Đề cử danh hiệu "Công dân Thủ đô ưu tú" năm 2016:

Làm việc tốt để mọi người xích lại gần nhau

ANTD.VN - Sau 10 năm công tác tại Làng trẻ SOS Hà Nội với cương vị giám đốc, giờ đây bà Tạ Thị Ngọc Thanh đã nghỉ hưu. Thế nhưng được sự tín nhiệm của mọi người cùng với tấm lòng yêu thương con trẻ, người phụ nữ đã ngoài thất thập ấy lại tiếp tục đảm nhận trong trách Phó Chủ tịch Hội Khuyến học phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy, Hà Nội. 

Làm việc tốt để mọi người xích lại gần nhau ảnh 1Thói quen của bà Thanh mỗi khi rảnh rỗi là đọc sách 

Làm mẹ của những đứa trẻ bị bỏ rơi

Xuất thân trong một gia đình gia giáo gốc Hà Nội, bà kém may mắn hơn bạn bè vì thiếu vắng tình mẫu tử (mẹ mất khi bà mới 2 tuổi). Tuổi thơ là những ngày theo cha lên An toàn khu học tập. Tốt nghiệp phổ thông năm 1960, bà vào Sư phạm 7+2 rồi tình nguyện ra ngoại thành Hà Nội dạy học, sau đó về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Thanh Trì. 

Với những thành tích trong công tác, năm 1967 bà Ngọc Thanh vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Cho đến năm 1969 bà được cử đi học chuyên ngành Tâm lý giáo dục tại trường Đại học sư phạm Gersen Leningrat (Liên Xô cũ). Tốt nghiệp đại học loại xuất sắc năm 1974, bà về nước công tác tại Ban Tâm lý Viện Khoa học giáo dục, rồi được bổ nhiệm làm Phó ban Nghiên cứu cải cách mầm non, thuộc Bộ Giáo dục.

Hội khuyến học tặng quà cho các cháu thiếu nhi ở tổ dân phố

Năm 1987, tổ chức SOS quốc tế và Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội thành lập dự án xây dựng Làng trẻ SOS Hà Nội để chăm sóc, giáo dục, hướng nghiệp cho trẻ mồ côi không nơi nương tựa, trẻ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Là một người được học tập bài bản về chuyên ngành tâm lý giáo dục, lại nghiên cứu về cải cách mầm non, bà Ngọc Thanh được bà Trần Thị Tâm Đan - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục Thanh thiếu niên và Nhi đồng, khi ấy là Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội đề nghị về làm Giám đốc Làng trẻ SOS. Đồng cảm với những mảnh đời bất hạnh, cộng thêm tình yêu con trẻ, ngay lập tức bà Ngọc Thanh đồng ý.

Nhớ những ngày đầu đảm nhiệm trọng trách tại Làng trẻ SOS, bà Ngọc Thanh tâm sự: “Khi đó tôi vừa trông coi việc xây dựng làng trẻ vừa tổ chức công tác tìm kiếm và đào tạo cán bộ lại vừa khảo sát và tiếp nhận trẻ… chỉ mong thời gian một ngày dài gấp đôi bình thường để mình có thể làm được nhiều hơn…”. 

Khi Làng trẻ SOS mới chỉ hoàn thiện được một nửa, bà bắt đầu khánh thành và đón nhận những hoàn cảnh kém may mắn về đoàn tụ dưới mái nhà chung… Cứ như vậy trong suốt 10 năm, bà dường như san sẻ tất cả mọi tình yêu thương, tận tình dạy dỗ những đứa con “trời cho” dưới mái nhà chung SOS. 

Tuổi già, vẫn “vác tù và hàng tổng”

Trong căn phòng nhỏ, vừa là nơi làm việc cũng là nơi nghỉ ngơi của bà, chiếc giá sách nhỏ với nhiều sách báo, tài liệu về Bác Hồ, mà hầu hết đã ngả màu thời gian, được bà Thanh cẩn thận gìn giữ. Người bạn đời của bà đã mất cách đây chưa lâu sau 20 năm bị tai biến… Trong suốt chừng đó năm trời, bà vừa làm công tác xã hội, vừa làm tròn vai trò người vợ hiền, bất kể trời mưa hay nắng, bà đều dìu ông lên chiếc xe lăn đến nơi làm việc để ông ngồi đó cho đến khi xong hết việc. 

Làm việc tốt để mọi người xích lại gần nhau ảnh 3Bà Thanh giới thiệu về làng trẻ SOS với Đại sứ Na uy (năm 1989)

Sau khi nghỉ hưu ở Làng trẻ SOS, bà Thanh về sinh hoạt Đảng tại địa phương. Đến năm 1999, bà Thanh được Đảng ủy phường Dịch Vọng và nhân dân ở khu dân cư tín nhiệm bầu làm Bí thư Chi bộ số 1B kiêm Tổ trưởng dân phố và Chủ tịch Hội Khuyến học. Cứ thế, trong suốt gần 14 năm với tấm lòng, nhiệt huyết của một đảng viên tận tụy, ngôi nhà của bà không chỉ là nơi hội họp mà còn là “địa chỉ tin cậy” phòng chống bạo lực gia đình của khu phố. 

Bà Thanh kể: “Các con ban đầu thấy tôi làm công tác vậy can ngăn ghê lắm, nói mẹ già rồi ở nhà nghỉ ngơi vui chơi cùng con cháu. Có lần mẹ con còn giận dỗi nhau bởi những việc không liên quan gì đến nhà mình… Các con tôi cứ ví von tôi là ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Thì ra vì uy tín của bà ở tổ dân phố nên hầu như có bất kỳ chuyện gì xảy ra, bà con đều tìm tới để nhờ hòa giải…

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, mới đây bà đã đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời với mong muốn dành tặng một phần cơ thể mình để mang lại ánh sáng cho người khác. Mỗi năm bà cũng dành hơn 20 triệu đồng để đỡ đầu 12 cháu nhỏ (1,2 triệu đồng/cháu/ năm) và ủng hộ những địa phương bị thiên tai. Bà tâm niệm “làm từ thiện không phải chỉ bỏ ra ít vật chất mà quan trọng hơn là để mọi người xích lại gần nhau, biết sẻ chia và quan tâm đến nhau”. Đối với bà, làm việc không phải vì những tấm Bằng khen, Giấy khen, Kỷ niệm chương mà vì lợi ích của tập thể và niềm vui của mọi người.