Làm thế nào để thoát nạn an toàn khi cháy nhà cao tầng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Thoát nạn an toàn khi xảy cháy chung cư, nhà cao tầng đòi hỏi kỹ năng cũng như kiến thức tốt về an toàn phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Cùng với đó là tâm lý bình tĩnh, để xử lý tình huống khi sự cố hỏa hoạn xảy ra...
Vụ cháy một căn hộ trên chung cư cao cấp ở quận Hai Bà Trưng

Vụ cháy một căn hộ trên chung cư cao cấp ở quận Hai Bà Trưng

Vậy, để an toàn trong những trường hợp khẩn cấp, người dân cần phải làm gì và làm như thế nào?... sẽ được lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo.

Tiềm ẩn nguy cơ cháy

Chúng ta chưa thể quên vụ cháy xảy ra khoảng 22h, ngày 8-11-2020, tại 1 căn hộ trong một chung cư cao cấp ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội. Ngọn lửa bùng lên tại khu vực ban công căn hộ tầng 19, tòa chung cư. Khi xảy cháy, hàng nghìn người dân đã hoảng loạn tháo chạy xuống dưới sân của toà nhà. Được biết, trong khi thoát nạn nhiều người chen lấn xô đẩy dẫn đến bị ngã. Rất may không xảy ra thương vong cho ai...

Trước đó, ngày 23-3-2018, tại chung cư Carina Plaza - ở Quận 8, TP. HCM làm 13 người chết. Đặc điểm nổi bật trong các vụ cháy chung cư là số lượng người đông, với độ tuổi khác nhau, tình trạng sức khoẻ, cơ thể khác nhau, nên sẽ có nhiều khó khăn phức tạp trong công tác cứu nạn từ các tầng cao xuống đất, đặc biệt là đối với người già, trẻ nhỏ, người khuyết tật, phụ nữ mang thai... Điều đó đã cho thấy tính chất nguy hiểm và diễn biến phức tạp của đám cháy xảy ra tại các tòa nhà, chung cư cao tầng và "siêu" cao tầng.

Theo thống kê của CATP Hà Nội, hiện nay, trên địa bàn thành phố có khoảng 3.128 tòa nhà cao tầng đã và đang được đưa vào hoạt động với nhiều loại hình đa dạng như chung cư, văn phòng, khách sạn, trung tâm thương mại…

Những tòa nhà này ngoài nhiều tầng, có nhiều công năng kết hợp, còn tồn tại khối lượng chất cháy lớn và đa dạng, kèm theo đó là thường xuyên tập trung đông người, nên tiềm ẩn nguy cơ gây mất an toàn về PCCC và cứu nạn, cứu hộ (CNCH).

Vì vậy, việc đảm bảo an toàn PCCC, quá trình thoát nạn trong vụ cháy cho người sinh sống, làm việc trong các tòa nhà này đã và đang là yêu cầu hết sức cấp thiết, cần phải có các biện pháp, giải pháp để hạn chế tối đa nguy hiểm do cháy, nổ gây ra.

Theo chỉ huy Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội: “Việc đa dạng các công năng sử dụng, người sinh hoạt, làm việc đồng nghĩa với tập trung nhiều chất cháy có tính nguy hiểm cao là hàng hóa tiêu dùng gia dụng, vật liệu xây dựng, vật trang trí, nhất là ở khu vực trung tâm thương mại. Đó là chưa nói đến các dịch vụ như phòng chiếu phim, biểu diễn ca nhạc, sân khấu, nhà hàng... Do đó, khi xảy ra cháy có thể sinh nhiệt độ cao và nhiều sản phẩm cháy độc hại, đe doạ tính mạng con người trong các khu vực đó”.

Ngoài ra, đối với những toà nhà có các tầng hầm và tầng nửa hầm, thường bố trí gara để xe, trạm biến áp, trạm máy phát điện diesel... Tại các khu vực này, khi có cháy xảy ra thì đám cháy phát triển nhanh, tạo ra nhiều sản phẩm cháy độc hại và lan truyền nhanh lên các tầng nổi phía trên qua các chỗ hở thông tầng, cầu thang hở, giếng kỹ thuật... gây nguy hiểm cho người sử dụng.

Người dân ở chung cư tại quận Hai Bà Trưng hoảng loạn do một căn hộ phát cháy tại tầng 19

Người dân ở chung cư tại quận Hai Bà Trưng hoảng loạn do một căn hộ phát cháy tại tầng 19

Trong các toà nhà này có hệ thống giao thông như hành lang, cầu thang, các trục kỹ thuật thông tầng… nếu không đảm bảo các yêu cầu về an toàn phòng cháy, bảo vệ chịu lửa và chống cháy, có thể trở thành các "kênh" dẫn khói và sản phẩm cháy độc hại đe doạ tính mạng con người đang ở bên trong.

Kỹ năng thoát nạn

Theo chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội, việc thoát nạn trong đám cháy ở chung cư, nhà cao tầng không khó khăn nếu mọi người bình tĩnh. Hơn nữa, người thoát nạn phải xác định đám cháy đang ở khu vực tầng nào, hoặc hầm nào thì sẽ không bị hoảng loạn trong khi thoát nạn.

