Thế giới “mơ” bình đẳng

ANTĐ - Tổng Thư ký Liên hợp quốc (LHQ) Ban Ki-moon vừa lên tiếng nhấn mạnh nhu cầu thế giới cần tiến tới một mô hình phát triển kinh tế toàn cầu mới để thúc đẩy bình đẳng xã hội cho tất cả mọi người.

Nghịch cảnh giàu - nghèo có thể ở nhiều nơi trên thế giới

Trong thông điệp nhân Ngày thế giới vì bình đẳng xã hội (20-2), ông Ban Ki-moon lưu ý rằng cộng đồng thế giới phải phổ quát xã hội vào các chính sách và nỗ lực phát triển khác nhằm cân bằng nền kinh tế toàn cầu và xây dựng hướng phát triển xã hội mới cho thế kỷ 21. Con đường phát triển mới phải dẫn tới bình đẳng xã hội lớn hơn và một tương lai mọi người cùng mong muốn, thúc đẩy chống tham nhũng, thất nghiệp...

Từ lâu, bất bình đẳng xã hội đã trở thành vấn đề có tính toàn cầu. Chỉ cần nhìn vào chênh lệch giàu-nghèo trên thế giới có thể hiểu mức độ căng thẳng của vấn đề. Theo giám đốc Cơ quan phát triển Liên hợp quốc (UNDP) C. Molinier, hiện nay, 80% tài sản của thế giới nằm trong tay 25% dân số thế giới. Đa số người giàu lại tập trung ở các nước phát triển giàu có. Ở một số nước đang phát triển có tốc độ tăng trưởng cao, phân hóa giàu-nghèo cũng lớn dần.

Nếu so sánh mức sống của những nước giàu có hàng đầu thế giới với nhóm cuối bảng, chúng ta sẽ thấy những khác biệt “khổng lồ”. Nếu người Niger kiếm được 1 USD thì người Na Uy kiếm được 85 USD. Người Na Uy sống thọ hơn người Niger tới 30 năm. Vì vậy, chỉ số về sự bất bình đẳng trong phân phối thu nhập trên thế giới vẫn tiếp tục là những nỗi lo lớn đối với các nhà hoạch định chính sách và các thể chế quốc tế.

Thế giới rất cần những chính sách nhằm xóa dần ranh giới giàu-nghèo, giúp các nước đang phát triển từng bước hòa nhập vào dòng chảy thịnh vượng chung toàn cầu. Tuy nhiên trong nỗ lực này, các nước phát triển giàu có lại không mấy mặn mà bởi lợi ích cục bộ của mình. Ai cũng biết các nước nghèo trên thế giới có thế mạnh về nông nghiệp thế nhưng mỗi năm, Mỹ và các nước EU lại bỏ ra hàng tỷ USD trợ cấp dành cho nông dân của mình. Chính sự trợ cấp này đã làm giá nông sản của các nước giàu có chiếm ưu thế hơn hẳn so với nông sản các nước nghèo, làm cho kinh tế các nước này không thể phát triển được do không tiêu thụ được nông sản.

Chính bởi thái độ ích kỷ của các nước giàu có, mặc dù khởi động từ năm 2001 với mục tiêu là dỡ bỏ các rào cản thuế quan và chính sách trợ giá trong thương mại nhằm tạo đà tăng trưởng kinh tế cho các nước đang phát triển, nhưng vòng đàm phán Doha đã không thể kết thúc đúng hạn vào ngày 1-1-2005. Từ năm 2003 đến nay các cuộc thương lượng đã rơi vào bế tắc và không biết bao giờ nó sẽ kết thúc.

Hệ quả có thể thấy rõ mà như theo ông Anoop Singh, Giám đốc khu vực châu Á-Thái Bình Dương của Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF), suốt 30 năm qua, nhưng châu Á vẫn là châu lục có số người nghèo khổ cao nhất thế giới. Nhiều người đã phải thốt lên: “Tại sao các nước giàu cứ cổ vũ cho nước nghèo giữ đất đai, sản xuất nhiều lúa gạo, nhưng họ lại bảo hộ chặt chẽ nông nghiệp của nước mình, bắt nông dân các nước nghèo bán lương thực giá rẻ?”.

Những nghịch lý trong phát triển sẽ chẳng bao giờ mất đi nếu như không có nỗ lực chung toàn cầu mà trước hết là từ phía các nước giàu có.