Làm sách danh nhân không thể cẩu thả và vô trách nhiệm

ANTĐ - Liên quan đến chuyện “Lấy nhân vật hoạt hình ngoại lai làm chân dung danh tướng Việt Nam” đang gây xôn xao dư luận, hôm qua 9-12, phóng viên Báo ANTĐ đã tiếp tục liên lạc với đại diện đơn vị xuất bản, Cục Xuất bản cũng như các nhà nghiên cứu sử học để làm rõ hơn về cuốn sách này. 

Làm sách danh nhân không thể cẩu thả và vô trách nhiệm ảnh 1Các vị anh hùng mang dáng dấp nhân vật… kiếm hiệp Tàu

Minh họa thì không cần chính xác? 

Lấy những hình ảnh nhân vật hoạt hình, truyện tranh hay những hình tượng từa tựa nhân vật… game online để minh họa chân dung các vị danh tướng, sự dễ dãi đến nực cười trên lại nằm trong cuốn sách với nội dung nghiêm túc “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc”, cuốn sách vừa được phát hành rộng rãi cách đây chưa lâu. Nhất là khi cuốn sách trên lại do NXB Văn hóa – Thông tin, Công ty sách Tân Việt và Trung tâm Dịch thuật, Dịch vụ văn hóa và Khoa học - công nghệ thực hiện, được in với số lượng 2.000 cuốn, giấy phép xuất bản số 527 – 2014/CXB/45 – 21/VHTT. 

Dù cho các chi tiết “khó hiểu” trong cuốn sách rất rõ ràng nhưng khi trao đổi với PV Báo An ninh Thủ đô, ông Lê Tiến Dũng - Phó Giám đốc phụ trách NXB Văn hóa – Thông tin một mực cho rằng, không thấy có sự phản cảm hay vấn đề gì với những hình minh họa đó. Theo ông Lê Tiến Dũng thì tranh minh họa chỉ mang tính ước lệ chứ không thể yêu cầu chính xác (?!). Khi được hỏi vì sao các vị danh tướng lại được khoác lên mình vẻ ngoài chẳng khác gì nhân vật trong kiếm hiệp Tàu, hoặc chi tiết Lý Thường Kiệt được… gắn thêm râu hay “Tây Sơn ngũ phụng thư” – 5 vị nữ anh hùng thời Tây Sơn được minh họa bằng hình ảnh 5… thiếu nữ trong hoạt hình Nhật Bản, ông Dũng cho biết: “Tôi cho rằng đó là sự suy diễn. Họa sỹ làm thế để cho nhân vật sinh động và oai phong lẫm liệt hơn. Chứ hồi trước Lý Thường Kiệt làm gì có ảnh”. Cũng theo ông Lê Tiến Dũng: “Cuốn sách trên để tham khảo, để đọc chứ không phải… giáo trình” và nhấn mạnh “nếu báo chí còn suy diễn và vội vã kết luận, quy chụp thì sẽ khởi kiện”. 

Có lẽ những người làm sách đã cố tình không hiểu rằng, nếu minh họa danh nhân, anh hùng dân tộc bằng những hình ảnh kiểu đó chẳng khác gì bôi xấu danh nhân. Bên cạnh đó, những người thực hiện cuốn sách còn tùy tiện cóp nhặt hình ảnh từ nhiều nguồn khác nhau mà không cần biết tác giả và bỏ qua cả bản quyền. Ông Trần Thanh Tùng – Tổng Thư ký Hội Quán Di sản hoàn toàn bất ngờ khi biết những người chủ biên cuốn sách đã đưa bức tranh danh nhân Lý Thường Kiệt nằm trong dự án mà Hội Quán Di sản phối hợp cùng Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam triển khai năm 2013. Theo ông Trần Thanh Tùng, hình ảnh Lý Thường Kiệt trong cuốn sách đã được Hội đồng thẩm định - Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam duyệt mẫu vào ngày 23-8-2013 và được đăng ký bản quyền,  vì vậy mọi hành vi sử dụng mà không xin phép sẽ là phạm luật. Ông Trần Thanh Tùng cũng đề nghị đơn vị xuất bản cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” phải tháo gỡ hình ảnh kể trên. Đó là chưa kể, cuốn sách này cũng đã sử dụng một số lượng lớn tranh vẽ theo lối giả tưởng của nhóm họa sỹ Viettoon mà không có sự trao đổi với nhóm họa sỹ này, như số báo trước ANTĐ đã đề cập. 

“Nếu đưa tùy tiện thì thà không có còn hơn”

Về sự sai sót, cẩu thả trong cuốn sách này, chúng tôi cũng đã có cuộc trao đổi với nhiều nhà nghiên cứu sử học. Giáo sư sử học Lê Văn Lan cho biết: “Tôi đã có cuốn sách này trong tay và thực tế tôi còn không muốn đọc. Không phải một người nghiên cứu sử như tôi mà bạn hỏi bất cứ người bình thường nào cũng có thể nhận ra những điều “ba láp” trong cuốn sách”. PGS.TS Lâm Thị Mỹ Dung - Giám đốc Bảo tàng Nhân học - Đại học Quốc gia Hà Nội cũng cho biết, chưa bàn đến nội dung, chỉ cần nhìn hình minh họa cũng đủ thấy đây là cuốn sách được biên soạn ẩu, vô trách nhiệm và “cách giải thích của người làm sách là ngụy biện”.

 Theo nhà nghiên cứu sử học Nguyễn Ngọc Phúc – Khoa Lịch sử, trường Đại học KHXH&NV, cuốn sách phản ánh kiến thức và cách làm rất vô trách nhiệm của tác giả. Không thể làm một cuốn sách, rồi tìm kiếm bừa một hình ảnh trên mạng, không biết rõ nguồn để đưa vào tác phẩm. Từ cách làm việc thiếu nghiêm túc của tác giả, nó gây ra hệ quả là cung cấp cho người đọc kiến thức lịch sử “méo mó”. “Chưa bàn đến nội dung, việc những học giả, những người có uy tín lại để cho những bức tranh cẩu thả, tùy tiện như thế này lên cuốn sách thì không hiểu nổi” – ông Nguyễn Ngọc Phúc cho biết.

Bàn về việc sử dụng tranh minh họa và đưa như thế nào cho phù hợp đối với những cuốn sách mang tính chất tư liệu lịch sử, GS.TS Nguyễn Quang Ngọc – Chủ tịch Hội Sử học Hà Nội nhận định, việc đưa hình ảnh vào trong một cuốn sách, nhất là đối với sách lịch sử không đơn giản. Tranh minh họa, nhất là cho những nhân vật lịch sử phải có cơ sở, nếu tưởng tượng một cách tùy tiện rồi đưa vào sách thì thà không có còn hơn. 

Đình chỉ phát hành cuốn “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” 
Trao đổi với phóng viên ANTĐ sáng 9-12, ông Chu Văn Hòa – Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, đến thời điểm hiện tại, Cục Xuất bản chưa nhận được sách lưu chiểu của cuốn sách này. Trước đó, ngày 8-12, Cục Xuất bản đã có văn bản số 5819/CXBIPH-QLXB đình chỉ phát hành cuốn sách “Những vị tướng lừng danh trong lịch sử dân tộc” tác giả Nguyễn Hoàng Điệp và Đức Thông chủ biên, đồng thời yêu cầu NXB Văn hóa – Thông tin giải trình việc xuất bản, phát hành cuốn sách trên.