Lang thang nơi đất võ

ANTĐ - Khoảng cách từ thành phố Quy Nhơn đến huyện Tây Sơn chừng 40km. Bạn có thể đến đó bằng xe buýt chỉ với giá 25.000 đồng/vé. Nhưng tuyệt vời nhất là bạn nên đến Tây Sơn bằng xe máy.

Cây me hơn 300 tuổi trong Bảo tàng Quang Trung

Nếu xuất phát từ sáng sớm thì đừng nên ăn sáng vội, dọc theo QL 19 có rất nhiều điểm bán đồ ăn bạn có thể dừng chân tại các quán hàng, ăn những món truyền thống của Bình Định như: xương má đầu, cháo lòng, bánh hỏi ở gần Trạm thu phí Nhơn Tân (xã Nhơn Tân, huyện An Nhơn). Bạn cũng đừng quên nhấp môi một chút xíu rượu Bàu Đá, loại rượu từng được nhà thơ Nguyễn Duy xếp vào hàng “Đệ nhất danh tửu”.

Bảo tàng Quang Trung được xây dựng trên nền nhà của 3 anh em nhà Tây Sơn xưa, là nơi thờ phụng và lưu giữ những hiện vật liên quan đến phong trào nông dân Tây Sơn. Trước nhất, bạn nên vào Điện thờ Tây Sơn Tam Kiệt (nơi thờ 3 anh em nhà Tây Sơn và 6 vị quan, tướng của triều đại này) để dâng hương cầu phúc, cầu tài lộc… Trong khuôn viên bảo tàng có cây me, giếng nước, hai di tích có từ thời ông Hồ Phi Phúc và bà Nguyễn Thị Đồng (thân sinh của anh em nhà Tây Sơn) đã hơn 300 năm. Người dân trong vùng khi có bệnh thường đến Điện thờ thắp hương khấn vái xin uống nước giếng với niềm tin sẽ khỏi bệnh. Đến với Bảo tàng này, bạn còn được xem biểu diễn Trống trận Tây Sơn và những bài quyền nổi tiếng có từ thời Tây Sơn như Hùng Kê Quyền, Song Phượng Kiếm, Ngọc trản quyền…

Điểm đến tiếp theo là Danh thắng Hầm Hô, cách Bảo tàng Quang Trung chừng 5km. Bạn có thể thuê một cái chòi để nghỉ trưa, tắm suối, câu cá và thưởng thức món “gà chỉ” (chỉ con nào làm thịt con nấy). Buổi chiều, bạn sẽ đi thăm những lò võ, làng võ nổi tiếng như Thuận Truyền, An Thái, Bình Nghi đã đi vào ca dao, dân ca như “Ai về Bình Định mà coi/Con gái Bình Định múa roi đi quyền”, “roi Thuận Truyền, quyền An Thái” hay “trai An Thái, gái Thuận Truyền”…

Nếu muốn tìm hiểu kỹ về con người, vùng đất này thì bạn nên ở lại thêm vài ngày để đi thăm 7 nghề truyền thống từ thời Tây Sơn và những di tích khác như từ đường Bùi Thị Xuân, từ đường Võ Văn Dũng, bến Trường Trầu… Bạn có thể đi thăm đất Tây Sơn vào tất cả các ngày trong năm nhưng thuận lợi nhất là nên đi vào dịp mùng 4 và mùng 5 Tết Nguyên đán, thời điểm vùng đất này đang có Lễ hội mừng chiến thắng Đống Đa.