Lập kỳ tích để thế nước sang trang

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Đại hội XIII là cơ hội để chúng ta nhìn lại chặng đường đã qua để tự hào với những thành tích đạt được. Thành công của Đại hội sẽ là động lực quan trọng đưa Việt Nam tiếp tục vượt lên, lập những kỳ tích mới trong tương lai.
Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư và trung tâm sản xuất của thế giới

Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến đầu tư và trung tâm sản xuất của thế giới

Thành tựu tạo ra “mô hình Việt Nam”

Trình bày báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về các văn kiện trình Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định: “Với tất cả sự khiêm tốn, chúng ta vẫn có thể nói rằng: Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Lời khẳng định đầy tự tin của người đứng đầu Đảng và Nhà nước xuất phát từ thực tế trong bối cảnh hiếm khi nào đất nước phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và nhiều yếu tố bất định như trong nhiệm kỳ 2016 - 2020, nhưng dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự chỉ đạo, quản lý, điều hành của Chính phủ, Việt Nam đã vượt qua mọi thử thách một cách thành công.

Liên tiếp trong 4 năm, từ năm 2016 - 2019, Việt Nam đứng trong top 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là 1 trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất. Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) giai đoạn 2016 - 2019 đạt ở mức bình quân 6,8%. Đặc biệt, trong năm 2020, kinh tế Việt Nam chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, bão lụt nghiêm trọng ở miền Trung. Trong khi phần lớn các nước có mức tăng trưởng âm hoặc đi vào trạng thái suy thoái do tác động của dịch Covid-19, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng 2,91%. Đánh giá về Việt Nam, Ngân hàng thế giới nhận định: “Mây đen phủ lên toàn cầu nhưng mặt trời vẫn đang tỏa sáng lên Việt Nam”.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 lan rộng, sản xuất đình trệ, các nước có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu thấp nhưng trao đổi thương mại của Việt Nam vẫn tăng trưởng ấn tượng. Số liệu từ Bộ Công thương cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 ước đạt 543,9 tỷ USD, trong đó xuất khẩu ước đạt 281,47 tỷ USD, tăng 6,5% so với cùng kỳ 2019. Chuyển động linh hoạt của “nhịp cầu” xuất khẩu đã giúp Việt Nam lập nên kỳ tích mới khi cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 xuất siêu 19,1 tỷ USD, mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Điểm khá đặc biệt là trong xu thế chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch tái hiện, Việt Nam vẫn ký kết được 5 hiệp định thương mại tự do và thực thi 4 hiệp định trong giai đoạn 2016-2020, góp phần mở rộng thị trường với quy mô chưa từng có, tạo cơ hội tăng trưởng cho cả nền kinh tế, các lĩnh vực và doanh nghiệp. Có thể kể đến Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Anh (UKVFTA)…

Thành tựu mà Việt Nam đạt được đã tạo ra một “mô hình Việt Nam” mà thế giới nhìn nhận là rất đặc biệt, thể hiện ở những đặc điểm “giải quyết được vấn đề ổn định, huy động nguồn lực và đặc biệt là sự tham gia của nhân dân”. Trong những ngày Đại hội XIII diễn ra, báo chí thế giới tiếp tục có bài viết ca ngợi thành tựu mà Việt Nam đã đạt được. Truyền thông Trung Quốc liên tục đưa các thông tin về Đại hội đại biểu lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam, trong đó khẳng định 5 năm qua Việt Nam đã “tạo ra kỳ tích mới” ở châu Á. Tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng đánh giá Việt Nam trở thành “ngôi sao đang lên của châu Á” với mức tăng trưởng kinh tế ấn tượng, kể cả giữa đại dịch toàn cầu.

Động lực quan trọng trong thời điểm bước ngoặt

Thành tựu trong nhiệm kỳ vừa qua không chỉ tạo ra dấu ấn nổi bật mà còn là cơ sở, là điểm tựa để Việt Nam tiếp tục thực hiện bước chuyển quan trọng nhằm thực hiện thắng lợi mục tiêu chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 như dự thảo văn kiện Đại hội XIII đề ra. Nhìn về tương lai, Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tự tin khẳng định: “Không thế lực nào ngăn cản nổi dân tộc ta đi lên, lập nên những kỳ tích mới trong sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước”.

Trước hết, yếu tố quan trọng để chúng ta có thể vững tin vào những kỳ tích mà Việt Nam sẽ tạo dựng trong tương lai chính là sự ổn định về chính trị. Nhìn nhận về yếu tố này, Giáo sư Chuan Petkaew thuộc Đại học Suratthani Rajabhat (Thái Lan) đánh giá: “Sự ổn định chính trị đã trở thành ưu điểm xuyên suốt quá trình phát triển của Việt Nam, ưu điểm mà không phải quốc gia nào cũng có được”. Từ góc độ kinh tế, tờ Bưu điện Hoa Nam buổi sáng cho rằng không thể đánh giá thấp sức hấp dẫn của môi trường chính trị ổn định trong thành công của Việt Nam trở thành trung tâm đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) trong thập kỷ qua.

Việc chúng ta khống chế thành công đại dịch Covid-19 đã đưa Việt Nam nổi lên như một điểm đến đầu tư và trung tâm sản xuất trong những thập kỷ tới. Thực tế kinh tế Việt Nam vẫn có thể hoạt động mà không phải phong tỏa liên tục nhiều tháng như nhiều nền kinh tế khác trên thế giới, đảm bảo tăng xuất khẩu tăng trưởng được thế giới coi như một kỳ tích. Hình ảnh đêm Giao thừa chuyển sang Năm mới 2021 nhộn nhịp ở Việt Nam, đối lập với khung cảnh vắng lặng ở nhiều nước, là bằng chứng rõ ràng nhất cho thành quả điều hành kinh tế-xã hội của Việt Nam.

Cùng với sự ổn định chính trị, sự ổn định của kinh tế vĩ mô, lạm phát được kiểm soát ở mức thấp, tỷ giá ổn định, duy trì được động lực tăng trưởng kinh tế là xuất khẩu sẽ là những yếu tố thuận lợi để Việt Nam tiếp tục phát triển mạnh mẽ trong tương lai, tạo dựng thêm thế và lực cho đất nước, để Việt Nam có thể mở rộng vai trò chủ động và tích cực trên trường quốc tế.

Chính vì thế, sự thành công của Việt Nam không chỉ là mong ước của người dân trong nước, mà còn là sự quan tâm lớn của cộng đồng quốc tế. Đưa thông tin về Đại hội XIII, trang Times of India của Ấn Độ viết: “Đại hội diễn ra vào thời điểm lịch sử không chỉ đối với Việt Nam mà còn đối với toàn khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, với rất nhiều thách thức và cơ hội. Điểm lại những thành tựu của Việt Nam, Times of India kết luận: “cộng đồng quốc tế cần ủng hộ Việt Nam vào đúng thời điểm này khi đất nước đang tìm kiếm định hướng chính sách cho 25 năm tới. Nếu Việt Nam được hỗ trợ hiệu quả với mong muốn đạt được một trật tự tích cực, hợp tác, dựa trên luật lệ quốc tế ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương, đó sẽ là động lực to lớn cho khu vực Đông Á để phát huy hết tiềm năng của mình. Nếu Việt Nam thành công, Đông Á sẽ thành công”.

Việt Nam đang ở thời điểm bước ngoặt mà thành công của Đại hội XIII sẽ là động lực quan trọng đưa Việt Nam tiếp tục vượt lên, lập những kỳ tích mới trong tương lai.