Lạm phát thấp - đừng vội mừng

ANTĐ - Tuần qua đón nhận một tin vui khi lạm phát 11 tháng năm 2015 được coi là tăng thấp nhất trong 14 năm qua. Tuy nhiên, ngay giữa lúc tăng trưởng cao và lạm pháp tăng rất thấp như hiện nay thì nhiều chuyên gia kinh tế vẫn cảnh báo không nên lạc quan sớm vì sự xuất hiện của hiện tượng giảm phát. 

Giảm phát có thể gây ra những tác động tiêu cực khiến nền kinh tế không thể phát triển, trong khi đó dù lạm phát có cao thì nền kinh tế vẫn có thể tăng trưởng nhanh hơn. Lúc này, một bài toán cũ muôn thuở được đặt ra, đó là khi lạm phát thấp mà lãi suất không hạ được theo lạm phát sẽ dẫn đến lãi suất thực tăng. Khi lãi suất thực tăng thì sẽ cản trở đầu tư và tiêu dùng, đồng thời làm cho tổng cầu yếu đi.

Và thực tế là lãi suất cho vay vẫn chưa giảm mặc dù lạm phát ở mức thấp hoàn toàn có cơ sở để duy trì mặt bằng lãi suất thấp. Theo các chuyên gia, muốn tăng hay giảm lãi suất đều phải căn cứ theo nhiều yếu tố như lượng cung tiền, nhu cầu tín dụng, khả năng huy động vốn của hệ thống tổ chức tín dụng… còn lạm phát thấp chỉ là một trong những yếu tố để xem xét tăng hay giảm lãi suất, nhằm giảm chi phí đầu vào, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn rẻ hơn, thúc đẩy tổ chức, cá nhân bỏ vốn vào đầu tư, kinh doanh, thay vì gửi ngân hàng… 

Với lạm phát ở mức thấp, đây có thể coi là thời điểm tốt để xem xét có thể giảm một chút lãi suất đầu vào, nhưng không thể chủ quan với lạm phát vì chỉ cần giá dầu tăng thì tình hình sẽ xoay chiều. Chưa hết, CPI duy trì ở mức thấp nhưng nỗi lo về rủi ro tiềm ẩn phía trước là rất lớn: như giá điện, giá nước, giá dịch vụ y tế, giá xăng dầu tăng… sẽ là áp lực cho công tác kiểm soát lạm phát thời gian tới. Lạm phát thấp và ổn định là một yếu tố cần thiết, không thể thiếu được để phát triển bền vững, lâu dài của nền kinh tế.

Nhưng việc theo dõi sát diễn biến giá cả, nhất là các mặt hàng thiết yếu cùng với việc tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường là hết sức quan trọng. Cuối cùng là cần tính toán, cân nhắc thời gian điều chỉnh tăng giá một số mặt hàng thiết yếu để tránh gây tác động lan tỏa về mặt tâm lý lên chỉ số tiêu dùng CPI.