Khâm Thiên - Hà Nội sau 40 năm B52 thảm sát

Lấp hố bom, đâm chồi lộc mới

ANTĐ - Con phố xanh ngắt tán bàng, điệu đà mấy cô thợ may bên song cửa, ung dung bác phó cạo, chí chát vài hiệu gò thùng tôn và lao xao phố chợ có em gái bán nước sôi cười khoe hàm răng ngọc… sau mấy tiếng đồng hồ đã bị xé tan vùi sâu trong đổ nát.

Những hàm răng ngọc, ánh mắt huyền hoá thành từng miếng thịt vụn rời. Mùi máu lẫn khói bom dồn đặc trong tiếng khóc khan không nước mắt… hơn 1/3 thế kỷ đã qua, những con người sống dậy từ hố bom đẫm máu ấy đã xây lại Khâm Thiên thành khu phố sầm uất nhất Thủ đô. Một Thủ đô hoà bình và phát triển. Trong đáy hố bom đau thương đã xanh ngắt những chồi lộc mới, đang ngày đêm sinh sôi, chuyển mình cùng nhựa sống.

Người gắp xác

Tôi đến số 19 ngõ Sân Quần (Khâm Thiên) gặp ông già da trắng hồng, tóc bạc cùng nụ cười rất thân thiện trong ngôi nhà khang trang nhưng bày biện khá bình dị. Ông là Nguyễn Văn Cầu, người đã sống ở đây hơn nửa thế kỷ, nơi đã là đáy một hố bom trong những ngày B52 thảm sát Khâm Thiên. Ông đã chứng kiến nó tận mắt cũng như phải mang nỗi đau âm ỉ suốt 40 năm qua. Bởi kia là tấm ảnh gia đình có 6 người thân của ông đã bị bom vằm nát trong đất cát nơi này.

Ông kể: Trước ngày 20-12-1972 lệnh sơ tán ban hành. Phố Khâm Thiên cũng như nhiều tuyến khác hoang vắng và xơ xác. Tên lửa và bom đạn đưa Thủ đô vào cuộc chiến. Giáp ngày lễ No-el, nghe thông tin người Mỹ dừng ném bom để kỷ niệm Giáng Sinh thì bà con lục tục về nhà. Người vì thiếu lương thực, người thiếu chăn áo, người nhớ nhà nên ai cũng nấn ná ở lại sau ngày 25… 9h30 đêm 26 bất ngờ còi báo động lại rú, máy bay B52 gầm vỡ bầu trời rải bom không ngớt. Khi đó tôi đang trực chiến ở Xí nghiệp in Báo Hà Nội mới, nghe tiếng bom và ánh lửa ở góc phố nhà mình, lòng như lửa đốt. Ngớt bom, tôi chạy từ Tràng Tiền về nhà như bị ma đuổi. Đèn xe, đuốc lửa loang lổ trong cái rét cắt da và mưa phùn buốt như kim châm. Về đến đầu phố, tôi không tin ở mắt mình: tất cả là một bãi đất hoang nát, lồi lõm không hề có dấu vết của một khu phố. Tôi không thể biết đâu là ngõ nhà mình, đâu là chợ, đâu là cửa hiệu, nhà hộ sinh. Bao nhiêu anh em, vợ con, trẻ con, người già, hàng xóm, chợ búa, nhà cửa, phố xá… của tôi không còn nữa.

ánh lửa loang lổ soi rõ những đống gạch, những hố bom sâu ngoác miệng, những cột điện gục gãy. Hai hàng bàng xanh quanh năm che mát, làm duyên cho phố nay còn sót vài thân cây bị chém ngang. Mùi khói cháy, khói bom và mùi máu dồn đặc không gian. Tiếng người hò hét, tiếng la thất thanh, tiếng kêu than không ngớt. Bộ đội, tự vệ, công an, cứu thương hối hả chạy vào căng ba- ri- e, xách cáng, cuốc, xẻng, thuốn… Tôi đạp băng băng lên những đống gạch, ngã dúi dụi vào những thân người không biết là đang sống hay đã chết để chạy về nhà. Đây, cũng chính ngôi nhà này, căn hầm tập thể hình chữ A mà trước khi đi tôi dặn gia đình phải trú khi có báo động. Bom đã đào khoét sâu hàng chục mét, xé rộng hàng chục mét, bốc tất cả đi nơi khác. Lật những thi thể mất đầu, mất chân, những mảnh thịt không biết là bụng hay đùi, những cánh tay không biết là đàn ông hay đàn bà cháy xám, khô đen hoặc nhầy nhụa, đầy bùn đất…  vào một chỗ và soi đuốc, đèn pin để nhận dạng. Mấy tiếng sau thì người ta cũng mang vào được một chiếc ô tô, nổ máy, bật đèn để tìm người. Mỗi người được trang bị một chiếc gậy nứa, đập dập đoạn giữa, xoắn thành dây, gấp hai đầu thành một cái gắp để gắp thịt người. Thỉnh thoảng tôi phải leo lên cành cây, cột điện  để gỡ những thi thể rách nát, những đoạn ruột gan và cả đầu người đem xuống.

