Thêm một chân rết của đường dây lừa đảo 200 triệu bảng Anh

Lần theo đường đi của dòng tiền bẩn

ANTĐ - Để xóa sổ đường dây lừa đảo, trộm cắp bằng công nghệ cao quy mô cực lớn, có người Việt Nam tham gia, cảnh sát của 3 nước gồm Việt Nam, Anh và Mỹ đã mở cuộc điều tra hơn 2 năm qua. Tính đến nay Bộ Công an Việt Nam đã bắt giữ 8 đối tượng ở Hà Nội, TP.HCM; còn cảnh sát Anh đã tóm 3 đối tượng có liên quan đến băng nhóm tội phạm mạng này. Hiện vụ án đang trong giai đoạn tiếp tục mở rộng điều tra ở nhiều nước trên thế giới.

Hàng loạt thẻ tín dụng trên khắp thế giới bị “cuỗm” tiền đầy bí ẩn

Theo thông tin chính thức từ Bộ Công an, 8 đối tượng bị bắt giữ tại Việt Nam gồm: Văn Tiến Tú, Trương Hải Duy (cùng trú quận 7, TP.HCM), Lê Văn Kiều (trú quận Tân Bình, TP.HCM) về hành vi đưa, sử dụng trái phép thông tin trên mạng Internet; Ngô Thị Quỳnh Anh, Trần Thị Diệu Hiền (cùng trú quận Tân Bình, TP.HCM), Trịnh Khắc Dương (trú quận Thanh Xuân, TP Hà Nội), Đào Bá Bằng (trú huyện Gia Lâm, TP Hà Nội) và Đoàn Văn Chúc (trú quận Tây Hồ, TP Hà Nội) về hành vi đánh bạc trên mạng Internet. Diễn biến mới nhất là vào chiều 7-6 các cục nghiệp vụ của Bộ công an đã tiến hành khám xét, thu giữ nhiều tang vật, tư liệu có liên quan đến hành vi phạm tội của băng nhóm trên tại công ty Trần Chánh (địa chỉ ở đường Trần Phú, quận 5, TP.HCM). Công ty này được xác định là có liên quan đến hoạt động trung chuyển ngoại tệ trái phép, có thu phí của nhóm người Việt từ nước ngoài về trong nước. 

Trong một diễn biễn khác có liên quan, tại Anh quốc, cảnh sát nước này cũng phát đi thông báo vừa bắt giữ 3 công dân có vai trò quan trọng trong băng nhóm tội phạm công nghệ cao, trộm cắp chiếm đoạt 200 triệu bảng Anh thông qua mạng Internet. Tuy nhiên cảnh sát Anh quốc chưa thông tin chi tiết về các nghi phạm bị bắt giữ, nhằm phục vụ quá trình mở rộng điều tra. Ngoài ra cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) cũng tung ra thông tin là họ đang điều tra.

Được biết cách đây hơn 2 năm, tại Anh, Mỹ và 1 số nước khác nhiều cá nhân, tổ chức trình báo với nhà chức trách rằng tài khoản thẻ tín dụng các loại như: Master Card, Credid Card, American Express... bị mất tiền trong tài khoản một cách đầy bí ẩn, không lý giải được. Ngay sau đó cơ quan chức năng đã vào cuộc điều tra. Cũng thời điểm đó, tại Việt Nam, bằng biện pháp nghiệp vụ công nghệ cao, Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (C50), Bộ Công an phát hiện có 1 nhóm người trú tại TP.HCM và TP Hà Nội dùng mạng Internet rao bán thông tin thẻ tín dụng của nhiều người nước ngoài trên mạng Internet và có tổ chức hoạt động cá độ bóng đá, lô đề với quy mô cực lớn, sau đó Bộ Công an đã vào cuộc xác minh, điều tra. Qua quá trình tìm hiểu, Bộ Công an xác định nhóm người Việt Nam ở trong nước đã cấu kết với một số đối tượng khác để lừa đảo, trộm cắp thông tin thẻ tín dụng của hàng loạt người trên khắp thế giới để bán lại, thu lợi bất chính; do đó cách đây 2 năm Bộ Công an Việt Nam đã trao đổi, phối hợp với cảnh sát Anh quốc, Cục điều tra Liên bang Mỹ  vào cuộc điều tra trên diện rộng.

Sau quá trình xác minh, thu thập chứng cứ, giai đoạn đầu tháng 6-2013 Bộ Công an đã đồng loạt khám xét, bắt giữ 8 đối tượng tại TP.HCM và TP Hà Nội. Phía Anh cũng bắt giữ 3 đối tượng khác. Nhóm tại Việt Nam, các đối tượng cầm đầu được làm rõ là Văn Tiến Tú và Trương Hải Duy. Cả 2 ông trùm này ẩn thân trong 1 biệt thự quy mô ở khu dân cư Nam Quang II thuộc khu đô thị Phú Mỹ Hưng, quận 7 và bị bắt giữ khi đang có mặt tại tỉnh Ninh Thuận. Khám xét hơn chục địa điểm ở khắp các tỉnh thành, cơ quan công an đã thu giữ nhiều máy móc, tang vật có liên quan đến hành vi trộm cắp và đánh bạc thông qua mạng Internet; đặc biệt cơ quan công an đã tiến hành phong tỏa nhiều tài khoản của các đối tượng trên, có số dư “khủng”.

