Lão nông tự học luật thắng kiện tập đoàn gây ô nhiễm

ANTD.VN - Với quyết tâm lấy lại môi trường sạch cho người dân trong làng, một lão nông chỉ học đến lớp 3 quyết định tự tìm hiểu luật và giành phần thắng khi kiện một tập đoàn hóa chất gây ô nhiễm ở cấp sơ thẩm. 

16 năm kiên trì

Ông Wang Enlin (60 tuổi), là người dân làng Yushutun, ở vùng ngoại ô Tề Tề Cáp Nhĩ, tỉnh Hắc Long Giang, Trung Quốc. Ông Wang nói không thể quên thời điểm năm 2001 khi đất của ông bị ngập trong nước thải ô nhiễm từ Tập đoàn hóa chất Qihua - Tập đoàn Nhà nước có tổng tài sản khoảng 2 tỷ Nhân dân tệ (291 triệu USD).

Một tài liệu của Chính phủ năm 2001 khẳng định, vì mức độ ô nhiễm nặng, các vùng đất nông nghiệp bị ảnh hưởng trong vụ việc này “không thể sử dụng để canh tác trong thời gian dài”. Từ năm 2001 đến năm 2016, Tập đoàn hóa chất Qihua vẫn tiếp tục xả chất thải độc hại về phía ngôi làng, nơi người dân chủ yếu sống bằng nghề nông.

Theo People's Daily, tập đoàn trên đã thải khoảng 15.000-20.000 tấn chất thải hóa học mỗi năm. Qihua cũng được cho là đã lập bãi rác thải rộng khoảng 30 hecta chôn rác thải chứa hóa chất độc hại và một hồ chứa chất thải dạng lỏng rộng 193 hecta.

Năm 2001, ông Wang viết đơn kiến nghị lên Sở Tài nguyên đất đai Tề Tề Cáp Nhĩ về tình hình ô nhiễm do nhà máy Qihua gây ra. Trong quá trình làm việc với cán bộ địa phương, ông Wang thường được yêu cầu cung cấp bằng chứng để xác minh nguyên nhân gây ô nhiễm. “Tôi biết mình đúng, nhưng tôi không biết họ đã phạm luật gì, hay liệu có chứng cứ nào để buộc tội họ hay không”, ông Wang nói.

Vì không có tiền thuê luật sư, nhưng với quyết tâm lấy lại môi trường sạch cho nhà cửa, đất đai, ruộng vườn của mình và những người dân trong làng, dù mới chỉ học đến lớp 3 nhưng lão nông Wang Enlin quyết định tự tìm hiểu về luật và nỗ lực theo đuổi vụ kiện trong suốt 16 năm sau đó. Ông bắt đầu dùng từ điển để đọc hàng chục cuốn sách và tài liệu tham khảo về luật.

Vào thời điểm đó, vì không có tiền mua sách, ông dành nhiều ngày cặm cụi đọc ở một cửa hàng sách tại địa phương, sau đó tự tay chép lại thông tin liên quan. Đổi lại, ông thường mang những túi ngô cho người chủ cửa hàng sách, coi như tiền phí. Không chỉ vậy, ông cũng sử dụng những thông tin tự mày mò tìm hiểu để hướng dẫn những người láng giềng thu thập chứng cứ, vì đất của họ cũng bị ô nhiễm bởi Tập đoàn Qihua. 

Năm 2007, một hãng luật Trung Quốc chuyên thụ lý các vụ kiện liên quan đến ô nhiễm đồng ý tư vấn và hỗ trợ pháp lý cho ông Wang cùng dân làng. Họ cũng giúp người dân làng khiếu kiện. Tuy nhiên, sau nhiều diễn biến phức tạp, vào năm 2015, tức 8 năm sau khi đệ đơn, tòa án mới xử lý đơn kiện của ông Wang.

Nhờ những chứng cứ đã thu thập trong suốt 16 năm, ông Wang và dân làng đã giành thắng lợi ở cấp sơ thẩm. Tòa án ở Qiqihar phán quyết, Tập đoàn Qihua phải bồi thường số tiền trị giá 820.000 nhân dân tệ cho những gia đình ở làng Yushutun. Dù Tập đoàn hóa chất tuyên bố kháng án, ông Wang tin rằng công lý sẽ đứng về phía họ.

Công khai doanh nghiệp gây ô nhiễm

Theo Reuters, Trung Quốc lần đầu áp dụng chiến thuật “nêu đích danh” những doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường vào năm 2005, khi Phó Giám đốc Cơ quan bảo vệ môi trường Nhà nước lúc bấy giờ là ông Pan Yue khởi xướng. Trong các chiến dịch thanh tra, kiểm tra sau đó, nhiều doanh nghiệp vi phạm các quy định về bảo vệ môi trường cũng đã bị “bêu tên”. 

Bộ Bảo vệ môi trường Trung Quốc cho biết, các nhà máy thép, nhà máy giấy, nhà máy điện và các nhà máy sản xuất hóa chất bị nêu tên đã có hàng loạt sai phạm, từ phớt lờ yêu cầu đình chỉ hoạt động, cố tình trốn các cuộc thanh tra của chính quyền đến công bố sai dữ liệu về hoạt động sản xuất…

Theo Báo Bưu điện Hoa Nam buổi sáng, chính sự tuân thủ kém về tiêu chuẩn môi trường tại các nhà máy là nguyên nhân chính gây ra ô nhiễm nghiêm trọng tại quốc gia đông dân nhất thế giới. Cuối năm 2016, Trung Quốc đã chính thức áp dụng cấp giấy phép về chất thải cho các nhà máy quy định cụ thể chất thải nào được phép xả và với số lượng bao nhiêu.