“Thoát nạn là quá trình tự di chuyển có tổ chức của người từ nơi tồn tại các yếu tố nguy hiểm của đám cháy, di dời ra nơi an toàn. Thoát nạn còn là sự di chuyển không tự chủ của nhóm người ít có khả năng vận động do các nhân viên phục vụ hỗ trợ thực hiện. Thoát nạn được thực hiện theo các đường thoát nạn qua các lối ra an toàn. Như vậy, quá trình thoát nạn có thực hiện được hay không?... phụ thuộc bởi những người có mặt tại thời điểm cháy có đủ bình tĩnh để quan sát các hướng dẫn thoát nạn có sẵn trong toà nhà hay không”- Chỉ huy Phòng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội chia sẻ.

Sở dĩ yêu cầu người thoát nạn phải bình tĩnh bởi khi đám cháy xuất hiện, nhiều mối nguy hiểm đe dọa trực tiếp đối với sức khoẻ và tính mạng con người nó sẽ khác với lúc bình thường khi chưa xảy ra vụ cháy.

Không phải ai cũng đã trực tiếp chứng kiến sự nguy hiểm của đám cháy, cũng như có kinh nghiệm thoát nạn từ đám cháy, tuy nhiên về bản năng phần lớn mọi người đều có phản xạ muốn bảo toàn tính mạng và sức khoẻ khi gặp sự cố cháy, nổ.

Bởi vậy, khi nhận được thông tin về cháy, quá trình thoát nạn của từng người hoặc cả nhóm người sẽ mang tính đồng thời và có hướng chuyển động rõ rệt từ trong ra ngoài. Nếu các lối và đường thoát nạn trong các tòa nhà hẹp, khả năng lưu thông hạn chế sẽ tạo nên mật độ dòng người lớn trên đường thoát nạn và các lối ra.

Vụ hoả hoạn xảy ra trên tầng cao tòa chung cư

Vụ hoả hoạn xảy ra trên tầng cao tòa chung cư

Trong quá trình thoát nạn, thực tế có mâu thuẫn rằng khi mọi người càng muốn rời khỏi phòng hoặc nhà bị cháy nhanh bao nhiêu, thì thời gian để làm được việc đó cũng càng kéo dài thêm. Mặc dù có thể những người bị nạn ý thức được điều đó, nhưng do tâm lý lo sợ, bất chấp tất cả để chạy nên càng khiến sự ùn tắc tăng lên. Sự chênh lệch về tốc độ chuyển động ở những ngã rẽ, trên cầu thang bộ có thể gây ra hiện tượng xô ngã, kéo đổ dòng người.

Để đảm bảo an toàn khi thoát nạn, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CATP Hà Nội khuyến cáo: “ Khi thiết kế nhà cao tầng, "siêu" cao tầng cần đảm bảo thực hiện đúng các yêu cầu, giải pháp về kết cấu, quy hoạch đối với khả năng chịu lửa của tòa nhà, ngăn chặn cháy lan,cháy lối thoát nạn, đường thoát nạn, cầu thang bộ thoát nạn, tầng ngăn cháy, gian lánh theo tiêu chuẩn, quy định.

Yêu cầu phải có tại các tòa nhà cao tầng là các giải pháp hỗ trợ thoát nạn như hệ thống chiếu sáng, thoát khói hành lang, tăng áp buồng thang bộ; thiết kế và lắp đặt các đèn chỉ dẫn thoát nạn, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn trên các đường thoát nạn trong toà nhà.

Chuẩn bị sẵn sàng phương án thoát nạn và các biện pháp tác động tâm lý đối với các cơ sở có tập trung đông người, tổ chức diễn tập định kỳ theo kế hoạch, đặc biệt lưu ý hỗ trợ thoát nạn cho những người yếu thế (người cao tuổi, trẻ nhỏ, phụ nữ mang thai, người bệnh, người khuyết tật).

Trong quá trình hoạt động, vận hành sử dụng, cơ sở phải thực hiện tốt các biện pháp phòng cháy, đảm bảo hạn chế tối đa khả năng xuất hiện cháy, nổ tại cơ sở đối với những gian phòng có nguy hiểm cháy, nổ. Thường xuyên thực hiện công tác tự kiểm tra về an toàn PCCC tại cơ sở và phối hợp với cán bộ kiểm tra về PCCC khi có kế hoạch. Đặc biệt, cần phát hiện và loại bỏ các vật cản trên lối, đường thoát nạn; kiểm tra, bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các thiết bị chiếu sáng gặp sự cố, hệ thống biển báo, biển chỉ dẫn, đèn exit, sơ đồ chỉ dẫn thoát nạn không hoạt động.

Người dân cần tuân thủ theo các hướng dẫn về kỹ năng thoát nạn từ các cơ quan chuyên môn về PCCC&CNCH. Đối với việc sử dụng các phương tiện tự cứu được trang bị trong nhà như thang dây, dây thả chậm qua ban công... thì các phương tiện này phải được kiểm định bởi các cơ quan chức năng, đồng thời việc sử dụng các phương tiện này phải được hướng dẫn từ các cơ quan chuyên môn về PCCC&CNCH. Vội vã sử dụng trong khi chưa được tập huấn, hướng dẫn và kiểm duyệt chất lượng sẽ dẫn đến nguy hiểm tính mạng.