Vạch trần thủ đoạn trộm tinh vi 

Bước đầu qua công tác điều tra, Bộ công an đã làm rõ về hành vi của băng nhóm người Việt. Cụ thể Văn Tiến Tú thành lập ra nhóm có tên gọi là “Mattfeuter” mà phụ giúp đắc lực nhất là Trương Hải Duy và Lê Văn Kiều. Nhóm này đã liên hệ với các băng nhóm tội phạm mạng, gọi chung là hacker ở các nước, mà phần lớn là ở Anh, Mỹ để mua bán các thông tin thẻ tín dụng mà số hacker này dùng trình độ công nghệ cao chiếm đoạt được. Sau đó nhóm “Mattfeuter” đã rao bán thông tin thẻ tín dụng trộm cắp đó trên 2 trang mạng là www.mattfeuter.biz và www.mattfeuter.com với giá 2 - 20 USD/thẻ tín dụng (tùy theo số tiền có trong các thẻ tín dụng bị đánh cắp) cho những người có nhu cầu, phần lớn cũng ở nước ngoài. Ước tính của cơ quan công an, 2 trang mạng trên có khoảng trên 16.000 thành viên tham gia. Người mua thông tin thẻ tín dụng dạng trộm cắp này để tham gia các hoạt động mua hàng hóa trên thế giới trực tuyến, rất ít khi người mua thông tin thẻ tín dụng dùng để rút tiền mặt chi xài cá nhân.

Tiền từ hoạt động phạm pháp trên, nhóm “Mattfeuter” đã tham gia cờ bạc trên mạng Internet với quy mô cực lớn. Cụ thể chúng thành lập trang web có tên miền www.lode365.com để thầu cá độ bóng đá, lô đề của nhiều đối tượng trong và ngoài nước. Ông trùm Tú giao cho Trần Thị Diệu Hiền đứng ra điều hành mảng cờ bạc. Hiền sử dụng tài khoản ngân hàng của mình để chuyển - nhận tiền thắng thua với các con bạc thông qua hệ thống Internet banking. Trong 8 đối tượng bị bắt giữ có Tú, Duy, Kiều, Kiều Anh… giữ vai trò quan trọng trong việc mua bán thông tin thẻ tín dụng trộm cắp và tổ chức các trang mạng đánh bạc qua mạng Ineternet; còn các đối tượng Dương, Bằng và Chúc được làm rõ và đã khai báo là đã tham gia đánh bạc với số tiền từ vài trăm triệu đến vài tỷ đồng.

Chính vì hoạt động thu lợi bất chính khủng như thế nên các đối tượng trong nhóm “Mattfeuter” đều sắm vai những đại gia, dù còn rất trẻ tuổi. Chúng sử dụng tiền phạm pháp để mua biệt thự sang trọng ở các khu đô thị cao cấp, mua bất động sản khắp nơi, sắm siêu xe lên đến hàng triệu USD để du ngoạn. Trở lại hoạt động mua bán thông tin thẻ tín dụng phạm pháp, Bộ công an xác định công ty Trần Chánh có vai trò đáng kể trong việc trung chuyển đồng tiền. Nhóm “Mattfeuter” đã sử dụng công ty Trần Chánh để nhận tiền từ nước ngoài chuyển về qua hệ thống Western Union và trả phí dịch vụ cho công ty này. Ước tính giao dịch của nhóm “Mattfeuter” và các nhóm tội phạm nước ngoài lên đến gần 2 triệu USD được chuyển về nước, hầu hết đều thông qua dịch vụ của Công ty Trần Chánh.

Liên quan đến đường dây lừa đảo được xem là lớn nhất trên thế giới từ trước đến nay, hiện Bộ Công an Việt Nam nói riêng, và giới chức các nước khác như: Anh, Mỹ… đang trong giai đoạn tiếp tục mở rộng điều tra, làm rõ cũng như áp dụng các biện pháp tố tụng đối với những cá nhân có hành vi vi phạm pháp luật. Riêng tại Việt Nam, các cục nghiệp vụ của Bộ công an đang triệu tập, mời hàng chục đối tượng có liên quan lên làm việc để bắt giữ các chân rết khác của băng nhóm “Mattfeuter”, một trong những tổ chức tội phạm có người Việt tham gia với quy mô, tổ chức chuyên nghiệp nhất, số tiền chiếm đoạt lớn nhất từ trước đến nay.