Huyền tích Tây hồ (9):

Lấp lánh làng “vàng” bên hồ thiêng

ANTĐ - Cả tấn vàng cũng không lấp lánh được như những tấm huy chương mà mạch nguồn hồ Tây mang lại...

Kình ngư hồ Tây mang "vàng" về nước Việt

Có một mối liên kết vô hình nào đó từ hồ Tây với những người mang vinh quanh về cho nước Việt Nam.

Tuổi thơ sống quanh hồ Tây đã cho Long niềm đam mê bơi lội

Có điều kỳ lạ, trong khi tìm hiểu về hồ Tây, tôi được biết một ngôi làng nằm kề bên hồ là nơi sản sinh ra những nhân tài về bơi lội. Ở làng Yên Phụ, người ta có 2 nghề chính là nghề nuôi bán cá vàng và nghề “săn vàng” từ những giải bơi lội trong nước và quốc tế. 

Những “kình ngư” được giới bơi lặn chuyện nghiệp của môn thể thao bơi lội đã phải phong cho những con người của Tây hồ là đại kiện tướng về môn bơi. Tên tuổi vẫn còn đó với thời gian, với làng Yên Phụ như minh chứng về mạch nguồn hồ Tây là nơi đất thiêng cho những con người có thể làm nên được điều kỳ tài khiến nhiều người thán phục.

Những tên tuổi mà chúng tôi lược ghi ở đây đều là những con người được hồ Tây nuôi dưỡng, tiếp thêm sinh khí, từ thuở nhỏ đã gắn với sóng nước hồ mênh mang. Đại kiện tướng Quách Thị Kim Dung, Phạm Thị Phú, Quách Hoài Nam, Ngô Xuân Phương có thể nói là những con người làm nên những điều phi thường, tô lấp lánh những hào quang cho nước Việt bằng hàng trăm tấm huy chương vàng nhờ tài ba và thời gian rèn luyện gian khổ. Những con người này đều có tuổi thơ gắn bó với hồ Tây và “phải lòng” nghề bơi lội cũng từ hồ Tây mang đến. Trong số những con người nói trên, có những “kình ngư” giữ kỷ lục quốc gia về môn bơi đến 10 lần mà không bị phá. Đó là đại kiện tướng Quách Hoài Nam.

Phút vinh quang của "kinh ngư" Đỗ Huy Long tại Philippines năm 2003

Tuổi thơ của những “kình ngư” đã được sóng nước hồ Tây mang lại đạm mê môn thể thao này. Khi tìm hiểu để cho bài viết, tôi được những người “gạo cội” của ngành thể thao khẳng định rằng: Xưa và nay, nếu xuất thân từ làng Yên Phụ và theo đuổi đam mê bơi thì đều là những người rất đặc biệt, mang vinh quanh cho nước nhà. Còn những người già ở làng Yên Phụ tự hào về ngôi làng cổ bên hồ Tây như cái “nôi” của những con “rái cá” săn "vàng”.

“Ngay cả tôi đây năm nay đã 75 tuổi rồi nhưng ngày nào cũng phải làm một vòng hồ mới được, bơi xong lên sảng khoái vô cùng”- ông Nguyên Văn Lộc, người làng Yên Phụ bộc bạch.

“Vàng” ở hồ Tây lấp lánh trên trường quốc tế

Giờ vẫn còn đó, sinh khí hồ Tây như sức mạnh vô hình để những người con Yên Phụ theo đuổi đam mê bơi lội như một bản năng của người sinh ra từ đây. Đối với bọn trẻ ở quanh hồ, lên 3 lên 5 đã bơi giỏi, và không có gì lạ khi chúng vùng vẫy suốt ngày ở hồ và coi hồ như... sân chơi.

