Lật mặt đám “bảo kê” ở chợ Long Biên

ANTĐ - Vẻ bề ngoài khá hiền lành, song dưới tay của Đỗ Thu Hằng lúc nào cũng quy tụ hàng chục đối tượng “đầu gấu”. Một khi chủ hàng nào bất tuân “luật rừng” ở khu vực cổng chợ Long Biên do bọn chúng tác oai, tác quái thì ngay lập tức sẽ phải lĩnh hậu quả…

Đỗ Thu Hằng cùng đám “bảo kê” hoành hành ở chợ Long Biên

Phá hàng, dằn mặt giữa chợ

Sáng qua (7-11), Đỗ Thu Hằng (SN 1981, trú ở phố Ngọc Thụy, phường Ngọc Thụy, Long Biên) đã bị đưa ra TAND quận Ba Đình để xét xử về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Đồng phạm và cũng là những trợ thủ đắc lực của đối tượng  này gồm: Trần Trung Chiến (SN 1988),  trú ở phường Ngọc Thụy, quận Long Biên; Đỗ Quang Hà (SN 1983), ở phường Vĩnh Tuy, quận Hai Bà Trưng; Hà Mạnh Dưỡng (SN 1983), Hoàng Văn Hậu (SN 1987), cùng trú ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang; Nguyễn Chí Thành (SN 1990) và Nguyễn Thanh Kỳ (SN 1987), đều ở huyện Tam Dương, tỉnh Vĩnh Phúc. Cả 7 bị cáo cùng bị xem xét theo khoản 2, Điều 135-BLHS với các tình tiết định khung là phạm tội có tổ chức, mang tính chất chuyên nghiệp và chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 50 triệu đến dưới 200 triệu đồng.

Như thường lệ, đêm 22-1, vợ chồng chị Võ Thị Tấm và anh Hoàng Ngọc Thạch (trú ở huyện Mê Linh, Hà Nội) đánh chiếc ô tô tải của gia đình xuống chợ đầu mối Long Biên để đổ buôn  một số mặt hàng nông sản. Ngay khi xe hàng của vợ chồng chị Tấm đỗ ở đường Hồng Hà (gần cổng chợ Long Biên) liền bị Đỗ Quang Hà và Hoàng Văn Hậu đến yêu cầu phải nộp tiền bốc dỡ hàng hóa như mọi khi. Do lần này số lượng rau, củ, quả không nhiều nên chị Tấm đã thắc mắc về số tiền phải “làm luật”. Bị phản ứng, Hà và Hoàng lập tức ra tay phá nát hàng chục bao tải rau, củ, quả, đồng thời thông báo cho Trần Trung Chiến biết. Trước khi tạm bỏ đi ra chỗ xe hàng khác thu “phế”, hai đối tượng  còn đe dọa vợ chồng chị Tấm là từ ngày mai không được đưa ô tô đỗ vào bãi nữa. Và chỉ ít phút sau, Chiến đã nhanh chóng xuất hiện để nghe “đàn em” báo cáo tình hình. Cho rằng phải “trị” cặp vợ chồng dám không tuân thủ luật lệ đặt ra, Chiến lập tức dẫn hai tên “đàn em” xông vào giữa chợ Long Biên. Tại đây, Chiến và Hà thay nhau đấm đá anh Thạch, còn tên Hậu  hủy hoại thêm nhiều bao tải nông sản khác của vợ chồng chị Tấm. Quá hoảng sợ, vợ chồng anh Thạch phải cầu xin bọn Chiến, đồng thời gọi điện ngay cho Đỗ Thu Hằng thương lượng. 

Cũng kể từ thời điểm đó cho tới khi đám “bảo kê” này bị công an bắt quả tang (ngày 24-1-2013), vợ chồng anh Thạch chỉ còn biết “ngoan ngoãn” móc tiền ra “nộp”, mỗi khi “đàn em” của Chiến gọi tên. Tổng cộng, từ tháng 8-2012 đến khi được giải thoát, vợ chồng chị Tấm đã phải nộp cho đám “đầu gấu” ở chợ Long Biên 17,7 triệu đồng. Đối với bị hại này, từ sau vụ đó, bọn Chiến không cần biết hàng nhiều hay ít, mỗi đêm vợ chồng chị Tấm đều phải nộp đủ 100.000 đồng.

