Làm thật để sống được với nghề

ANTĐ - Hơn 20 năm nay, miến làng Đầm thuộc xã Liêm Tuyền (Thanh Liêm - Hà Nam) đã len lỏi khắp các tỉnh thành trên cả nước, có mặt ở khắp các hàng quán, mâm cơm gia đình. Nhưng ít ai biết được rằng, để có được những sợi miến trắng ngần mỏng manh ấy, người làng Đầm đã phải đổ biết bao mồ hôi công sức và cả nước mắt từ làn khói nồi bánh tráng.

Miến làng Đầm trở thành đặc sản được cả nước ưa chuộng

Từ thành phố Phủ Lý, chúng tôi đi dọc triền đê của dòng Châu Giang quanh năm đỏ nặng phù sa bồi đắp cho bãi mía bờ dâu, vùng chiêm trũng mùa này như khoác một chiếc áo xanh màu non tơ, huyền bí. Cậu bạn người bản địa khẽ rỉ tai: “Về làng Đầm xem “vàng trắng”, ấy là miến dong - một loại miến đang rất có giá trị”.

Về làng Đầm, được “mục sở thị”, người ta mới biết thế nào là “vàng trắng” khi những chiếc xe tải của các thương lái xếp hàng dài vài trăm mét chờ những phên miến khô giòn đến độ để đưa đi bán cho các đại lý tận miền Đông Nam bộ. Anh Trần Đại Hải - một thương lái người Đồng Tháp cho hay: “Miến làng Đầm ngon có tiếng, mua bao nhiêu cũng “cháy hàng”, không biết người làng này có bí quyết gì mà miến ngon đáo để”.

“Chúng tôi nào có bí quyết gì đâu, chẳng qua miến ngon là ở cách thức pha bột truyền thống mà dân gian vẫn làm, có đi chăng nữa là ở đôi bàn tay khéo léo và sự cần cù của người làng Đầm mà thôi” – ông Đỗ Văn Lăng, một người có thâm niên trong nghề làm miến bày tỏ.

Gọi “hồn” cho miến

Để có được một sản phẩm miến hoàn hảo, phải trải qua rất nhiều công đoạn. Đầu tiên là khâu chọn nguyên liệu, phải chọn chất bột trắng đã được sấy khô ép từ củ dong rừng hoặc bột đao lấy tận Lai Châu. Sau một thời gian khi bột dong được ủ đủ độ, người ta cho vào một cái thõng to có đường kính khoảng 2m, xả nước mưa được hứng từ một chiếc bể lớn vào thõng cho ngập bột. 

Khi bột và nước hoà với nhau thành một dung dịch trắng như sữa thì dùng mô tơ điện có lắp cánh quạt, thả xuống thõng khuấy đều tạo bọt nổi – còn người dân nơi đây quen gọi là khâu “gọi hồn” cho miến. Trước đây, khi chưa có các thiết bị hiện đại phục vụ cho khâu “gọi hồn”, người làng Đầm phải “hò” nhau dùng những cây gậy to cứng để khuấy rất mất thời gian, còn bây giờ mọi việc có vẻ nhẹ nhàng nhàn hạ hơn.

Ông Lăng cho biết, càng thay nước nhiều lần, sản phẩm miến thu được càng có màu trắng sáng, thơm dịu. Tuy nhiên nhiều nơi, nhiều người lại thích ăn những loại miến có màu mộc, ngà vàng hay ngà đỏ… thì người làng Đầm phải “bắt mạch” khẩu vị để điều chế thay nước cho hợp lý.

Công đoạn phức tạp nhất đó là tráng miến, sau khi “gọi hồn”, những chất bột tinh tuý nhất sẽ nổi lên mặt nước như người dân làng nghề gọi một cách hóm hỉnh là “hiện hồn”, người ta dùng gáo sạch vớt bột ra cho vào một cái nồi lớn để tráng với nhiệt độ vừa phải. Khâu này chỉ có người phụ nữ mới đủ khéo léo để “vận hành”, bởi chỉ cần sơ sảy một chút coi như một mẻ miến “đi tong” với bao mồ hôi công sức.

