“Làm tốt nhất chế độ, chính sách cho những cán bộ chiến sỹ tham gia chuyên án 027Z”
(ANTĐ) - Sau bài báo “Chuyên án 027Z và những hy sinh thầm lặng” trên ANTĐ, nhiều cơ quan báo chí cũng như các nhà khoa học đã vào cuộc, tranh luận về nguyên nhân gây bệnh cho các CBCS, mức độ nguy hiểm của cục Uran - tang vật vụ án, đặc biệt về chế độ, chính sách cho những người trong cuộc...
Đây cũng là chủ đề tại buổi hội nghị giữa các cơ quan báo chí, các nhà khoa học, các đơn vị của Bộ Công an và Bộ LĐ-TB&XH do Tổng cục XDLL tổ chức hôm qua, 30-8. Thiếu tướng Lê Quý Vương - Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL chủ trì hội nghị.
Cục Uran nguy hiểm đến mức nào?
Một số cán bộ chiến sỹ tham gia chuyên án 027Z xem lại hồ sơ vụ án. |
Có lẽ, người có nhiều “tâm trạng” nhất tại buổi hội nghị này là ông Ngô Đặng Nhân - Cục trưởng Cục An toàn bức xạ và hạt nhân (gọi tắt là Cục An toàn-PV). Ngoài một số nhân viên của Cục An toàn, điều bất ngờ và khiến các đại biểu khá... giật mình là ông Nhân mang đến cả cục Uran, tang vật vụ án năm xưa. “Tôi muốn chứng minh và muốn mọi người biết sự thực về cục Uran này”.
Ngay sau đó, các nhân viên kỹ thuật của Cục An toàn tiến hành xét nghiệm. Tất cả các thiết bị được đem đến, theo ông Nhân: “Đều được kiểm chuẩn tại phòng thí nghiệm chuẩn liều lượng cấp II quốc gia”.
Trọng lượng cục Uran nặng 4,67kg. Khi máy đo được gí sát bề mặt cục Uran, tín hiệu máy báo có phản ứng phóng xạ. Tuy nhiên, ông Nhân thông báo ngay những thông số như: “Với loại bức xạ anpha, số liệu đo là 0,037Bq/m2, trong khi giới hạn cho phép mà thế giới quy định là 4Bq/m2; với beta, số liệu đo là 0,49Bq/m2, trong khi giới hạn cho phép mà thế giới quy định là 40Bq/m2. Với các tia gamma, số liệu đo được cho thấy, người đứng cách hiện vật 1 mét gần như không chịu một liều chiếu xạ bổ sung nào, ngoài liều bình thường mà bất cứ ai sống trên Trái đất này cũng phải chịu”.
Ông Nhân khẳng định: “Kết quả đo đạc, đánh giá mẫu vật cho thấy, đây là cục Uran nghèo. So sánh với mức giới hạn cho phép, đối với nhân viên làm việc trong ngành năng lượng nguyên tử là 20mSv thì liều phóng xạ mà các chiến sỹ công an nhận nhỏ hơn 20 lần”.
Một vấn đề được quan tâm, là sự khác nhau giữa kết quả giám định mẫu vật (cục Uran) - do Viện KHKT Hình sự Bộ Công an thực hiện năm 1995, với kết quả mà ông Nhân công bố. Ông Ngô Đặng Nhân khẳng định, từ trước đến nay, tại Việt Nam chỉ có 2 cơ quan được giao chịu trách nhiệm về vấn đề này, là Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (dưới Viện này có nhiều cơ quan trực thuộc-PV), và Cục Kiểm soát an toàn bức xạ hạt nhân.
Thời điểm năm 1995, theo ông Nhân, phương tiện kỹ thuật cũng như yếu tố con người của ngành Năng lượng nguyên tử Việt Nam chưa được hoàn thiện như hiện nay. Kết quả giám định của Viện KHKT Hình sự - Bộ Công an chỉ mang tính sơ bộ. Và tại phiên tòa xét xử các đối tượng vận chuyển cục Uran, cơ quan tố tụng đã sử dụng kết quả giám định số 119 ngày 11-8-1995 của Trung tâm Kỹ thuật an toàn bức xạ để xử về tội danh: “Kinh doanh, tàng trữ, buôn bán trái phép chất phóng xạ”.
