Lao động trực tiếp lo lắng về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu

ANTD.VN - Không đồng tình với đề xuất nâng tuổi hưu, công nhân may, giáo viên mầm non... đề nghị các nhà hoạch định chính sách cần xem xét, đánh giá cụ thể tác động tới khối lao động trực tiếp.

 

 

Do đặc thù nghề nghiệp, công nhân dệt may thường nghỉ hưu sớm hơn tuổi quy định

Điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo lộ trình từ năm 2021 là một trong những nội dung tại dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi) đang được Bộ LĐ-TB&XH lấy ý kiến rộng rãi của doanh nghiệp, người lao động. Kéo dài tuổi hưu là vấn đề nhạy cảm liên quan đến hàng chục triệu lao động, cho nên đề xuất này đang vấp phải nhiều tranh cãi từ dư luận xã hội đặc biệt từ những ngành đặc thù như giáo viên, công nhân lao động trực tiếp...

Với 15 năm làm việc trong ngành giáo dục mầm non, Phó Hiệu trưởng trường Mẫu giáo Việt - Triều hữu nghị (Hà Nội) Đinh Bích Hà cho biết, khi có thông tin tăng tuổi hưu, chúng tôi đã làm một cuộc khảo sát trong trường và tất cả giáo viên đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu.

Người lao động làm việc 8 tiếng/ngày nhưng giáo viên mầm non luôn làm việc 10-11 tiếng/ngày. Cường độ làm việc cao, giáo viên mầm non không đủ khả năng đáp ứng yêu cầu công việc nếu tăng tuổi nghỉ hưu.

Không đồng tình với đề xuất kéo dài tuổi hưu, một số ý kiến công nhân ngành dệt may cho biết, với đặc thù công việc, đến 40 tuổi người lao động bắt đầu mắt mờ, chân tay rung, đường kim, mũi chỉ không còn chính xác. Năng suất lao động thấp hơn lớp trẻ. Nếu tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 tuổi, người lao động làm sao đủ sức theo đuổi nghề. Người lao động không đủ sức khỏe buộc phải nghỉ sớm với lương hưu thấp và tuổi già tiếp tục phải đi kiếm sống, như vậy quá thiệt thòi.

Trước đề xuất của Bộ LĐ-TB&XH, Phó trưởng ban Quan hệ lao động, Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam Lê Đình Quảng cho rằng, việc nghiên cứu điều chỉnh tuổi hưu tại thời điểm này là cần thiết.

Tuy nhiên, điều chỉnh như thế nào cho phù hợp thì cần phải xem xét thêm. Theo các điều tra, khảo sát của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, hiện nay, những người lao động làm việc trực tiếp tại các doanh nghiệp, rất hiếm trường hợp nghỉ hưu đúng với tuổi quy định (60 với nam và 55 với nữ).

Còn theo thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, tuổi nghỉ hưu bình quân của nước ta là 53,4 tuổi, trong đó nam giới là 55,2 tuổi, nữ giới là 51,7 tuổi, những ngành nghề nặng nhọc, độc hại nguy hiểm thì tuổi nghỉ hưu bình quân chỉ khoảng 43 tuổi (công nhân cạo mủ cao su, làm đường, dệt may, da giày…). Cho nên, đề xuất tăng tuổi hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam là chưa phù hợp. Cần có quy định linh hoạt hơn cho những đối tượng như công nhân, giáo viên mầm non...

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, điều chỉnh tuổi hưu là một trong những nội dung được thể chế hóa yêu cầu của Nghị quyết số 28/NQ-TW. Trong quá trình xây dựng, Ban soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cũng đã có tính toán đến các đối tượng thuộc ngành, nghề nào được nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, để hài hòa lợi ích giữa các nhóm đối tượng cần có nhiều giải pháp khác nhau. 

Theo ông Nguyễn Văn Bình, Vụ phó Vụ Pháp chế (Bộ LĐ-TB&XH), các quy định tại Bộ luật Lao động mang tính quy phạm. Khi xây dựng chính sách, cơ quan soạn thảo rất khó đưa ra một quy định có thể làm hài lòng được tất cả các nhóm lao động trên thị trường lao động.

Quy định tại pháp luật sẽ mang tính định hướng còn việc điều chỉnh như thế nào, tính toán ra sao, các ngành nghề nào được nghỉ hưu trước tuổi phải được quy định tại các văn bản dưới luật khác như nghị định, thông tư...