Đến nửa đêm thì tôi tìm thấy nhà tôi. Bà chỉ còn một nửa từ bụng lên. Mặt biến dạng, tóc bết bùn. Gần sáng thì tôi gặp được con tôi, thằng Hùng. Thực ra nó chỉ còn mỗi cái chân. Tôi nhận ra cái chân của nó vì vết sẹo ngang bắp đùi, nó ngã khi lên bốn. Hai tháng sau thì một người bới xác tìm thấy em trai tôi, chú Nguyễn Văn Vũ. Vũ ngồi trong hầm cá nhân làm bằng ống cống bê tông, vẫn đội mũ cát, gắn sao vuông. Cái ống cống đó còn lành nguyên nhưng bị sức ép dồn cách xa hàng chục mét và bị đất lấp 5 mét. Còn mấy người cháu tôi, có một đứa đang mang thai thì đã lẫn cả trong đất cát…

Sáng hôm sau, những người đào bới được phát một mảnh giấy báo lót tay để cầm bánh mì ăn. Chao ôi làm sao nuốt được: đầu ngõ Chợ và ngõ Cống Trắng hàng trăm chiếc quan tài xếp lù lù chắn cả tầm mắt. Quan tài chỉ dùng cho những thi thể còn lành. Những thi thể không lành thì gói vào ni lông. Hết ni lông, những tảng thịt người được xếp vào rổ. Hàng chục, mấy chục cái rổ đầy ngộn thịt người xếp giăng hàng đầy ngõ Chợ. Cái ngõ mà bình thường đúng là cái chợ. Trên đài tưởng niệm Khâm Thiên ghi: trận bom hơn 10.000 tấn đó đã giết chết 287 người, làm bị thương gần 300 người khác. Sau trận bom đó 178 trẻ em đã phải sống kiếp mồ côi. Nhà cửa, đường sá và các công trình trên đoạn phố 1.170 mét cùng 26 ngõ, phố thì hầu như không còn gì.

Người "túm chặt" sự sống và tiếng bom đêm sinh nhật

Ở phố Khâm Thiên có ông già bị B52 Mỹ ném bom trúng hầm, tung đi hàng chục mét mà không chết. Đó là cụ Nguyễn Văn Tụng người nằm hầm cá nhân ngay cạnh căn hầm tập thể 27 người trong ngõ Sân Quần đã chết. Ông Tụng kể: khi nghe còi báo động, ông chui vào hầm cá nhân. Căn hầm này là một đoạn ống cống bằng bê tông. Khi bom ném thì ông bị ngất, tỉnh dậy thấy đau đớn toàn thân, đất dồn chặt lấy người, tối đen và ngột ngạt. Định thần lại, ông biết mình bị vùi dưới đất. Bên trên nghe rõ tiếng người gọi nhau, tiếng chân đi và cả tiếng khóc than. Ông cố sức hét gọi nhưng vô hiệu. Ngột ngạt đến tức thở, không biết bây giờ là đêm hay ngày, đang ở đâu và chuyện gì đã xảy ra. Tuyệt vọng ông càng gào thì càng mệt. Đúng lúc ấy ông nghe có tiếng bước chân dừng lại ngay trên đầu mình. Ông cố sức kêu và giãy giụa. Bỗng thấy ngay trước mặt một vật gì thụt xuống. Ông không kịp nghĩ gì mà túm chặt lấy nó và lay thật mạnh. Đó là một vật rắn, lạnh. Nó chính là thuốn sắt nhọn hoắt của đội cứu hộ. Nó xuyên xuống sượt qua mũi ông vừa khéo cho ông túm giữ mà không chạm vào da thịt. Ông được cứu và không ngờ mình đã bị bay đi hàng chục mét.

