Làm người tiền sử giữa rừng nguyên sinh

ANTĐ - Lướt qua những con đường lọt giữa từng khối đá lớn, người đi đường tưởng lạc vào cõi tiên.
 Từ TP Ninh Bình, tỉnh Ninh Bình về Vườn Quốc gia Cúc Phương thuộc huyện Nho Quan, du khách sẽ luôn có cảm giác êm ái, dịu nhẹ bởi không gian trong lành, rợp cây xanh và thấp thoáng những ngôi nhà ẩn hiện, sông Hoàng Long uốn mình như dải khăn bạc phía xa. 
Rừng Cúc Phương hiện ra như một vòm xanh khổng lồ u trầm và uy nghi, nhưng ẩn trong cái vòm xanh tưởng như tĩnh lặng đó là muôn vàn chuyển động tươi mới của tự nhiên. Giữa không gian ấy, hầu như không ai bảo ai nhưng mọi người đều lặng yên để ngắm nhìn cây cối và lắng nghe âm thanh của rừng, tiếng chân một con chồn chạy trên lá khô, một con bìm bịp kêu đâu đó trong bụi mà ta không xác định được vị trí, một tiếng huýt lanh lảnh hắt xuống từ trên cao… 

Xanh tươi một góc rừng Cúc Phương

Những thân cây lớn nhỏ vươn dựng lên cao vút đua nhau đón ánh sáng, cây bụi sum suê và dây leo thì bò lan khắp mọi nơi. Những chiếc lá khổng lồ cùng những dáng cây kỳ dị gợi ra nhiều liên tưởng phiêu lưu thú vị và… dễ sợ! Ở đây, trên những con đường nhỏ, nếu bạn di chuyển bằng xe máy có thể đi sâu vào trong rừng, đến với động người xưa, nơi cư trú cũng như di chỉ mộ táng của người tiền sử, cách nay 7.500 năm, leo tít lên những bậc đá cao, bước vào vòm đá ẩm rêu và tối mờ với những ngôi mộ, có thể vào sâu trong hang hay lom khom trong ngách đá để thấy mình chợt giống người tiền sử từ lúc nào. 
Những chặng đường khác đưa khách đến với cây chò nghìn năm, cây sấu cổ thụ và những thảm thực vật đặc trưng của Vườn Quốc gia Cúc Phương. 
Lúc nào đó hơi mỏi, người đi cũng có thể dừng chân ở một vài điểm đón đơn sơ, mộc mạc, hoà mình trong không gian rừng xanh để nghỉ ngơi, điểm tâm với một số dịch vụ ăn uống vừa đủ để không biến khách đến chơi rừng thành những người… “phè phỡn”, thích hưởng thụ. Đến chơi với rừng, cũng chính là để học ở rừng sự trầm tĩnh, sinh động, biết cách lắng nghe để thêm phần yêu mến và giữ gìn thiên nhiên.