Trẻ em làng quanh hồ Tây thường tài bơi lội

Có nhiều tên tuổi đang còn trẻ ở làng Yên Phụ theo chí hướng của bậc cha anh mang “vàng” về cho nước Việt như sự tiếp nối niềm tự hào của ngành thể thao. Trong số đó có Đỗ Huy Long được biết đến như “kình ngư” khiến giới bơi chuyện nghiệp cũng phải nể trọng.

“Hiện giờ em có khoảng 180 huy chương các loại trong đó có 100 tấm huy chương vàng. Em được vinh dự các giải bơi quốc gia, thế giới và 4 kỳ SEA Games 22, 23, 24, 25...”- Đỗ Huy Long cho biết.

Để đứng trên đài vinh quang, đòi hỏi phải có niềm đam mê mãnh liệt, môn thể thao bơi hay làm bất cứ điều gì cũng vậy. Đối với Đỗ Huy Long, niềm đam mê xuất phát từ việc được sinh ra và lớn lên ở ngôi làng bên hồ Tây.

“Chắc cũng tại nhà nằm cạnh hồ Tây nên mới thích môn thể thao này. Vì từ bé, Long suốt ngày phơi nắng vùng vẫy ngoài hồ. 3 tuổi Long đã biết bơi rồi...”- bà Phạm Bích Hương, mẹ của vận động viên Đỗ Huy Long cho biết.

VĐV bơi Đỗ Huy Long bên hiên nhà trong làng Yên Phụ

 23 tuổi, Đỗ Huy Long đã có thành tích mà nhiều đồng nghiệp phải thán phục. Long thực sự “nổi” như cồn sau khi đăng quang vô địch giải bơi lội châu Á vào năm 2005. Khi ấy cái tên Long được gắn với mảnh đất nơi nhà mình ở như tên gọi thiêng liêng- “kình ngư hồ Tây”...

Ai cũng biết, phía sau những tấm huy chương là quá trình đam mê, gian nan luyện tập và vất vả. Thiên nhiên sắp đặt, con người lựa chọn đam mê, song sự trùng lặp của những kình ngư làng Yên Phụ lại là điều cho ta thêm khẳng định về vùng đất linh thiêng vốn có của hồ Tây. Mới học lớp 4 mà khi ấy Đỗ Huy Long đã giành giải vàng về bơi lội của thành phố. Cũng từ đây, con đường thể thao chuyên nghiệp về bơi lội đã “ám” vào Long.

Giây phút cán đích của "kình ngư" Đỗ Duy Long tại SEA Games 24

Giờ những vinh quang vẫn còn đó, song Long phải gác lại để chuyên tâm cho việc học hành. Hiện Long đang là sinh viên năm thứ 3 của Trường Đại học TDTT. Long là người đứng đầu trong tốp 5 sinh viên xuất sắc trên 8 nghìn sinh viên của Trường Đại học TDTT.

Hồ Tây như nơi gieo mầm hạt giống về bơi lội. Mảnh đất thiêng đã sản sinh ra bao con người mang vinh quang cho nước Việt. Cụ Đỗ Huy Trường, ông nội của vận động viên Đỗ Huy Long là người bằng tài nghệ bơi lội của mình đã cắm lá cờ đỏ Sao vàng lên nóc Tháp Rùa cách đây 54 năm khiến giặc Pháp ở Hà Nội điên đầu, tức nổ mắt. Giờ đây năm sau, đứa cháu nội của cụ Trường lại tiếp nối truyền thống gia đình bằng chiếc HCV giải trẻ châu Á, thành tích hiếm hoi của bơi lội Việt Nam kể từ ngày hòa nhập đấu trường quốc tế.

Hồ Tây không chỉ là thắng cảnh đẹp của thủ đô Hà Nội, mà còn là vùng đất linh thiêng với hàng trăm di tích lịch sử đền chùa miếu mạo. Có thể nói, những điểm tâm linh tín ngưỡng văn hoá quanh hồ Tây mà bậc tiền nhân để lại cho con cháu là có sự sắp đặt giữa thiên nhiên với con người để làm nên những điều hòa hợp, cân bằng cuộc sống quanh ta.