Bột tráng chín được trải phẳng lên một chiếc khuôn phên dài khoảng 3m, phơi đến khi nào khô quăn lại mới đạt tiêu chuẩn. Cuối cùng, cho miến vào máy cắt sao cho đều và phơi khô hẳn, sau đó mới đóng hàng chuyển cho các thương lái đến khắp các vùng trong nước. 

Mỗi ngày, làng Đầm làm ra hàng chục tấn miến...

Sợi miến - sợi tình

Theo thống kê sơ bộ, mỗi ngày làng Đầm sản xuất không dưới 10 tấn miến. Còn vào dịp lễ tết, 10 tấn chỉ là một con số rất nhỏ nhoi để có thể đáp ứng cho thị trường từ Nam ra Bắc. Ông Vũ Quốc Đoàn - Chủ tịch UBND xã Liêm Tuyền cho biết: “Sẽ tạo tối đa điều kiện cho làng nghề có thể hoạt động hết “công suất”, vì nghề làm miến đem lại hiệu quả và thu nhập cao gấp nhiều lần so với trồng lúa…”.

Tuy nhiên, người làng Đầm không vì yếu tố lợi nhuận mà làm miến một cách hời hợt. Hàng ngàn, hàng vạn sợi miến tất cả đều có hồn và đặc biệt nó còn thể hiện tình cảm chân thành của người làng nghề quanh năm “bán mặt cho bếp, bán lưng cho nắng trời” để đến nỗi người làng Đầm, mắt ai cũng “mờ mờ, ảo ảo” như một “đặc trưng” nghề nghiệp.

Chị Nguyễn Thị Hoa - chủ một cơ sở làm miến có tiếng bày tỏ: “Mặc dù công việc vất vả, nhiều khi rủi ro vì thời tiết không thuận lợi, cả tấn miến bị mốc phải đổ cho cá ăn, nhưng chúng tôi xác định mỗi sợi miến là bấy nhiêu tình cảm người làng Đầm nên yếu tố chất lượng luôn được coi trọng”. Chính vì thế, từ khi “khai nghiệp” đến nay không biết bao nhiêu tấn miến làng Đầm đã bị “tiêu huỷ” nhưng càng thăng trầm sóng gió nhiều thì sự cẩn thận cũng như niềm tin của người dân đối với miến làng Đầm càng bền chặt. Bà Vi Thị Hảo - một khách du lịch người Quảng Ninh cho hay: “Nghe tiếng miến làng Đầm đã lâu, giờ mới có dịp ghé qua, nhân thể mua chút về làm quà cho bạn bè”.

Cứ thế, “tiếng lành đồn xa” cho đến nay thì khắp Bắc - Trung - Nam, miến làng Đầm “góp mặt” như một món ăn dân dã không thể thiếu, chí ít là trong các đám hiếu hỷ vùng nông thôn. Được biết, nhiều Việt Kiều về nước cũng cố tìm mua cho được cân miến làng Đầm để giới thiệu với bạn Tây như một món đặc sản dân tộc, hay như để cho con cháu họ nhớ món ăn của quê hương. 

...với cách sản xuất truyền thống rất kỳ công

Đã có khi nào bạn ăn một bát miến ngan hay gà ở một nhà hàng sang trọng hay ở một quán bình dân nào đó. Hương thơm của miến, sự đậm đà của nước cốt…tất cả đều gợi cho ta nhớ về một cái gì đó xa xăm, mơ hồ lắm. Đó chí ít cũng là chút tình quê hay phảng phất tình cảm chân thành của những người dân lam lũ khó nhọc làng Đầm, như một sự đánh đổi giữa những giọt mồ hôi để lấy những sợi miến trắng mỏng - những “sợi tình” bền chặt.