc

Tổ chức Freedom House có trụ sở tại Mỹ thời gian qua công bố báo cáo thường niên tạm gọi là “Nỗ lực toàn cầu nhằm kiểm soát các đại công ty công nghệ”, trong một lần nữa xếp Việt Nam vào nhóm “các quốc gia không có tự do trên Internet năm 2021”. Cũng như những năm trước, trong báo cáo về “xếp hạng tự do Internet” năm nay của tổ chức Freedom House lại chứa đựng những thông tin, đánh giá méo mó, hoàn toàn sai lệch, xuyên tạc về thực trạng Internet cũng như sử dụng Internet tại Việt Nam.

Chẳng khác mấy các năm trước, trong báo cáo năm nay, tổ chức Freedom House lại một lần nữa “nhai lại” những luận điệu sai trái tới mức nực cười rằng, “Việt Nam không có tự do Internet”, “người dân Việt Nam gần như bị cấm truy cập vào mạng xã hội”… để rồi từ đó lái sang luận điệu chứa đựng ý đồ đen tối như ở Việt Nam “không có quyền bầu cử”, “không có tự do ngôn luận”, “không có tự do tôn giáo”…

Trong cái gọi là “bảng chấm điểm chỉ số tự do của các quốc gia trên thế giới”, tổ chức Freedom House đã trắng trợn xuyên tạc rằng, Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An ninh mạng do Bộ Công an Việt Nam soạn thảo, trong đó có đưa ra những yêu cầu đối với các công ty mạng về việc lưu trữ dữ liệu tại máy chủ ở Việt Nam như tên tuổi người dùng, quốc tịch, giấy chứng minh, số thẻ tín dụng, sức khỏe… là “mơ hồ”, là nhằm “cho phép cơ quan chức năng có thể tiếp cận dữ liệu của người dùng”. Không những thế, tổ chức Freedom House còn cố tình xuyên tạc rằng, việc các công ty mạng xã hội tuân thủ hoàn toàn những quy định của Việt Nam, giới hoạt động, nhà báo, các nhà bảo vệ nhân quyền có thể phải “đối mặt nguy cơ trước sự đàn áp nặng nề tiếng nói bất đồng chính trị của chế độ độc đảng”.

Tổ chức Freedom House đã xuyên tạc tình hình tự do Internet tại Việt Nam nhằm ẩn chứa ý đồ đen tối trong âm mưu chống phá nước ta

Tổ chức Freedom House đã xuyên tạc tình hình tự do Internet tại Việt Nam nhằm ẩn chứa ý đồ đen tối trong âm mưu chống phá nước ta

Cũng như những năm trước, báo cáo của Freedom House một lần nữa lại vu cáo Nhà nước Việt Nam “hạn chế quyền của người sử dụng Internet, kiểm soát nội dung trên mạng xã hội”, xếp Việt Nam vào nhóm quốc gia “không có tự do trên Internet”.

Từ những thông tin, luận điệu bóp méo, xuyên tạc về Internet tại Việt Nam, tổ chức Freedom House đã cố tình “dìm” điểm đánh giá về tự do Internet tại nước ta xuống 12/25 điểm về trở ngại để truy cập, 6/35 điểm ở phần giới hạn đối với nội dung, 4/40 điểm ở phần vi phạm quyền của người sử dụng … Tổ chức này lộ rõ ý đồ trong việc đánh giá thấp về tự do Internet khi “chấm” điểm tự do của Việt Nam là 19/100 điểm, trong đó cố tình hạ thấp điểm tự do về quyền dân sự, chính trị.

Vẫn biết, những thông tin và dữ liệu mà tổ chức Freedom House dựa vào để đưa ra nhận định, đánh giá về vấn đề tự do Internet ở Việt Nam là lấy từ một số ít những cá nhân chống đối ở nước ngoài. Thế nhưng, nếu thực sự khách quan và không mang dụng ý xấu thì trong thời buổi “thế giới phẳng” hiện nay, tổ chức Freedom House hoàn toàn có thể có được những thông tin đầy đủ, chính xác, khách quan về trực trạng Internet và việc sử dụng Internet tại Việt Nam.

Bởi thế, việc tổ chức Freedom House cố tình “mũ ni che tai”, đưa ra những thông tin, đánh giá sai lệch, xuyên tạc về tự do Internet tại Việt Nam càng làm lộ rõ ý đồ đen tối xấu xa nhằm chống phá nước ta trong vấn đề tự do ngôn luận, dân chủ và nhân quyền.

