- Trường đại học tốp đầu Hà Nội tung tỷ lệ "chọi" xét tuyển ĐH 2019 cao ngất
- Tăng giá sách giáo khoa in năm 2019, sách đã in trước đó giữ nguyên
- Vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia: Bộ Giáo dục trả lời thiếu thuyết phục, không rõ trách nhiệm
Ngày 21-5, Quốc hội nghe báo cáo và thảo luận tại hội trường về những điểm còn khác nhau xung quanh dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi). Đa số các ý kiến ghi nhận ban soạn thảo đã có nhiều nội dung tiếp thu, chỉnh lý kịp thời song chỉ ra một số quy định cần làm rõ để tránh hệ luỵ khi đưa luật vào áp dụng.
Nghiên cứu bỏ thi, chỉ xét tốt nghiệp THPT
Trước những ý kiến còn khác nhau về việc có hay không nên giữ kỳ thi THPT quốc gia, đại biểu Phạm Văn Hoà (đoàn Đồng Tháp) cho rằng kỳ thi “2 trong 1” thời gian qua bên cạnh xảy ra một số tiêu cực thì tỷ lệ đỗ rất cao, có địa phương đạt 99%.
"Thi thì có người trúng, người trượt nhưng cách tổ chức thi vừa qua cần xem có hợp lý hay chưa khi trúng gần hết", ông Phạm Văn Hoà đặt vấn đề.
Đại biểu Phạm Văn Hoà đề xuất dự thảo luật bổ sung quy định giao Chính phủ nghiên cứu về bỏ thi THPT quốc gia
Đồng tình vẫn quy định thi THPT song ông Hoà đề nghị dự thảo luật lần này cần bổ sung việc giao Chính phủ nghiên cứu để sau này, tùy thực tế mà có thể bỏ thi THPT nhằm giảm chi phí cho ngân sách, bởi mỗi lần tổ chức kỳ thi rất tốn kém.
Theo vị đại biểu tỉnh Đồng Tháp, tới đây có thể chỉ cần xét cấp bằng THPT với những học sinh đáp ứng điều kiện cụ thể. Bên cạnh đó, tổ chức thi tuyển sinh đại học như trước để tuyển học sinh có năng lực khá giỏi tham gia, còn những em học lực trung bình thì có thể học nghề, lao động theo sở thích, năng lực.
"Nếu làm như vậy, chất lượng đầu vào đại học được nâng lên, tiết kiệm cho gia đình và xã hội", đại biểu Phạm Văn Hoà góp ý.
Quy định không rõ có thể "loạn" sách giáo khoa
Chủ nhiệm Ủy ban Văn hoá, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đề nghị được giữ quy định một chương trình thống nhất, mỗi môn học có một hoặc một số sách giáo khoa như trong dự thảo luật.
Về việc lựa chọn sách giáo khoa, dự thảo luật quy định UBND cấp tỉnh quyết định việc lựa chọn sách giáo khoa để sử dụng ổn định trong các cơ sở giáo dục phổ thông trên địa bàn theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT.
Cần quy định rõ để tránh tình trạng "loạn" sách giáo khoa, hay sách giáo khoa chỉ sử dụng một lần rồi bỏ, gây lãng phí
Băn khoăn về quy định trên, đại biểu Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng, cơ sở giáo dục được lựa chọn sách giáo khoa theo quy định của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT nhưng quy định gì thì không rõ.
"Đây là hạn chế có thể dẫn đến loạn sách giáo khoa, mỗi trường một kiểu, mạnh ai nấy làm, học một đường thi một nẻo. Bên cạnh đó, quy định UBND cấp tỉnh chủ động biên soạn tài liệu còn chung chung. Đề nghị quy định cụ thể tiêu chí quy trình biên soạn, việc lựa chọn sách giáo khoa", ông Tạo nói.
Cho rằng thực hiện xã hội hoá việc biên soạn sách giáo khoa là cần thiết, tuy nhiên đại biểu Phạm Văn Hoà đề nghị Bộ GD&ĐT cần làm rõ để sách giáo khoa sử dụng ổn định, lâu dài chứ không thể mỗi năm thay một đợt sách gây lãng phí.
Ngoài ra, Hội đồng thẩm định sách giáo khoa nên giao cho Thủ tướng thành lập, không nên giao cho Bộ trưởng, bởi Thủ tướng thành lập thì hội đồng này sẽ có thành phần đa dạng, uy tín.
Tạo điều kiện cho con em mình bằng cách thức phi giáo dục
Đề cập tới các vụ tiêu cực, gian lận thi cử bị phát hiện thời gian qua, đại biểu Phạm Trọng Nhân (đoàn Bình Dương) đặt dấu hỏi về vai trò, trách nhiệm của gia đình.
Ông Nhân cho rằng cái sai của người lớn từ trong gia đình tới xã hội không chỉ là hệ luỵ cho giáo dục mà còn góp phần nhào nặn nên nhân cách con em mình. Cha mẹ, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho con em mình hoàn thành chương trình giáo dục.
Tuy nhiên việc tạo điều kiện đó lại đi theo cách thức phi giáo dục như vậy thì liệu gia đình có còn là thành trì bảo vệ các em khỏi cái xấu trong xã hội hay là nơi khởi phát những giá trị lệch lạc trong hình thành nhân cách cho con em mình.
“Tại sao ngày càng có nhiều "Gia đình văn hoá" song những hành vi lệch chuẩn, phi giáo dục lại có cơ hội bén rễ trong đời sống”, ông Nhân băn khoăn và cho rằng khi gia đình và xã hội chưa thể hiện hết trách nhiệm thì một mình nhà trường không đủ sức gồng gánh sự nghiệp giáo dục.
Từ phân tích trên, đại biểu Phạm Trọng Nhân cho rằng dự thảo luật cần làm rõ trách nhiệm của gia đình.