Lạm phát… tâm lý

(ANTĐ) - Nền kinh tế nước ta được đánh giá là đã chạm tới “đáy” suy giảm và đang từng bước đi lên ổn định. Tuy vậy, những tháng đầu năm 2010, giá điện, xăng dầu, nhiên liệu tăng, lực lượng sản xuất thiếu hụt, khiến giới doanh nghiệp rất lo lắng. Các nhận định của Chính phủ, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, các đợt tăng giá trong 2 tháng đầu năm là không thể xem thường, nhưng chỉ dừng ở mức cảnh báo. Nó chưa diễn biến bất thường và có thể đưa ra những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp để nền kinh tế không bị ảnh hưởng xấu.

Lạm phát… tâm lý

(ANTĐ) - Nền kinh tế nước ta được đánh giá là đã chạm tới “đáy” suy giảm và đang từng bước đi lên ổn định. Tuy vậy, những tháng đầu năm 2010, giá điện, xăng dầu, nhiên liệu tăng, lực lượng sản xuất thiếu hụt, khiến giới doanh nghiệp rất lo lắng. Các nhận định của Chính phủ, các chuyên gia và nhà quản lý đều cho rằng, các đợt tăng giá trong 2 tháng đầu năm là không thể xem thường, nhưng chỉ dừng ở mức cảnh báo. Nó chưa diễn biến bất thường và có thể đưa ra những biện pháp điều chỉnh cho phù hợp để nền kinh tế không bị ảnh hưởng xấu.

Dẫu vậy còn có một thực tế khác, như phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ trước giới báo chí đầu tháng 3, là chúng ta cần đề phòng để tránh khỏi “lạm phát tâm lý”, bởi nó gây hiệu ứng xã hội không nhỏ. Những khó khăn trong năm 2009 chưa giải quyết xong thì đầu năm nay giá đầu vào tăng khiến doanh nghiệp lại “đau đầu” trước bài toán chi phí, giá thành. Chính sách hỗ trợ lãi suất đã chấm dứt, thêm vào đó là việc điều chỉnh tỷ giá làm cho doanh nghiệp gặp không ít khó khăn.

Ngân hàng chỉ cho doanh nghiệp vay một phần để hoạt động sản xuất, riêng khoản vay trung và dài hạn để đầu tư cho máy móc, nhà xưởng thì bị từ chối. Nếu vay bằng ngoại tệ thì được chấp nhận nhưng lãi suất lên tới 7%/năm, thay vì 6-6,6%/năm như trước đây. Điều này tạo sức ép đáng kể cho doanh nghiệp. Thực ra, lạm phát tâm lý bắt nguồn từ thời điểm tăng giá của một số mặt hàng, song tác động lớn nhất chính là các mặt hàng do Nhà nước quản lý giá hoặc một số mặt hàng bắt đầu thực hiện cơ chế thị trường, là đầu vào của hầu hết các ngành sản xuất, kinh doanh.

Về thời điểm tăng giá, lúc đầu các cơ quan quản lý Nhà nước thường đứng về phía doanh nghiệp để “trấn an” người tiêu dùng. Ví như chuyện tăng giá xăng, các cơ quan quản lý giải thích đó là “cố gắng” của doanh nghiệp nhằm kéo dài thời điểm duy trì giá bán cũ “bù lỗ”. Tức là họ có thể tăng giá trong vòng 7 ngày kể từ khi giá thế giới biến động, nhưng họ đã kéo dài đến 38 ngày. Hay như chuyện tăng giá điện đầu tháng 3, ngay sau khi giá xăng được điều chỉnh, cũng được Bộ Công Thương và Bộ Tài chính giải thích với lý do là ngành than không thể bù lỗ quá lâu cho điện và ngành điện cũng không thể bán điện với giá thấp lâu hơn nữa.

Mọi lập luận đều có lý, song không ai đề cập đến việc các ngành thiết yếu đều đồng loạt tăng giá vào đầu năm đã gây ra hiệu ứng “lạm phát tâm lý” đến thị trường. Chỉ đến khi Chính phủ yêu cầu các ngành có liên quan thẳng thắn nhìn vào sự thật là, các doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu tăng giá không hợp lý và không đúng thời điểm. Hơn thế, Chính phủ còn yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Công Thương xem xét thời điểm, khoảng cách mỗi lần điều chỉnh, mức độ tăng giá của các doanh nghiệp xăng dầu vì vấn đề thời điểm trước đó đã không được xem xét nghiêm túc để gây ra những “lạm phát tâm lý” xấu lây lan trên thị trường và xã hội.

Ở đây cũng cần “nhắc nhở” cả ngành than. Trong khi giá điện mới chính thức điều chỉnh còn đang gây nên những lo ngại lạm phát cho nền kinh tế, thì ngành than lại “đốt” thêm mối lo bằng việc “nhắc nhở” Chính phủ rằng họ đề nghị tăng giá bán than cho điện lần thứ hai. Ngay sau đó, đại diện Chính phủ đã có văn bản khẳng định rằng, cả giá than và giá điện chỉ được tăng một lần trong năm nay.

Nếu không có những tuyên bố đó, có thể độ lan rộng của “lạm phát tâm lý” sẽ tăng lên. Rõ ràng công tác thông tin định hướng chính sách cần phải đi trước một bước, xem trọng hơn nữa việc chủ động kiến tạo lòng tin của dư luận. Bởi vì một khi tâm lý xã hội được củng cố, tạo ra sự đồng thuận cao thì sẽ ngăn chặn được hiện tượng lạm phát… tâm lý, nên xem đây là trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp và các cơ quan quản lý Nhà nước.

Đan Thanh