Tác oai, tác quái ở chợ đầu mối

Nắm bắt quy luật tất cả các xe ô tô chở hàng đến chợ đầu mối rau, củ, quả lớn nhất Hà Nội đều không được vào sâu bên trong mà phải đỗ ở đường Hồng Hà, Hằng đã tự ý đứng ra thành lập một tổ bốc xếp hàng hóa. Trên thực tế, đám “đầu gấu” của Hằng không hề bốc dỡ hàng hóa mà chỉ lấy đó làm cái cớ để hạch sách, bắt các chủ hàng phải nộp tiền “bảo kê”. 

Hằng được chồng là Nguyễn Văn Trường “tiến cử” và đã thu nạp Trần Mạnh Chiến để đối tượng này đứng ra làm quản lý tổ bốc xếp hàng hóa. Hằng giao cho Chiến cùng khoảng chục đối tượng hàng đêm phải ứng trực ở khu vực đỗ xe tại cổng chợ Long Biên để thu tiền “bảo kê”. Trong đó, Chiến là người bao quát chung và kiểm soát các xe đầu mối. Thời gian hoạt động kéo dài từ 8h30 ngày hôm trước đến 2h hôm sau. Hàng đêm, Chiến  đến cổng chợ Long Biên “điểm danh quân số”, sau đó giao nhiệm vụ cho từng đối tượng. Thứ bậc tiếp theo thuộc về Đỗ Quang Hà vì đối tượng này trực tiếp cùng đồng bọn đếm từng xe, kiểm tra số lượng hàng hóa, rồi thu tiền “bến bãi” với giá từ 30.000 đồng đến 50.000 đồng/xe. Quá trình cưỡng đoạt tài sản của các bị hại, Chiến yêu cầu Hà cùng đàn em phải lập sổ theo dõi và ghi rõ 4 số cuối trên BKS của từng xe ô tô. Đối với những xe ô tô đi thường xuyên, số lượng hàng hóa nhiều, Chiến bắt họ phải nộp tiền theo tháng với giá từ 1,5 triệu đồng đến 3 triệu đồng. Trong số ấy, có chủ xe thì nộp tiền cho Chiến và có chủ xe  nộp tiền cho Hằng... Hàng ngày, cứ sau “ca làm việc”, Chiến lại thu quân về và kiểm đếm số tiền cưỡng đoạt được. Trên cơ sở đó, đối tượng sẽ phân phát cho cả hội, đồng thời không quên trích ra 400.000 đồng, nhưng chỉ nộp lại cho Hằng 1/2 số tiền ấy.            

Đêm 24-1 mới đây, khi Đỗ Quang Hà cùng đồng bọn đang cưỡng đoạt 50.000 đồng của một chủ xe quê Hưng Yên thì bị CAQ Tây Hồ bắt quả tang. Quá trình điều tra, cơ quan công an nhận thấy có tới hàng trăm lượt xe ô tô, chủ hàng đã bị Hằng cùng đồng bọn cưỡng đoạt tài sản với phương thức, thủ đoạn nêu trên. Tuy nhiên, chỉ 8 bị hại (tương ứng với số tiền 199 triệu đồng) dám đứng ra khai báo để “vạch mặt” ổ nhóm tội phạm này và tất cả đều không yêu cầu bồi thường… Tại phiên tòa, bước đầu các bị cáo đều khai nhận hành vi cưỡng đoạt tài sản như nội dung bản cáo trạng xác lập. Thế nhưng ngay ở phần xét hỏi, VKSND quận Ba Đình nhận thấy cần phải làm rõ vai trò và mức độ liên quan của chồng bị cáo Đỗ Thu Hằng nên đã quyết định rút lại hồ sơ để điều tra bổ sung.