Lạm phát có thể lên tới 4,3% do “cú sốc” tăng giá xăng dầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trong các kịch bản do Bộ Tài chính xây dựng, có những kịch bản mức lạm phát lên tới 4,3%, chủ yếu do ảnh hưởng của tăng giá xăng dầu. 

Áp lực rất lớn

Chia sẻ tại Diễn đàn trực tuyến “Kiểm soát lạm phát: Thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế” do Tạp chí Hải quan tổ chức chiều 9/3, ông Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê (Bộ KH&ĐT) cho biết, hiện nay có nhiều yếu tố tạo sức ép rất lớn cho việc kiểm soát lạm phát năm 2022.

Thứ nhất là việc tổng cầu tăng đột biến sau đại dịch. Tổng mức bán lẻ 2 tháng bắt đầu tăng trưởng dương, trong khi năm 2021 tổng mức bán lẻ tăng trưởng âm. Đặc biệt, trong 2 năm tới, việc triển khai gói hỗ trợ nền kinh tế với tổng cầu tăng đột biến cũng sẽ tạo áp lực lớn lên lạm phát.

Thứ hai là nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc khá nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu, trong khi, giá nguyên vật liệu thế giới tăng cao. Điều này sẽ ảnh hưởng đến giá đầu vào, tạo nên áp lực chi phí đẩy.

Thứ ba là việc đứt gãy chuỗi cung ứng kể cả trong nước và quốc tế. Đây cũng chính là nguyên nhân gây ra lạm phát rất cao của thế giới. Đơn cử, việc đứt gãy chuỗi cung ứng về nguyên liệu, khí đốt đã gây ra lạm phát tăng mạnh tại châu Âu.

Hiện giá xăng dầu đã tăng 60% tính từ đầu năm. “Giá xăng dầu tăng là áp lực rất lớn với nền kinh tế, vì xăng dầu là nguyên vật liệu huyết mạch, tác động làm tăng giá nhiều loại hàng hóa khác” – ông Nguyễn Bích Lâm nói.

Bên cạnh đó, giá lương thực thế giới đã tăng 24% so với đầu năm, chỉ số giá lương thực thế giới tăng cao nhất trong 60 năm qua. Tuy nhiên, theo vị chuyên gia, giá lương thực thế giới tăng tạo ta áp lực lạm phát, nhưng cũng đem lại nguồn lợi cho Việt Nam trong xuất gạo.

Ngoài ra, việc thiếu hụt nguồn lao động khi doanh nghiệp bắt đầu quay lại hoạt động sản xuất kinh doanh cũng sẽ buộc doanh nghiệp phải chi thêm tiền để thu hút, tuyển dụng, đào tạo lao động – cũng gây sức ép lên mặt bằng giá.

Giá xăng dầu tăng mạnh gây áp lực lớn đối với kiểm soát lạm phát

Giá xăng dầu tăng mạnh gây áp lực lớn đối với kiểm soát lạm phát

Đồng quan điểm, ông Nguyễn Xuân Định, Phó trưởng Phòng Chính sách tổng hợp, Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) cho biết, từ đầu năm đến nay có những yếu tố tác động đến lạm phát gần như không thể lường trước được. Chẳng hạn như xung đột giữa Nga và Ukraina khiến giá xăng dầu, giá các mặt hàng nguyên liệu tăng mạnh…

Theo đại diện Cục Quản lý giá, hiện nay tình hình chung của lạm phát tại các nước trên thế giới đều cao, trong đó các nước hiện châu Âu đều đã vượt 5%. Nhiều chuyên gia đánh giá Việt Nam có thể sẽ phải “nhập khẩu lạm phát” vì nước ta phải nhập khẩu hàng hóa nhiều và có độ mở lớn.

Hơn nữa, năm 2022 cũng có một thách thức nữa, đó là áp lực thực hiện lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ công, do năm 2021 chưa điều chỉnh được. Việc điều chỉnh này, theo ông sẽ cần sự đánh giá kĩ lưỡng của Bộ tài chính cũng như các ban ngành.

Kiểm soát lạm phát ngay từ đầu năm

Theo ông Nguyễn Bích Lâm nếu lạm phát tăng cao sẽ tác động rất lớn tới nền kinh tế, tạo ra mặt bằng giá mới. Do đó, các quyết định về đầu tư, kinh doanh đều phải được tính toán trên mặt bằng giá mới này, khiến chi phí đầu vào cao hơn, làm cho thu nhập thực của người dân bị giảm, giảm sức chi tiêu, giảm tổng cầu, tác động rất mạnh đến nền kinh tế.

Về các giải pháp kiểm soát lạm phát, ông Nguyễn Bích Lâm cho rằng yếu tố đầu tiên là kiểm soát nguồn cung, vì áp lực lạm phát năm nay đến từ việc thiếu hụt nguồn cung để dáp ứng cho tổng cầu, đặc biệt là cung về xăng dầu.

“Theo tính toán của chúng tôi, nếu xăng dầu tăng 10% sẽ tác động làm lạm phát tăng 0,36%, trong khi đó từ đầu năm đến nay xăng dầu tăng 60% cho thấy áp lực lớn như thế nào. Trong 2 tháng đầu năm, lạm phát tăng 1,68% trong đó xăng dầu đóng góp tới 1,63%. Do đó, trước hết phải kiểm soát nguồn cung nguyên vật liệu, đặc biệt là xăng dầu”, ông Lâm nhấn mạnh.

Giái pháp tiếp theo là không để đứt gãy chuỗi cung ứng. Đối với thị trường trong nước phải có giải pháp để đảm bảo cung ứng vật tư giữa các vùng miền, địa phương. Đặc biệt không để đứt gãy chuỗi cung ứng giữa thế giới với Việt Nam. Bên cạnh đó, phải điều hành chính sách tài chính, tiền tệ một cách linh hoạt, nhịp nhàng.

Còn ông Nguyễn Xuân Định, Bộ Tài chính đã phối hợp với các bộ ngành xây dựng kịch bản điều hành giá và báo cáo Chính phủ. Trong đó sẽ có những kịch bản mức lạm phát từ 3,6-4,3%. Công tác điều hành giá sẽ phải triển khai quyết liệt ngay từ đầu năm.

Một trong những vấn đề được quan tâm nhất hiện nay đó chính là giá xăng dầu. Hiện nay Quỹ bình ổn giá xăng dầu là công cụ hữu hiệu cho công việc điều hành giá trong nước. Bên cạnh đó, giải pháp căn cơ hiện nay là vẫn phải đảm bảo nguồn cung không để thiếu hụt trong mọi tình huống, tránh tình trạng đầu cơ găm hàng tích trữ.

Thời gian tới, Cục Quản lý giá với vai trò là giúp việc của Ban Chỉ đạo điều hành giá sẽ tiếp tục tăng cường công tác tổng hợp phân tích dự báo trên cơ sở liên tục theo dõi giá xăng dầu trên thế giới. Từ đó sẽ cập nhật các kịch bản điều hành để có cái nhìn tổng quan trong năm 2022.