Lãnh đạo Sở Giao thông Hà Nội lo ùn tắc "phình ra" khi thông xe Vành đai 2 trên cao

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội lo ngại, sau khi thông xe Vành đai 2 trên cao và dưới thấp, nguy cơ ùn tắc giao thông tại nhiều nút giao là khó tránh khỏi. 

Giám đốc Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Phi Thường cho biết, gần nửa tháng nữa, đường Vành đai 2, đoạn Vĩnh Tuy - Ngã Tư Sở sẽ đi vào hoạt động sau hơn 4,5 năm thi công.

Để tránh gây ùn tắc diện rộng, ngành giao thông đã nhiều lần họp bàn tìm phương án tối ưu tổ chức giao thông tại hai điểm lên xuống của tuyến đường Ngã Tư Sở và Ngã Tư Vọng. Sở GTVT sau đó đã nghiên cứu giải pháp phân luồng từ xa, phương tiện đi đường trên cao có thể phải hạn chế tốc độ.

Theo ông Thường, xem xét phương án tổ chức giao thông cho nút Ngã Tư Sở không chỉ là một điểm là phải nghiên cứu các trục xung quanh như đường Trường Chinh - Láng - Yên Lãng - Láng Hạ - Lê Văn Lương; Tây Sơn - Ngã Tư Sở - Nguyễn Trãi - Khuất Duy Tiến.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội lý giải, khi thông xe đường vành đai 2 trên cao, phương tiện cả trên cao và dưới thấp cùng lúc đổ xuống Ngã Tư Sở rồi đi ra đường Láng. Trong khi đường Láng chỉ rộng 10,5 m mỗi chiều; thiết kế lưu lượng giao thông tối đa của đường Láng chỉ 3.000 phương tiện/giờ nhưng hiện đã lên đến 8.000 phương tiện/giờ nên thường xuyên ùn tắc giờ cao điểm. Do vậy, nếu không có phương án tốt thì sau khi thông xe Vành đai 2 trên cao và dưới thấp, có thể ùn tắc kéo dài ra đến đường Láng.

Lo ngại ùn tắc giao thông phát sinh tại nhiều điểm sau khi thông xe Vành đai 2 trên cao

Lo ngại ùn tắc giao thông phát sinh tại nhiều điểm sau khi thông xe Vành đai 2 trên cao

"Việc tổ chức giao thông chỉ là ngọn, để giải quyết căn bản tình trạng ùn tắc giao thông phải xuất phát từ quy hoạch, sử dụng đất, phân bổ dân cư và phát triển giao thông khối lượng lớn", ông Thường cho hay.

Giám đốc Sở GTVT cho hay, Hà Nội có khoảng 10 triệu dân với 7 triệu phương tiện, trong đó có một triệu ôtô. Số ôtô trong 10 năm qua tăng gấp 30 lần. Trung bình mỗi năm phương tiện tăng 4-5% trong khi quỹ đất dành cho giao thông đô thị tăng 0,28%.

Lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho rằng, một thành phố có 10 triệu dân thì không thể không có metro nhưng hiện mới có một đoạn tuyến Cát Linh - Hà Đông đi vào hoạt động và dự kiến đoạn tuyến Nhổn - ga Hà Nội hoạt động từ năm 2023. Theo quy hoạch giao thông vận tải, Hà Nội có 10 tuyến metro, nhưng thực tế cho thấy suất đầu tư metro rất lớn, khoảng 100 triệu USD/1km, trong khi nguồn ngân sách đầu tư công có hạn.

Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở- Vĩnh Tuy dự kiến thông xe vào đầu tháng 1/2023

Vành đai 2 đoạn Ngã Tư Sở- Vĩnh Tuy dự kiến thông xe vào đầu tháng 1/2023

"Thành phố dù rất quan tâm đầu tư kết cấu hạ tầng nhưng tính toán của ngành giao thông cho thấy, vốn đầu tư công chỉ đáp ứng khoảng 20% nhu cầu cho hạ tầng giao thông", ông Thường thông tin.

Hà Nội đang dồn lực thực hiện đường Vành đai 4, dự án không chỉ là mang tính chất vành đai liên vùng mà còn để tái cấu trúc đô thị, giãn dân ra khỏi nội đô và kết nối hai thành phố trực thuộc thủ đô trong tương lai. Đường Vành đai 4 cũng giúp giảm tải Vành đai 3, khi đó Vành đai 3 chỉ đóng vai trò vành đai đô thị chứ không là vành đai liên tỉnh cộng đô thị như hiện nay.

Trước mắt, để giải quyết 37 điểm ùn tắc giao thông (27 điểm từ trước và 10 điểm mới phát sinh), Sở đã tái lập tổ công tác liên ngành về tổ chức và chống ùn tắc giao thông. Tổ họp hàng tuần để nghe báo cáo thực tế ngoài hiện trường, sau đó xem xét thảo luận, đưa ra phương án tổ chức giao thông, giải quyết dứt khoát từng điểm đen.

Với những trục đường lưu lượng giao thông lớn, ngành giao thông tổ chức đếm xe và áp dụng phần mềm mô phỏng để có cơ sở khoa học và thực tiễn tổ chức giao thông.