Thực tế khách quan không thể chối bỏ

Nhìn vào thực tế hiện nay tại Việt Nam dễ dàng thấy ngay những điều hoàn toàn tương phản với bức tranh Internet u ám mà tổ chức Freedom House vẽ ra. Thực tế khách quan, sống động cho thấy, những nỗ lực thúc đẩy và bảo đảm quyền con người ở Việt Nam nói chung và quyền tự do Internet nói riêng đã được các nước, các tổ chức quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.

Đánh giá của tổ chức Freedom House hoàn toàn trái ngược với xếp hạng, đánh giá về sử dụng Internet tại Việt Nam của các tổ chức chuyên môn, uy tín khác trên thế giới. Theo thống kê về chỉ số tiếp cận Internet của tổ chức We Are Social & Hootsuite, Việt Nam có tới 150 triệu kết nối mobile, hơn 68 triệu người dùng Internet; hạ tầng 3G/4G/5G đã phủ sóng 99,8% dân cư và Internet cáp quang đã tới 98% số phường, xã trên khắp đất nước.

Theo đánh giá, Việt Nam là 1 trong top 20 nước có số người sử dụng Internet cao nhất thế giới, tỷ lệ người sử dụng Internet theo thống kê của Tổng cục Thống kê năm 2019 là đạt 68,7%, trong khi đó trung bình của thế giới là 51,4%. Hiện tỷ lệ này chỉ thấp hơn các nước phát triển ở mức cao nhất với 86,7%, các nước đang phát triển 44,4% và các nước châu Á - Thái Bình Dương 44,5%. Như vậy, có thể nói tỷ lệ người sử dụng Internet của Việt Nam là cao hơn so với trung bình của khu vực khá nhiều và đã đạt được khoảng 80% so với các nước phát triển nhất thế giới.

Trong khi đó, số liệu về tỷ lệ hộ gia đình có truy nhập Internet hiện nay, Việt Nam đạt 71,3%, trong khi trung bình thế giới chỉ là 57,4%. Con số này tại các nước phát triển là 85%, châu Á - Thái Bình Dương là 53%. Như vậy, tỷ lệ của Việt Nam cao hơn trung bình khu vực, đạt 83,7% so với các nước phát triển, gần ngang bằng với các nước phát triển.

Cũng theo số liệu của We Are Social & Hootsuite, trung bình mỗi ngày mỗi người Việt Nam dành khoảng 6 giờ 42 phút để vào Internet, trong đó 2 giờ 33 phút là dành cho mạng xã hội; 94% người dùng Internet Việt Nam lên mạng hàng ngày. Chỉ số này cao hẳn so với trung bình của thế giới, cho thấy người Việt Nam quan tâm đến thông tin, Internet.

Trên nền tảng tự do Internet, tất cả các nhà cung cấp dịch vụ mạng xã hội lớn trên thế giới đều có mặt tại Việt Nam. Theo số liệu thống kê tính tới tháng 6-2021, tổng số người dùng Facebook tại Việt Nam là gần 76 triệu người, chiếm hơn 70% dân số toàn quốc, tăng 31 triệu người dùng so với năm 2019 và vẫn dẫn đầu danh sách các mạng xã hội phổ biến tại Việt Nam. Việt Nam hiện có hơn 950 kênh YouTube vượt mốc 1 triệu lượt theo dõi và phạm vi tiếp cận người xem của YouTube đã tăng lên hơn 45 triệu người (từ 18 tuổi trở lên). Zalo là mạng xã hội “nội địa” lớn nhất Việt Nam với hơn 60 triệu người dùng. Ngoài các mạng xã hội trên, người dân Việt Nam còn tự do sử dụng

Instagram với hơn 10 triệu người dùng, trong đó đối tượng chủ yếu là giới trẻ, độ tuổi từ 18-24, người dùng Tiktok cũng đang gia tăng nhanh chóng.

Những con số biết nói trên phản ánh thực tế không thể chối bỏ là Internet đã vươn tới mọi ngõ ngách trên dải đất chữ S của nước ta, từ thành thị tới nông thôn, từ đồng bằng đến miền núi, biên giới, hải đảo, để mỗi người dân Việt Nam đều có thể tự do tìm kiếm thông tin, chia sẻ, bày tỏ quan điểm cá nhân. Đó là những minh chứng sống động cho việc việc Đảng, Nhà nước Việt Nam luôn tôn trọng và bảo vệ quyền được tự do thông tin, tự do Internet của mỗi người dân.

Cố tình đưa ra thông tin, luận điệu xuyên tạc về tự do Internet ở nước ta chẳng những không giúp tổ chức Freedom House cũng như kẻ ăn theo, hậu thuẫn đạt được mục đích đen tối mà còn khiến họ tự phơi bày tâm địa chống phá Việt Nam.