tình trạng phá thai nhầm vì Rubella

Lãnh đạo Bệnh viện Phụ sản Trung ương lên tiếng!

ANTĐ - Trong tuần qua, dư luận dấy lên những bất bình về việc  nhiều thai phụ phá thai nhầm vì Rubella, PGS.TS Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã có cuộc trao đổi với An ninh Thủ đô để rõ hơn một số chi tiết.

- Thưa ông, ông có thể nói rõ hơn về con số  83,5% thai phụ phá thai nhầm vì sợ nhiễm Rubella?

- Khi dịch Rubella bùng phát, chúng tôi đã có một thí nghiệm nhỏ, lấy máu cuống rốn xét nghiệm ngẫu nhiên trong số 103 ca phá thai do thai phụ làm đơn xin phá. Trong đó có 17 trường hợp thai nhi chắc chắn lây nhiễm vi rút Rubella từ mẹ (tức là cả IgG (+) và IgM(+)); Còn lại 86 trường hợp (tương đương 83,5%) có IgG(+) và IgM (-). Khi tôi cung cấp số liệu này cho một số báo chí thì có phóng viên đã tự suy luận rằng như vậy tức là 83,5% số ca phá thai trên là nhầm. Trên thực tế, IgM(-) không có nghĩa là thai nhi không bị Rubella.

Trong số 28 trẻ sinh ra mắc hội chứng Rubella bẩm sinh tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương từ đầu năm đến nay, thì xét nghiệm cũng chỉ có 23/28 trẻ có hai chỉ số đều dương tính, còn lại 5 trẻ rõ ràng mắc hội chứng này nhưng IgM vẫn âm tính. Thêm nữa, đây chỉ là một thí nghiệm ngẫu nhiên, không nói lên tỷ lệ đại diện. Chúng tôi đưa ra tỷ lệ này chỉ nhằm tìm ra một phương pháp xét nghiệm chuẩn xác hơn. 

- Vậy những trường hợp như thế nào sẽ được các bác sĩ tư vấn đình chỉ thai nghén?

- Hiện nay, hầu hết các thai phụ nhiễm Rubella thường đến viện muộn, dấu hiệu nhiễm rất mơ hồ (chỉ sốt nhẹ, phát ban hoặc không phát ban) nên dù kết quả IgG (+) cũng không xác định được thời điểm mắc rubella và liệu virus Rubella lây nhiễm cho thai nhi có gây hậu quả thai bất thường hay không. Việc đưa ra tư vấn thực sự vô cùng đau đầu đối với bác sĩ. Và đó là ý kiến không chỉ riêng một bác sĩ nào, mà chúng tôi phải đưa vào hội đồng chẩn đoán trước sinh, bao gồm rất nhiều bác sĩ về sản khoa, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh, di truyền học, huyết học… Chúng tôi chỉ có thể tư vấn phá thai dựa vào tần suất mắc ở từng độ tuổi thai nhiễm Rubella đã được công bố trên thế giới. Nếu thai phụ nhiễm trong 3 tháng đầu thì tỷ lệ trẻ sinh ra bị hội chứng Rubella bẩm sinh (để lại các di chứng nặng nề như tim bẩm sinh, đục thủy tinh thể, bệnh võng mạc, điếc, chậm phát triển tâm thần và trí tuệ, suy dinh dưỡng…) rất cao. Ở giai đoạn này, không chỉ riêng Việt Nam mà y học thế giới cũng đồng nhất đình chỉ thai nghén. 

Ở các tuần thai tiếp theo, tỷ lệ trẻ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh giảm dần, đến tuần thứ 18 thì nguy cơ gần như về 0. Nhưng trong y học, xác suất mấy chục % là rất cao, nhất nguy cơ mắc hội chứng Rubella bẩm sinh, đứa trẻ sinh ra sẽ mắc hàng loạt dị tật chứ không đơn thuần chỉ một vài dị tật nhỏ. Y văn thế giới cũng từng ghi nhận những trường hợp thai 24 tuần tuổi vẫn nhiễm, trẻ sinh ra vẫn bị điếc, mà điếc thì tất nhiên dẫn đến câm. Mà có mấy thai phụ chấp nhận con mình… câm điếc cũng được. Họ cần một giải pháp tuyệt đối. 

- Nhưng nếu như bệnh viện giải thích chỉ có chức năng khám và tư vấn, còn bỏ hay giữ là quyền bệnh nhân - như vậy là thầy thuốc thiếu trách nhiệm?

- Rất nhiều trường hợp thai phụ nhiễm Rubella giai đoạn thai muộn, hội đồng chẩn đoán khuyên theo dõi thêm nhưng gia đình đã xin đình chỉ thai nghén. Những trường hợp này, chúng tôi không duyệt đơn, họ lại tìm cách phá thai bằng những nguyên nhân khác. Hay có trường hợp hội đồng chẩn đoán khuyên theo dõi nhưng bệnh nhân ra nước ngoài khám và cũng nhận được tư vấn đình chỉ thai nghén.

-  Vậy có giải pháp nào để hạn chế tối đa tình trạng phá thai vì nghi nhiễm Rubella?

- Từ cuối tháng 6-2011, Bệnh viện Phụ sản Trung ương đã đưa vào ứng dụng phương pháp chọc dịch ối chẩn đoán thai nhi nhiễm vi rút rubella bằng kỹ thuật PCR real – times. Phương pháp này cho kết quả chính xác tới 90-95%, xem thai nhi có bị lây nhiễm Rubella từ mẹ hay không. Tuy nhiên, như trên đã nói, thai phụ cần một giải pháp tuyệt đối. Vì vậy, đa phần thai phụ khi được tư vấn chọc ối, họ đã chọn giải pháp phá thai. Thường chỉ có những thai phụ hiếm muộn mới đành chấp nhận 5-10% nguy cơ còn lại.