Lào, Campuchia đi sau nhưng năng suất lao động đã vượt Việt Nam

ANTD.VN - Đại biểu Nguyễn Bá Sơn cho rằng năng suất lao động của Việt Nam thấp hơn Lào, Campuchia là vấn đề đáng suy ngẫm khi họ là những nước đi sau mà giờ đây đã vượt chúng ta.

Không nhanh đổi mới sáng tạo, Việt Nam sẽ tụt hậu

Sáng 22-5, thảo luận về tình hình kinh tế xã hội, đại biểu Nguyễn Bá Sơn (đoàn Đà Nẵng) cho rằng dù GDP có đạt nhưng tốc độ tăng tưởng của nền kinh tế vẫn thấp và lạc hậu, tăng trưởng chủ yếu dựa vào vốn, lao động và tài nguyên chứ không phải do đổi mới sáng tạo, thấp hơn nhiều so với Thái Lan, Ấn Độ, Nhật Bản.

"Nếu đổi mới sáng tạo không nhanh chúng ta sẽ lạc hậu. Chưa kể hiện nay hàng nước ngoài đang chiếm quá nửa trong nền kinh tế, có cái chiếm tới 70%, trong 20 năm qua chúng ta chưa có sản phẩm công nghiệp của riêng mình là vấn đề đáng quan ngại", ông Sơn nói.

Xuất phát điểm tốt hơn nhưng hiện năng suất lao động của Việt Nam đang thấp hơn Lào, Campuchia (ảnh minh hoạ) 

Cũng theo đại biểu đoàn Đà Nẵng, năng suất lao động của Việt Nam tụt hậu, thấp hơn Lào, Campuchia là vấn đề đáng suy ngẫm khi họ là những nước đi sau mình rất xa mà giờ đây năng suất lao động đã vượt ta.

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Thanh Quang (đoàn Đà Nẵng) bày tỏ lo ngại khi hiện lực lượng lao động trong ngành dệt may đang chiếm tỷ trọng lớn trong lực lượng lao động với 8,6 triệu lao động, trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 nếu chủ sử dụng lao động áp dụng khoa học công nghệ trong sản xuất thì rất nhiều người sẽ thất nghiệp. “Vậy chúng ta sẽ giải quyết lực lượng dôi dư như thế nào?”, ông Quang đặt vấn đề.

Cũng theo ông Quang, hiện đang nợ 650 ngàn tỷ đồng tiền đóng bảo hiểm xã hội, nếu chủ doanh nghiệp bỏ trốn thì sẽ rất khó khăn cho người lao động do đó cần xem xét vấn đề này bởi ảnh hướng đến an sinh xã hội. 

Giải ngân chậm, cần xem xét trách nhiệm người liên quan

Đại biểu Vũ Thị Lưu Mai (đoàn Hà Nội) đánh giá đầu tư công có tình trạng giải ngân không những không được khắc phục mà còn nặng nề hơn. Chỉ tính riêng bộ ngành, theo báo cáo của Chính phủ, có 39 bộ ngành địa phương ở nhóm giải ngân dưới 10%, 20 bộ ngành địa phương tỷ lệ giải ngân dưới 30%. “Đó là con số đáng trăn trở”, bà Mai nói.

Chỉ ra hai nguyên nhân dẫn đến giải ngân chậm là do giao vốn cho địa phương chậm và năng lực thực hiện của các tổ chức cá nhân được giao còn hạn chế, đại biểu Vũ Thị Lưu Mai đề nghị xem xét trách nhiệm người liên quan, bởi “chỉ có vậy mới khắc phục được, chấm dứt “bài ca” giải ngân chậm năm này qua năm khác”.

Đề cập tới vấn đề cổ phần hoá khu vực doanh nghiệp nhà nước, đại biểu Nguyễn Phi Phường (đoàn Hà Nội) đánh giá “vẫn giậm chân tại chỗ, không có tiến triển đáng kể”.