Một vấn đề khác được nêu ra, là nguồn phóng xạ của cục Uran liệu có “bay hơi” sau 12 năm? Ông Nhân khẳng định: “Điều này không thể, bởi chu kỳ bán rã của Uran là 4,5 tỷ năm”. “Chúng tôi rất cảm thông, đồng cảm với những CBCS tham gia chuyên án 027Z năm xưa. Tuy nhiên, mọi vấn đề phải được đánh giá từ góc độ khoa học chứ không thể cảm tính. Việc kết luận các chiến sỹ công an không bị ảnh hưởng gì bởi cục Uran cũng không được, ít nhất là về mặt đạo đức. Vì vậy theo tôi, cần nhanh chóng làm rõ nguyên nhân gây bệnh trong vụ án này” - ông Nhân đề nghị.
“Làm tốt nhất mọi chế độ có thể”
Cục Uran tang vật |
Thay mặt Ban Giám đốc CATP Hà Nội, Đại tá Trần Long Xuyên - Phó Giám đốc CATP cho biết, CATP đã kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét chế độ chính sách cho 39 CBCS tham gia chuyên án 027Z. 12 năm qua, những CBCS trên đều được sự quan tâm của Bộ Công an và CATP, tạo điều kiện cho đi điều dưỡng, trị bệnh.
Tuy nhiên trong 2 năm trở lại đây, diễn biến bệnh có biểu hiện phức tạp ở một số đồng chí, trong đó nặng nhất là Thượng tá Lê Quý Dương - Phó trưởng phòng Tổ chức cán bộ, nguyên Phó trưởng CAQ Hai Bà Trưng thời điểm phá chuyên án 027Z.
Đồng chí Dương bị ung thư đã phải xạ trị lần thứ 4. Toàn bộ kinh phí điều trị hơn 100 triệu đồng đều do CATP hỗ trợ. Mới đây, Ban Giám đốc CATP Hà Nội đã kiến nghị các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để xác định nguyên nhân gây bệnh cho 39 CBCS. Đặc biệt từ ngày 29-8-2007, trên cơ sở đề xuất của CATP, Bệnh viện Bạch Mai bắt đầu tổ chức khám cho 39 CBCS, dự kiến trong khoảng 1 tuần sẽ xong.
Một thông tin đáng chú ý được ông Ngô Đặng Nhân thông báo tại hội nghị là Bộ trưởng Bộ Khoa học công nghệ vừa gửi công văn đề nghị các Bệnh viện 108, Bạch Mai, Viện K... tổ chức khám cho các CBCS và Bộ Khoa học công nghệ sẽ hỗ trợ kinh phí.
Phát biểu kết thúc hội nghị, Thiếu tướng Lê Quý Vương - Tổng cục trưởng Tổng cục XDLL nhấn mạnh với các đơn vị, cơ quan tham dự những biện pháp cần sớm thực hiện. Đó là Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Công an cần phối hợp với CATP Hà Nội, Bệnh viện 19-8... có kế hoạch cụ thể khám, kiểm tra sức khỏe toàn diện cho 39 CBCS, kể cả những người đã chuyển ngành nếu có nhu cầu. Vấn đề thứ hai, CATP cần phối hợp với cơ quan chuyên ngành nhanh chóng xác định nguồn bệnh có phải do chất phóng xạ gây nên không? Mức độ ảnh hưởng như thế nào...
Thiếu tướng Lê Quý Vương nhấn mạnh: “Quan điểm của Bộ Công an là kể cả trường hợp các CBCS không phải nhiễm xạ, thì Bộ Công an vẫn thực hiện trách nhiệm quan tâm, chăm sóc, điều trị cho 39 CBCS”.
"Qua vụ việc này, Bộ Công an sẽ rà soát quy định, đề xuất, kiến nghị với Nhà nước bổ sung chế độ chính sách với hoạt động đặc thù, cũng như trang bị phương tiện làm việc, chiến đấu cho CBCS trong tình hình mới. Đề nghị Cục Y tế - Bộ Công an và Bệnh viện 19-8 sớm hoàn thành bệnh án từng CBCS, trên cơ sở đó đề xuất chính sách theo quy định, và từng đơn vị được phân công nhiệm vụ phải làm hết khả năng của mình, đảm bảo sự ổn định về tư tưởng cũng như các vấn đề khác đối với CBCS tham gia chuyên án 027Z” - Thiếu tướng Lê Quý Vương nói.
Hoàng Quân