“Lạm phát” thủy điện, vì sao?

ANTĐ - Sau những trao đổi trên công luận cũng như ở nghị trường Quốc hội về hiện tượng “lạm phát” thủy điện, 424 dự án thủy điện bị loại bỏ khỏi quy hoạch, 136 dự án tạm dừng, 158 dự án tiếp tục được đánh giá rà soát và 172 vị trí tiềm năng không được xem xét đưa vào quy hoạch. Việc cắt giảm, loại bỏ hàng trăm dự án cho thấy quy hoạch thủy điện là… có vấn đề.

Dù có đóng góp cho ngân sách, nhưng cũng phải thấy việc đầu tư xây dựng các dự án thủy điện đã gây ảnh hưởng khá lớn: chiếm dụng khá nhiều đất sản xuất nông nghiệp, đất rừng; thu hẹp không gian sống của người dân bản địa; tác động tiêu cực đến môi trường - xã hội… Chưa kể, tại một số dự án, có đối tượng đã lợi dụng mở công trường cho khai quang rừng với quy mô lớn hơn so với yêu cầu; lợi dụng hạ tầng công trình để khai thác khoáng sản trái phép.

Hai dự án thủy điện bậc thang thu hút sự chú ý của dư luận trong thời gian qua là Đồng Nai 6 và 6A vốn được sự quan tâm của nhiều đại biểu Quốc hội, cũng đã bị loại khỏi quy hoạch. Việc làm hay không làm thủy điện Đồng Nai 6 và 6A đã khiến những nhà quản lý, nhà khoa học và dư luận tranh cãi suốt 6 năm nay. 

Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và Đồng Nai 6A đã được loại khỏi quy hoạch mặc dù trước đó đã nhiều lần đưa vào quy hoạch. Vì sao? Câu trả lời đã có, nhưng cần làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước, đồng thời rút ra những bài học kinh nghiệm sâu sắc để hạn chế thất thoát và lãng phí cho người dân, doanh nghiệp và xã hội. Ngay trong phần phát biểu khai mạc phiên họp đang diễn ra, Phó Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân cũng đã nhấn mạnh đến việc Chính phủ cần làm rõ hậu quả mang lại từ việc hủy bỏ, dừng và điều chỉnh các dự án thủy điện.

GS.TS Nguyễn Hoàng Trí, thành viên Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam nhìn nhận.“Dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A không lớn, nếu không muốn nói là nhỏ, lợi về kinh tế không nhiều, môi trường lại bị xâm hại, nhưng tại sao chủ đầu tư vẫn quyết làm và các cơ quan quản lý vẫn tạo điều kiện? Vậy thì chắc chắn phải có người được lợi”. Còn TS. Đào Trọng Tứ, thành viên Ban tư vấn Mạng lưới sông ngòi Việt Nam lại đặt nghi vấn: “Báo cáo tác động môi trường của hai dự án thủy điện Đồng Nai 6 và 6A của chủ đầu tư đã sửa đổi lần 2, tác động môi trường, đa dạng sinh học ai cũng đã rõ, tôi không hiểu sao Bộ Tài nguyên và Môi trường vẫn cho chủ đầu tư nghiên cứu và hiệu chỉnh lại, không biết để làm gì”.

Về nguyên tắc thì thuỷ điện vẫn là nguồn năng lượng rẻ, sạch, tự tái tạo, không phát thải khí nhà kính, vì vậy thủy điện vẫn ưu việt, phù hợp với thời đại, vấn đề phát sinh ở chỗ điều kiện sử dụng, quản lý, xây dựng và vận hành thủy điện như thế nào? Việc phát triển các hồ thủy điện thủy lợi kết hợp là việc cần thiết phải làm vì chúng ta cần nước cho sản xuất công nghiệp, nông nghiệp, sinh hoạt, du lịch, dịch vụ, tạo vùng tiểu khí hậu…  Nhưng dư luận lo ngại là các hồ thủy điện hiện nay đặt việc phát điện lên trên hết, khả năng chống lũ lụt là không lớn, vào mùa khô do phải phục vụ mục tiêu sản xuất nên khả năng giữ nước cũng không lớn. Chưa kể việc các liên hồ thủy điện vận hành thiếu liên thông đã tạo nên những “nhân tai” gây hậu quả nặng nề. Các trường hợp vỡ đập, xả lũ không đúng quy trình đều đã xảy ra. Thủy điện Sông Tranh 2, mới tích nước đã bị thấm đập. Nhiều thuỷ điện nhỏ ở Miền Trung, Tây Nguyên, khi vỡ đập mới biết chất lượng khảo sát và xây dựng không đảm bảo.

Trong 6 năm, có hơn 20.000 rừng bị chuyển đổi mục đích sử dụng để xây dựng 160 dự án thủy điện. Thế nhưng, rất ít chủ đầu tư thủy điện có phương án trồng rừng thay thế nên diện tích rừng trồng bù lại chỉ được 735 ha, bằng 3,7% diện tích rừng đã bị mất. Theo rà soát mới đây của Bộ Công Thương, tỷ lệ diện tích rừng trồng bù còn thấp hơn rất nhiều. 

Theo quy định khi lấy 1 mét rừng làm thủy điện thì phải trồng bù lại 1 mét rừng. Đã có trên 400 dự án thủy điện bị loại bỏ, vậy diện tích rừng mất cho các dự án bị loại khỏi quy hoạch là bao nhiêu? Đã mất hay không? Giải pháp thay thế rừng mất đi như thế nào?... là những câu hỏi đang được nêu ra. 

Hiện nay, việc trồng hoàn trả rừng của các dự án thủy điện ở hầu hết các địa phương đều gặp khó khăn, việc thực hiện còn lúng túng giữa trách nhiệm, nghĩa vụ của địa phương và chủ đầu tư dự án trong bố trí đất trồng rừng, loại cây trồng, chế độ chăm sóc, bảo vệ  rừng... gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan thiên nhiên và môi trường, sinh thái. Hầu hết chủ đầu tư dự án kiến nghị thực hiện quy định trồng rừng thay thế theo hình thức nộp tiền vào Quỹ bảo vệ và phát triển rừng.

Tuy nhiên, điện có thể mua, có thể nhập từ nước ngoài, còn rừng nguyên sinh một khi bị xâm phạm sẽ không có cách gì phục hồi.