Mở lối thoát nạn ở "chuồng cọp", đảm bảo an toàn PCCC cho người dân

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

ANTD.VN - Chỉ xảy cháy mới thấy rõ hiểm họa khôn lường từ việc dựng “chuồng cọp” kín ban công,  không để lối thoát nạn. Đã có nhiều vụ cháy gây thiệt hại về người và tài sản do lồng sắt làm chậm trễ việc tiếp cận tìm kiếm cứu nạn, người mắc kẹt.

Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn và có phương án thoát nạn trong gia đình

Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn và có phương án thoát nạn trong gia đình

Để có giải pháp an toàn về lối thoát nạn nhưng vẫn ngăn chặn được trộm đột nhập, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên, Hà Nội đã chủ động tăng cường các biện pháp, hướng dẫn người dân giải pháp an toàn PCCC, trong đó có nội dung l lồng sắt thế nào để an toàn...

Mở lối thoát nạn cho chính mình

Trong sinh hoạt bình thường, những lồng sắt bảo vệ ban công ngôi nhà, hay còn gọi là “chuồng cọp” sẽ mang lại cảm giác an toàn.

Nhưng việc làm đó chỉ có tác dụng chống người lạ đột nhập từ ngoài vào trong và ngược lại.

Tuy nhiên, đối với công tác an toàn PCCC và CNCH thì đây là hiểm họa khôn lường, một cách tự giết mình khi có cháy xảy ra.

Làm lồng sắt để tăng diện tích, không gian sử dụng và chống trộm độ nhập luôn là lựa chọn của người dân ở đô thị. Tại mỗi khu chung cư, nhà dân xây mới gần như đều được gia chủ lắp đặt thêm hạng mục này.

Điều đáng nói là đã có hàng trăm vụ hỏa họa xảy ra, nhưng gia chủ đã không biết thoát nạn như thư thế nào và thoát lối nào khi khói và lửa đang nung nóng, mù mịt khắp nơi, đe dọa đến tính mạng bởi lối duy nhất có thể thoát ra ở thời điểm này là ban công, hoặc tầng thượng thì đã bị bịt bằng "chuồng cọp".

Sự chậm trễ trong việc thoát nạn khỏi đám cháy đã rất nguy hiểm, chưa nói đến việc không còn lối thoát...

“Thử hình dung khi nhà có lồng sắt mà không mở lối thoát nạn, không khác gì con chim bị nhốt trong lồng. Nó chỉ ra được khi có người mở cửa lồng, còn không thì chỉ bất lực ở trong đó. Lồng sắt cũng vậy, khi không may xảy cháy khói và lửa bao trùm ngày một lớn, nhưng người đang mắc kẹt ở trong phải chờ lực lượng cứu nạn cắt phá lồng sắt mới có thể đưa ra ngoài được. Việc chạy đua với tử thần cận kề như vậy còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố như không gian, địa điểm có dễ dàng khi lực lượng cứu nạn tiếp cận. Chính vì vậy, biện pháp an toàn cho chính mình là hàn lồng sắt, nhưng phải mở cánh cửa làm lối thoát nạn, để khóa ở nơi dễ lấy mà tất cả trong gia đình đều biết và luôn có phương án phù hợp đặt ra đối với gia đình mình, như vậy sẽ an toàn”- Trung tá Nguyễn Đức Thiêm, Phó trưởng CAQ Long Biên phân tích.

Còn nhớ, cách đây 4 năm đã xảy ra vụ cháy tại ngõ 41 phố Vọng, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội khiến 3 người bên trong ngôi nhà bị mắc kẹt.

Khi tới hiện trường, Phòng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ đã triển khai các biện pháp cứu nạn và dập lửa. Đồng thời tiếp cận tầng 3, cắt lồng sắt phía ban công cứu được 1 người...

Theo báo cáo của lực lượng Công an, ngôi nhà bị cháy có diện tích khoảng 60m2, xây 4 tầng. Các tầng 2, 3, 4 hàn "chuồng cọp" bịt kín phía ngoài ban công. Các nạn nhân bị mắc kẹt bên trong không thể thoát ra ngoài, công tác cứu hộ, cứu nạn gặp nhiều khó khăn.

