Làm đến nơi đến chốn

ANTĐ - Theo Nghị quyết 13 của Chính phủ, một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cùng với gói hỗ trợ 29.000 tỷ đồng là đẩy mạnh hơn nữa thủ tục hành chính, trọng tâm là cắt giảm chi phí và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Thủ tướng đã giao nhiệm vụ cụ thể cho các bộ, ngành và 6 địa phương, thực hiện rà soát, cắt giảm 30% chi phí thủ tục hành chính đối với 24 nhóm thủ tục và quy định liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng, thuế, hải quan, xuất nhập khẩu.

Cải cách thủ tục hành chính là công việc thường xuyên, liên tục, là cuộc đấu tranh bền bỉ giữa cái lạc hậu, bảo thủ với tiến bộ, tích cực...”, Cục trưởng Cục kiểm soát thủ tục hành chính khẳng định. Kết quả triển khai Đề án 30 cho thấy, đơn giản hóa thủ tục hành chính giúp tiết kiệm cho doanh nghiệp và người dân mỗi năm gần 30.000 tỷ đồng, trong khi gói hỗ trợ doanh nghiệp là 29.000 tỷ đồng, cho thấy giá trị tài chính của cải cách thủ tục hành chính lớn đến mức nào. Giả sử nếu mỗi năm cải cách thủ tục hành chính mang lại hiệu quả thiết thực như thế, chắc chắn gánh nặng khó khăn của giới doanh nghiệp sẽ vơi nhẹ rất nhiều, chứ không dồn lại trầm trọng như hiện nay.

Dẫu vậy, Đề án 30 mới kết thúc giai đoạn 1 và đang bước vào giai đoạn 2 nên kết quả đến đâu vẫn chưa thể đánh giá đầy đủ. Thực ra, giai đoạn 1 chỉ mới làm được một việc là rà soát, thống kê có bao nhiêu thủ tục. Thủ tục quy định như thế nào thì vẫn để nguyên và “gói” lại thành bộ thủ tục. Theo kết quả công bố, có khoảng hơn 3.000 thủ tục trong tổng số 4.751 thủ tục hành chính đã được đơn giản hóa theo yêu cầu của Chính phủ trong năm 2011. Nếu chỉ đơn giản hóa thủ tục mà không nâng cao chất lượng những thủ tục thay thế, thì chưa thể gọi là cải cách và thay đổi về chất. Nhiều ý kiến cho rằng, trong tình hình sản xuất kinh doanh đình trệ, hàng tồn kho chất đống, hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, phá sản, hàng vạn lao động mất việc làm, lẽ ra môi trường kinh doanh phải được cởi mở, thông thoáng hơn, ngược lại đang có dấu hiệu thụt lùi.

Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ TP.HCM, một trong 6 tỉnh thành trong đó có Hà Nội được Thủ tướng yêu cầu cắt giảm 30% chi phí thủ tục, ngoài chất lượng yếu kém của hệ thống pháp luật, phải thừa nhận rằng có nguyên nhân do một bộ phận công chức sợ trách nhiệm, chậm giải quyết, làm khó cho dân và doanh nghiệp. Thậm chí có trường hợp đúng cũng không giải quyết, đề đạt ý kiến, e dè, sợ sai sót. Hàng loạt câu hỏi được đặt ra: Việc thực hiện thủ tục hành chính có thực sự nghiêm túc ở các cấp chính quyền hay không? Cán bộ, công chức đã làm hết chức trách, bổn phận hay còn gây phiền hà, sách nhiễu? Việc cải cách thủ tục đã làm đến nơi đến chốn hay chỉ dừng lại ở việc sửa đổi quy định? Trả lời những câu hỏi bức xúc này, Cục trưởng Cục Kiểm soát thủ tục hành chính khẳng định, làm tốt cải cách sẽ cắt đi quyền lợi của một số đối tượng trong bộ máy. Ở đâu, đơn vị nào có người đứng đầu quan tâm, có thái độ rõ ràng, dứt khoát, ở đó cải cách thủ tục sẽ có kết quả rõ rệt.

Nói một cách thẳng thắn, việc cải cách thủ tục thành công hay không phụ thuộc vào con người. Mọi thủ tục hành chính có cải cách đến mấy cũng chỉ là trên giấy. Yếu tố then chốt quyết định sự thành công là đội ngũ cán bộ, công chức thực thi pháp luật. Làm đến nơi đến chốn hay làm nửa chừng, nửa vời chính là con người chứ không phải thủ tục đơn giản hay phức tạp.