Bà Bùi Thị Lộc, hộ lý của Nhà hộ sinh Khâm Thiên kể lại: đêm đó chúng tôi lại được đón nhiều sản phụ hơn ngày thường. 12 đứa trẻ chào đời đúng vào đêm B52 rải thảm Khâm Thiên. Còi báo động rú lên, các bà mẹ hốt hoảng hỏi rồi kêu khóc. Chúng tôi  nói: bình tĩnh! xuống hầm!  Là phụ nữ nên bản thân chúng tôi cũng rất sợ hãi nhưng hoàn cảnh đó ai cũng phải tỏ ra cứng rắn và khi nhìn thấy những hài nhi đỏ hỏn, o oe khóc trong tiếng bom nổ, máy bay gầm thì chúng tôi hết sợ. Từng người đàn bà ôm nhau chuyển các cháu xuống hầm.

Có chị đẻ từ chiều, có sức cũng giúp chúng tôi chuyển các bà mẹ các cháu khác. Bom nổ, trời tối đen, mưa rét, đất đá, rung chuyển. Các bà mụ, bà mẹ ôm nhau khóc hu hu. Dưới hầm tối đen, chuyển qua chuyển lại, thế là mẹ này cho con kia bú, thế mà nhiều cu cậu, cô bé vẫn ngủ li bì. Có đứa còn cười. Lúc chui dưới hầm lên chúng tôi hoảng hồn vì thấy mái nhà không còn, đất đá, xác người từ đâu bay tới chất đầy. Tã lót, giường chiếu, chăn màn bay đầy ngọn cây, mái nhà khác… Thế mà nhà hộ sinh không ai bị sao. Tôi ngửa mặt khấn cho những đứa trẻ này lớn lên không còn phải sống với chiến tranh bom đạn.       

    

Nhành lan bên cửa

Tất cả những người sống qua ngày 26-12-1972 đó đều không muốn nhắc lại kỷ niệm buồn. Trên những hố bom xưa, họ đã xây dựng nên những hạnh phúc mới. Khâm Thiên nay trở thành một trong những phố sầm uất nhất Hà Nội. Những cửa hiệu, nhà hàng, công ty, nhà máy… nườm nượp người xe, rực rỡ ánh đèn. Cuộc sống hiện đại với nền công nghệ siêu tốc, sự phát triển siêu cường cuốn con người vào vòng quay của nhịp sống không ngừng sinh sôi.

UBND phường thống kê: trong 2.450 hộ chỉ còn 0,03% hộ nghèo. Những hộ chính sách đều có mức thu nhập trung bình trở lên. Riêng khu vực dân doanh cũng đóng góp được trên 120 tỷ đồng ngân sách, mỗi năm. Những gia đình là nạn nhân trong vụ thảm sát của bom Mỹ xưa hầu hết đều có cuộc sống tốt.

Ông Cầu và những đứa con còn sống của mình sau đêm kinh hoàng đó đã xếp lại những viên gạch vỡ, gác tạm ba cây gỗ, căng ni lông làm mái, lập tạm bàn thờ và tiếp tục cuộc sống của mình trên chính miệng hố bom ấy.

Thời gian trôi chảy, người công nhân nhà in ấy sau chuyển sang làm cán bộ Ban Tài chính Trung ương và nay đã về hưu. Những người con ông còn sống nay đều đã trưởng thành. Người công tác ở Báo Công nghiệp, người ở Nhà xuất bản Giáo dục, Ban tài chính Trung ương. Ông đã có 5 cháu nội ngoại. Cháu nội ông là Nguyễn Minh Huy năm nay học lớp một. Huy vẫn được nghe ông kể về bà, bác và một thời đau thương của dân tộc. Trên miệng hố bom xưa, nay là sân nhà  của đại gia đình tam đại đồng đường, ông cháu Huy ngày ngày vẫn tưới cho giò phong lan đang mơn mởn lá, thắp sáng ngọn lửa tình yêu cuộc sống giữa nơi này.