Lập "hàng rào" kiểm soát, ngăn dịch tả lợn châu Phi Nam tiến

ANTD.VN -Đã có 12 tỉnh, thành phố ghi danh vào bản đồ dịch tả  lợn châu Phi, tất cả đều là địa phương chăn nuôi trọng yếu ở miền Bắc, trong khi, lượng lợn vận chuyển từ Bắc vào Nam đang tăng mạnh.

Dịch tả lợn châu Phi đã lan rộng ra 12 tỉnh, thành phố phía Bắc.

Tất cả các địa phương này đều là trọng điểm chăn nuôi của khu vực. Trong khi đó, lượng lợn vận chuyển từ Bắc vào Nam ngày một tăng kể từ khi có dịch tả lợn châu Phi. Làm thế nào để kiểm soát dịch đi vào phía Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến đã có cuộc trao đổi xung quanh vấn đề này.

-Xin ông cho biết thông tin cụ thể về tình hình dịch tả lợn châu Phi đến nay? Thời tiết nồm ẩm kèm mưa phùn ở miền Bắc có là yếu tố bất lợi trong chống dịch?

- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến: Tính đến ngày 9/3, dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 12 địa phương, trong ngày 9/3 có hai được phương mới xuất hiện là Quảng Ninh và Ninh Bình. Tổng số lợn phải tiêu hủy khoảng 11.000 con.

Miền Bắc hiện tại đang là khí hậu mang tiết Xuân, lạnh kèm mưa phùn, nồm ẩm, rất thuận lợi cho virus gây bệnh dịch tả lợn châu Phi phát tán ra diện rộng và tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, ý thức phòng chống dịch còn chưa được đẩy cao đều là những yếu tố cực kỳ bất lợi cho công tác phòng, chống dịch bệnh tả lợn châu Phi của chúng ta.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến

-Đã có 12 tỉnh, thành phố ghi danh vào bản đồ dịch tả  lợn châu Phi, tất cả đều là địa phương chăn nuôi trọng yếu ở miền Bắc, vậy, Bộ NN&PTNT làm thế nào để kiểm soát dịch lây lan vào phía Nam?

-Các tỉnh phía Nam có số đầu lợn rất lớn, trong khi đó, kể từ khi có dịch tả lợn châu Phi ở miền Bắc thì lượng lợn vận chuyển vào phía Nam tăng mạnh (dù bình thường cũng xảy ra), nhưng hiện đã tăng gấp đôi, gấp ba so với trước kia.

Để ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi vào phía Nam, chúng ta phải kiểm soát rất chặt chẽ chứ không phải cấm, bắt đầu từ dốc Xây (Thanh Hoá) đến qua Đèo Ngang, 4 tỉnh liên quan phải đồng loạt kiểm soát chặt.

Tôi vừa ký công văn gửi 4 địa phương này cần phải chỉ đạo quyết liệt để ngăn dịch tả lợn châu Phi lây lan vào phía Nam.

Kiểm soát chặt chẽ trên một số tiêu chí như: xuất lợn phải có giấy kiểm dịch rõ nguồn gốc xuất xứ; Kiểm tra lâm sàng xem đàn lợn không triệu chứng, không dấu hiệu bệnh;  Lấy mẫu kiểm tra, nếu kết quả dương tính phải huỷ ngay; Tất cả xe chở lợn ra vào đều phải phun thuốc sát trùng.

Dịch tả lợn châu Phi đã lây lan ra 12 tỉnh, thành phố phía Bắc

Nếu chúng ta không kiểm soát chặt chẽ, để những trường hợp lợn có bệnh đưa vào phía Nam là rất nguy hiểm (có Đồng Nai là thủ phủ chăn nuôi lớn nhất cả nước).

-Ông có thể làm rõ lý do, vì sao từ khi miền Bắc có dịch thì lượng lợn vận chuyển vào Nam tăng mạnh?

- Do người chăn nuôi sợ dịch bệnh xảy ra, nên những lứa lợn gần đến thời kỳ xuất chuồng chăn nuôi tranh thủ bán sớm để tránh bị bệnh và thu hồi vốn về.

Hơn nữa, chênh lệch giá cả giữa trong Nam và ngoài Bắc cũng cao. Giá thịt lợn trong phía Nam bao giờ cũng cao hơn phía Bắc từ 5-10.000 đồng/kg, ví dụ như ngoài Bắc giá lợn 40.000 đồng-41.000 đồng/kg thì trong Nam sẽ được 48.000 đồng-52.000 đồng/kg.

- Gần đây, trên địa bàn Hà Nội nhiều gia đình, bếp ăn tập thể như trường mầm non đã tạm dừng sử dụng thịt lợn làm thực phẩm do lo ngại dịch tả châu Phi, Bộ NN&PTNT có khuyến cáo gì để người dân không có tâm lý tẩy chay thịt lợn? 

-Chúng ta cần phải nhấn mạnh rằng, dịch tả lợn châu Phi chỉ lây lan trên lợn, không lây sang bất kỳ động vật nào khác, kể cả người.

Trong khi đó, lợn bán ra trên thị trường đã được thú y kiểm soát rồi, những con lợn có dấu hiệu, triệu chứng bệnh đã bị loại từ khi đến lò mổ. Thứ hai, nếu con lợn bị  bệnh thì dấu tích rất rõ ràng. Người dân chỉ để ý một chút sẽ nhận ra ngay, như lợn sẽ bị xuất huyết đỏ trên da, miếng thịt không được đỏ như bình thường.

Người tiêu dùng cần hết sức bình tình, khi mua thịt lợn thì để ý một chút là được, không nên có tâm lý tẩy chay.

Vì lợi ích cộng đồng, vì 2,5 triệu hộ chăn nuôi với khoảng 13,8 triệu con lợn, nếu tiêu dùng quay lưng với thịt lợn, người chăn nuôi khó khăn, giá thịt lợn tụt dốc, người chăn nuôi không có tâm lý chống dịch, chính quyền địa phương không xắn tay vào cuộc để dịch lây lan mạnh thì chúng ta sẽ mất 40.000 tỷ đồng.

ớVới sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng đã đồng ý hỗ trợ lợn bệnh với mức 80% giá thịt trường với lợn thịt, người tiêu dùng không bán chui lợn bệnh. Còn với chính quyền địa phương, Thủ tướng Chính phủ đã giao Chủ tịch UBND các tỉnh phải chịu trách nhiệm trước Quốc hội và trước Thủ tướng trong việc chống dịch. Tất cả, hãy vì lợi ích chung của đất nước, người tiêu dùng cũng đừng quay lưng lại với thịt lợn.