Khi Cảnh sát phòng cháy chữa cháy có mặt, việc tiếp cận vào các tầng cũng bị cản trở bởi hệ thống lồng sắt quá kiên cố. Lực lượng này phải dùng thang leo lên các tầng, sử dụng kìm cộng lực để cắt bỏ các thanh sắt, tạo lối tiếp cận cứu thoát 1 nạn nhân.

Vụ cháy gây tử vong 2 người do bịt lồng sắt, nạn nhân không thoát ra được xảy ra tại phố Vọng, quận Hai Bà Trưng

Vụ cháy gây tử vong 2 người do bịt lồng sắt, nạn nhân không thoát ra được xảy ra tại phố Vọng, quận Hai Bà Trưng

Đến nhà hướng dẫn người dân tạo lối thoát hiểm

Các phương án thoát nạn trong gia đình khi xảy cháy như thế nào? Đây là lý do lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC - CNCH), Công an quận (CAQ) Long Biên triển khai rà soát, kiểm tra và đến từng hộ dân hướng dẫn biện pháp làm lối thoát nạn thế nào để an toàn, lắp lồng sắt sao cho phù hợp với điều kiện từng gia đình.

Để hạn chế đến mức thấp nhất các nguy cơ cháy, nổ và thiệt hại do cháy, nổ gây ra, ngày 19 tháng 10 năm 2021, Ủy ban nhân dân quận Long Biên đã ban hành công văn 1972/UBND-CA về nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, kiểm tra PCCC - CNCH đối với khu dân cư, nhà ở hộ gia đình, nhà ở kết hợp sản xuất kinh doanh, trong đó có nội dung tuyên truyền, vận động các hộ gia đình mở lối thoát hiểm tại các vị trí lắp đặt lồng sắt trong nhà, nhằm tăng khả năng thoát nạn khi có sự cố cháy nổ xảy ra.

Thượng úy Trần Mạnh Nguyên, cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên cho biết: “Qua khảo sát một số gia đình ở nhà ống, nhà ở kết hợp kinh doanh, chúng tôi nhận thấy những nhà có lối thoát hiểm hai đầu và có trang bị bình chữa cháy chủ yếu là các hộ kinh doanh, còn đa số những hộ chỉ để ở đều chưa có lối thoát hiểm ở nơi hàn lồng sắt. Đây là nguy cơ tiềm ẩn cũng là khó khăn trong công tác cứu hộ, thoát nạn khi không may có vụ cháy xảy ra”.

Để đạt mục tiêu 100% hộ xây nhà ống có lồng sắt bảo vệ, hộ xây nhà ở kết hợp kinh doanh có lối thoát hiểm hai đầu, quận Long Biên đã chủ động các biện pháp tuyên truyền, khuyến cáo người dân nên làm cửa thoát nạn và để chìa khóa ở nơi dễ lấy.

Các hộ dân liền kề nên cùng nhau xây dựng phương án để tạo lối thoát hiểm ở ban công từ nhà này sang nhà khác, khi xảy ra cháy có thể trợ giúp nhau.

Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn tại ban công gia đình

Cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên hướng dẫn người dân mở lối thoát nạn tại ban công gia đình

Ngoài việc tuyên truyền, lan tỏa đến mọi người dân nâng cao ý thức phòng ngừa cháy nổ, lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên đã hướng dẫn người dân tự mở lối thoát nạn.

Với chuyên đề “Mở lối thoát nạn từ chuồng cọp” giao cho từng CBCS phụ trách địa bàn để phối hợp cùng tổ trưởng dân phố, hội phụ nữ, hội cựu chiến binh tuyên truyền, lập phương án thoát nạn cho gia đình là việc cần làm ngay.

Nhiều gia đình đã thay đổi nhận thức, sửa sai để tự cứu chính mình. Song cũng có nhiều gia đình còn lơ là, chủ quan chưa coi trọng nên vẫn để lồng sắt mà không mở lối thoát nạn.

“Chúng tôi chỉ có thể tuyên truyền đến người dân và chỉ rõ tồn tại, nguyên nhân dẫn đến ngạt khói nếu bịt lối thoát nạn bằng lồng sắt, điều quan trọng nhất vẫn là người dân phải chủ động nâng cao ý thức, trách nhiệm trong việc phòng, chống cháy, nổ và phải tính toán và xây dựng phương án thoát nạn cho chính gia đình mình”- cán bộ Đội Cảnh sát PCCC và CNCH - CAQ Long Biên cho biết.