Lắng nghe phản hồi từ cuộc sống

ANTĐ - Hôm qua, 24-9, đồng chí Phạm Quang Nghị, Ủy viên Bộ Chính trị,  Bí thư Thành ủy Hà Nội (ĐBQH ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2 - quận Hai Bà Trưng và quận Đống Đa) đã có cuộc tiếp xúc cử tri trước thềm kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII.

Thành phố đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp giảm ách tắc giao thông, giải tỏa bức xúc trong nhân dân

Nỗ lực phục vụ nhân dân tốt hơn

Tại cuộc tiếp xúc, cử tri đơn vị bầu cử số 2 mong muốn Quốc hội cũng như từng ĐBQH TP Hà Nội tăng cường hơn nữa vai trò giám sát và gần dân hơn. Ghi nhận kết quả lấy phiếu tín nhiệm ở các địa phương, cử  tri đề xuất việc lấy phiếu chỉ nên áp dụng 2 mức (tín nhiệm và không tín nhiệm) thay vì 3 mức như hiện nay. Kết quả công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng cũng là nội dung được nhiều cử tri quan tâm. Một số ý kiến bày tỏ sự băn khoăn trước những hạn chế của các giải pháp phòng, chống tham nhũng hiện nay. Cử tri Đoàn Xuân Miễn (phường Quỳnh Mai, quận Hai Bà Trưng) nói: “Chúng ta cứ nói có một bộ phận không nhỏ tham nhũng, nhưng nhiều năm qua vẫn chưa tìm ra, hoặc xử lý chưa triệt để nên người dân rất lo. Cử tri đề nghị Quốc hội cần chỉ đạo các ngành chức năng có những biện pháp quyết liệt, hiệu quả hơn”.

Cũng tại buổi tiếp xúc, cử tri tiếp tục phản ánh một số tồn tại trong lĩnh vực y tế, giáo dục như quá tải bệnh viện, lạm thu tiền trường... Bên cạnh đó, sự chậm trễ của một số dự án giao thông trọng điểm trên địa bàn như đường vành đai I - đoạn Ô Đông Mác –Nguyễn Khoái, đường Nam Đại Cồ Việt, Công viên văn hóa Đống Đa... cũng được cử tri nêu ra. 

Thay mặt các ĐBQH Hà Nội ứng cử tại đơn vị bầu cử số 2, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị đã tiếp thu những ý kiến xác đáng của cử tri. Bí thư Thành ủy cho biết, trước mỗi vấn đề, TP  luôn thận trọng lắng nghe ý kiến phản hồi từ cuộc sống để chọn ra phương án phù hợp nhất với lợi ích chung. Đơn cử như vấn đề phát triển giao thông, TP đã nỗ lực đề ra nhiều giải pháp như xây dựng cầu vượt, phân luồng giao thông, quản lý vỉa hè, lòng đường. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, rất khó có được giải pháp tuyệt đối.

Trước những ý kiến bức xúc của cử tri về một số vụ việc tiêu cực xảy ra gần đây, điển hình như vụ “nhân bản” kết quả xét nghiệm tại Bệnh viện Đa khoa Hoài Đức, Bí thư Thành ủy nhấn mạnh, quan điểm của lãnh đạo TP Hà Nội là xử lý nghiêm túc, quyết liệt, đúng người, đúng tội. TP cũng xem xét rõ trách nhiệm của những người liên quan theo đúng pháp luật và công khai kết quả xử lý. Cũng theo Bí thư Thành ủy, cùng với điều chỉnh viện phí, TP đang đầu tư xây mới bệnh viện, chỉ đạo Sở Y tế nâng cao chất lượng dịch vụ, mua sắm thêm các trang thiết bị y tế hiện đại để phục vụ nhân dân tốt hơn. 

Lắng nghe phản hồi từ cuộc sống ảnh 2
Từ Liêm đang là huyện đô thị hóa nhanh nhất trên địa bàn Hà Nội

Đề xuất tách huyện Từ Liêm thành 2 quận

Đặc biệt, trao đổi với cử tri, Bí thư Thành ủy Phạm Quang Nghị cho biết, TP Hà Nội đã đề nghị với cấp có thẩm quyền cho phép chia tách huyện Từ Liêm thành 2 quận. Huyện này hiện có dân số đông nhất Hà Nội, hơn nhiều quận nội thành. Bí thư Thành ủy nói: “Huyện Từ Liêm có dân số hơn nửa triệu người. Ngoài ra, trên địa bàn huyện cũng có rất nhiều trường đại học, cao đẳng và các khu đô thị mới đã hình thành từ nhiều năm nay. Do đó, đây là ưu tiên mà Hà Nội đang đề nghị Trung ương, Chính phủ cho phép thực hiện”.

Là một huyện phía Tây Thủ đô Hà Nội, Từ Liêm được thành lập từ tháng 5-1961. Theo Cổng thông tin điện tử huyện Từ Liêm, sau nhiều lần chia tách (đất đai huyện Từ Liêm đã góp phần thành lập 3 quận mới của Thủ đô (Tây Hồ, Cầu Giấy, Thanh Xuân) từ nhiều năm trước, Từ Liêm hiện còn 15 xã và 1 thị trấn với diện tích đất tự nhiên 75,15 km2, dân số ước trên 550.000 người. 

Từ Liêm cũng là địa bàn có tốc độ đô thị hóa cao nhất thành phố với hơn 180 dự án lớn nhỏ đang triển khai. Tuy là huyện nhưng bộ máy quản lý của Từ Liêm phải “gánh” sức nặng gần bằng 2 quận. Trên thực tế, đề án tách huyện Từ Liêm thành 2 quận đã được chuẩn bị từ những năm 2006-2007. Tuy nhiên, do những nguyên nhân khác nhau, đề án này vẫn chưa được xem xét. 

Về nguyên tắc, khi muốn điều chỉnh địa giới hành chính trên địa bàn, UBND TP Hà Nội sẽ phải lập đề án trình HĐND TP thông qua tại một kỳ họp trước khi trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.