Lấp "hố sâu" bất bình đẳng việc làm giữa nam và nữ

ANTD.VN - Dù đã có nhiều nỗ lực suốt hàng chục năm qua, song bất bình đẳng trong lĩnh vực việc làm giữa phụ nữ và nam giới vẫn là một “hố sâu”, một thách thức lớn đòi hỏi cả thế giới phải chung tay tiếp tục san lấp.

Lấp "hố sâu" bất bình đẳng việc làm giữa nam và nữ ảnh 1Phụ nữ mỗi ngày phải làm nhiều hơn nam giới ít nhất là 2,5 giờ công việc không được trả lương như việc nhà nhà hoặc chăm sóc người thân

Báo cáo “Triển vọng xã hội và việc làm của thế giới: Những xu hướng cho phụ nữ năm 2018 - khái quát” do Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) công bố trước thềm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8-3) cho thấy, tuy thế giới đã đạt được một số tiến bộ trong việc thu hẹp tình trạng bất bình đẳng giới trong 20 năm qua, song nữ giới vẫn có ít cơ hội tiếp cận việc làm hơn. Thậm chí, theo báo cáo, người phụ nữ có xu hướng phải chấp nhận những việc làm chất lượng thấp nhiều hơn so với nam giới và phải đối diện với nhiều rào cản trong bổ nhiệm vào các chức vụ quản lý. 

Báo cáo của ILO cho biết, tỷ lệ phụ nữ tham gia lực lượng lao động toàn cầu trong tổng số phụ nữ ở độ tuổi lao động chỉ là 48,5% trong năm 2018, so với tỷ lệ tới 75% của nam giới, tức là thấp hơn 26,5% so với tỷ lệ của nam giới. Báo cáo cũng cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp của phụ nữ trên toàn thế giới là 6% trong năm 2018, cao hơn khoảng 0,8% so với tỷ lệ của nam giới.  Tính trung bình, cứ 10 nam giới có việc làm thì chỉ có 6 phụ nữ được tuyển dụng. 

Một báo khác trước đó của ILO cũng đưa ra những số liệu mới về giờ làm việc được trả lương và không được trả lương cũng như quyền tiếp cận lương hưu và bảo vệ thai sản tại 100 quốc gia, vùng lãnh thổ. Theo đó, trong 1 ngày, phụ nữ tiếp tục phải làm nhiều thời gian hơn nam giới xét cả về công việc được trả lương lẫn không được trả lương. Tính trung bình tại cả quốc gia thu nhập thấp lẫn thu nhập cao, phụ nữ mỗi ngày phải làm nhiều hơn nam giới ít nhất là 2,5 giờ công việc không được trả lương như việc nhà hoặc chăm sóc người thân. 

Những bất lợi chồng chất mà nữ giới phải đương đầu trên thị trường lao động sẽ để lại những tác động đáng kể cho cả những năm sau này. Xét về lương hưu, tiền chi trả (cả hợp pháp lẫn trên thực tế) cho phụ nữ thấp hơn nam giới, dẫn đến sự chênh lệch về giới tính trong vấn đề bảo trợ xã hội.

Trên toàn cầu, tỷ lệ phụ nữ được hưởng lương hưu thấp hơn 10,6% so với nam giới. Phụ nữ cũng chiếm gần 65% số người ở tuổi nghỉ hưu (60-65 tuổi) không được hưởng bất kỳ khoản hưu trí nào. Điều này có nghĩa là có khoảng 200 triệu phụ nữ cao tuổi đang không được hưởng bất kỳ thu nhập thường xuyên nào dành cho người già, trong khi con số này ở nam giới chỉ có 115 triệu người. 

Trong khi đó, theo nghiên cứu của ILO, việc thu hẹp bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động có thể đem đến những lợi ích to lớn cho xã hội và nền kinh tế thế giới. Tổ chức này ước tính, bất bình đẳng giới trong lực lượng lao động và việc làm được thu hẹp 25% đến năm 2025 có tiềm năng đem lại cho nền kinh tế gần 5.800 tỷ USD cũng như đóng góp thêm 1.500 tỷ USD cho nguồn thu thuế toàn cầu. 

Chính vì thế, Phó Tổng Giám đốc ILO Deborah  Greenfield nhấn mạnh, các quốc gia cần nỗ lực hơn nữa để chấm dứt tình trạng bất bình đẳng giới trong mọi vấn đề, từ cơ hội có việc làm, trả lương đến cách đối đãi và sự thăng tiến. Để làm được như vậy, các quốc gia cần phải có những chính sách đặc thù cho phụ nữ, và tính đến những nhu cầu đặc thù khi người phụ nữ phải gánh trách nhiệm gia đình và chăm sóc người khác. ILO cho rằng, giải quyết tình trạng phân biệt đối xử giới tính trong lĩnh vực việc làm vẫn phải là ưu tiên hàng đầu nếu như thế giới muốn tới năm 2030 đạt được bình đẳng giới và trao quyền cho mọi phụ nữ và bé gái.