Làm ngơ trước vi phạm

ANTĐ - Hôm qua, 22-8, PV ANTĐ đã khảo sát dọc tuyến đê Tả Đuống cho thấy, dù trước đó, UBND huyện Gia Lâm và xã Yên Viên tuyên bố sẽ cưỡng chế tháo dỡ, song các trạm trộn bê tông vi phạm pháp luật đê điều sát chân cầu Đuống vẫn ngang nhiên tồn tại.

Đầu tuyến đường đê Tả Đuống cấm xe trọng tải trên 10 tấn 

nhưng xe tải lớn chở vật liệu vẫn “đột nhập”


Chỉ còn cách dỡ bỏ

Liên quan tới vụ việc, ông Phạm Đức Phương, Hạt trưởng Hạt Quản lý đê điều và Phòng chống lụt bão số 6 cho biết, đúng như Báo An ninh Thủ đô phản ánh, bám dọc theo đê Tả Đuống, có 3 trạm trộn bê tông áp-phan và bãi tập kết vật liệu xây dựng. Các trạm này hoạt động không phép từ hơn 1 năm nay. Ông Phạm Đức Phương phân trần: “Chúng tôi đã kiểm tra các trạm trộn bê tông dọc đê Tả Đuống và có lập biên bản về các hành vi vi phạm. Sau đó, Hạt đã báo cáo tình hình vi phạm tới Chi Cục Quản lý đê điều và PCLB Hà Nội và UBND huyện Gia Lâm. Hạt cũng đã kiến nghị biện pháp xử lý dứt điểm, khẩn trương dừng hoạt động và giải tỏa các bãi tập kết vật liệu xây dựng vi phạm pháp luật về đê điều”.

Về hướng xử lý, ông Phạm Đức Phương thẳng thắn, các công trình vi phạm nằm gọn trong hành lang thoát lũ nên chỉ còn cách duy nhất là phải giải tỏa. Ông nói: “Cũng có một vài trường hợp bãi tập kết vật liệu được địa phương cấp phép tạm, tức là mỗi năm sẽ phải xin phép một lần. Thế nhưng, vào mùa mưa bão, các bãi sẽ phải ngừng hoạt động. Đặc biệt, khi chính quyền yêu cầu, đơn vị kinh doanh phải dỡ bỏ ngay các công trình để phục vụ ưu tiên số một là tiêu thoát lũ”.

Ông Phạm Đức Phương cũng tỏ ra bức xúc bởi “đường đê cấm xe tải trên 10 tấn hoạt động nhưng các xe tải trọng lớn gấp đôi như thế vẫn ngang nhiên hoạt động, nhất là vào ban đêm”. “Hạt cũng đã kiến nghị với cơ quan chức năng và UBND huyện Gia Lâm để cấm xe quá tải nhưng cũng chỉ hạn chế phần nào chứ chưa dứt hẳn bởi các trạm trộn còn hoạt động thì chắc chắn sẽ còn xe trọng tải lớn ra vào lấy hàng. Nhìn thấy xe quá tải chạy ầm ầm đấy nhưng chúng tôi cũng chỉ biết báo cáo chứ không có chức năng xử lý vấn đề này” - Hạt trưởng Hạt 6 nói.

Ông Phạm Đức Phương cũng khẳng định, sẽ chẳng ai có thể cấp phép cho các trạm trộn này hoạt động ngoài đê Tả Đuống. “Chúng tôi không có thỏa thuận nào với địa phương về các trạm này. Không có cơ quan nào lại đi cho phép hành vi vi phạm rõ ràng như thế diễn ra... Văn bản ở đây chỉ có thể là biên bản ghi nhận hành vi vi phạm và yêu cầu cưỡng chế, dỡ bỏ công trình không phép đó!”.

Dung túng vi phạm?

Trao đổi với phóng viên, ông Đỗ Đức Thịnh, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý đê điều và PCLB Hà Nội cho biết, cơ quan chức năng đã biết tới sự tồn tại của các trạm trộn vi phạm hành lang thoát lũ sông Đuống từ lâu. Ngay từ giữa tháng 6-2011, Chi Cục Quản lý đê điều và PCLB đã có văn bản gửi UBND huyện Gia Lâm, chỉ rõ sai phạm của Công ty CP vật tư nông nghiệp và một số đối tượng vi phạm pháp luật đê điều khác trên địa bàn huyện Gia Lâm. Các đối tượng này đã lợi dụng bờ sông, hành lang bảo vệ đê, kè tập kết vật liệu xây dựng tạo ra nguy cơ gây sạt trượt bờ sông, mái kè... Để đảm bảo an toàn cho hệ thống đê điều, Phó Chi Cục trưởng Nguyễn Vĩnh Liên đã đề nghị UBND huyện Gia Lâm chỉ đạo xã Yên Viên xử lý các vi phạm theo thẩm quyền; khẩn trương giải tỏa các bãi vật liệu không phép, sai phép, trái phép ra khỏi hành lang bảo vệ đê, kè... 

Thế nhưng, hơn 2 tháng kể từ khi Chi Cục Quản lý đê điều và PCLB lên tiếng, các trạm trộn không phép dọc tuyến đê Tả Đuống, gần khu vực trạm bơm Cống Thôn, xã Yên Viên, đoạn Km 10 + 750 , vẫn ngang nhiên tồn tại như chưa có gì xảy ra. Ông Phạm Đức Phương xác nhận: “Chúng tôi đã ít nhất 2 lần lập biên bản. Vi phạm của các trạm trộn này, lãnh đạo UBND huyện Gia Lâm nắm rất rõ.” Thế nên, dư luận càng thắc mắc, nguyên do gì khiến UBND huyện Gia Lâm lại dùng dằng, chưa xử lý tới nơi tới chốn các vi phạm này.

Cũng trong chiều 22-8, Chủ tịch UBND xã Yên Viên (Gia Lâm), ông Đào Văn Hồng thông tin, quá thời hạn chính quyền yêu cầu (để đơn vị vi phạm tự xử lý dỡ bỏ - PV), xã có mời doanh nghiệp đến làm việc. Tuy nhiên, thay vì phát lệnh cưỡng chế tháo dỡ như đã nói với phóng viên hôm 9-8, chính quyền xã Yên Viên lại thêm một lần nữa gia hạn để doanh nghiệp tiếp tục làm thủ tục hợp lý hóa sai phạm, dù ngành chức năng đã nói việc cấp phép là không thể. Ông Đào Văn Hồng nói: “Họ xin cho thêm thời gian để làm thủ tục cấp phép. Họ đã nói vậy thì mình cũng để cho họ thời gian...”.

Không rõ, cứ với kiểu làm việc như thế này của huyện Gia Lâm, tới bao giờ những trạm trộn không phép vi phạm hành lang thoát lũ, gây ô nhiễm môi trường mới được dỡ bỏ. Nếu chính quyền cơ sở đã “bất lực”, có lẽ, các sở, ngành chức năng của thành phố phải vào cuộc để giúp huyện Gia Lâm xử lý rốt ráo các công trình vi phạm này.