Làm chín hoa quả bằng hóa chất lạ
(ANTĐ) - Chỉ sau 1 đêm có thể biến hoa quả từ xanh thành chín vàng, chín đỏ với mẫu mã đẹp, bắt mắt, đó là tình trạng đang diễn ra tại làng Thu Quế (thị trấn Phùng, Đan Phượng). Lâu nay, người dân làng Thu Quế sống bằng nghề buôn bán hoa quả, và họ đã biết tới một loại hóa chất làm hoa quả chín như mong muốn.
Phù phép hoa quả chín qua 1 đêm
Nghe dân buôn hoa quả rỉ tai nhau về một loại hóa chất “lạ” mà người dân gọi nôm na là thuốc làm chín hoa quả của Trung Quốc để làm chín hoa quả theo ý muốn, chúng tôi đã tìm về làng Thu Quế (một trong những điểm sử dụng loại thuốc này khá nhiều từ vài năm nay) để tìm mua loại hóa chất lạ nói trên. Theo tìm hiểu, có đến 2/3 số hộ dân ở Thu Quế trồng và buôn bán đu đủ, chuối ra các chợ đầu mối khu vực nội thành, rồi từ đây sẽ theo các con đường bán lẻ đến người tiêu dùng. Mỗi ngày, từ Thu Quế hàng tấn hoa quả được đưa ra thị trường, có những hộ buôn bán lớn, trung bình mỗi ngày xuất khoảng 5 tạ đu đủ.
Hóa chất làm chín hoa quả có thể mua dễ dàng ở Thu Quế |
Chị T. một người dân làng Thu Quế cho biết, tất cả các hộ kinh doanh đu đủ, chuối ở đây đều sử dụng loại thuốc làm chín hoa quả, chiều tối đi thu mua về, đem nhúng vào dung dịch thuốc hoặc quét lên quả cũng được, xếp gọn gàng lại và phủ nilon hoặc bì tải lên trên, sáng hôm sau là có đu đủ, chuối... chín vàng, chín đỏ như quả chín cây, thêm vào đó, vỏ quả lại bóng trơn, màu sắc đẹp, bắt mắt. Theo chị T, chỉ qua 1 đêm hoa quả từ xanh sẽ chín hết. “Nhưng người trong làng không ăn loại quả được làm chín bằng thuốc này, chỉ đem bán đi các nơi khác thôi” - chị T tiết lộ.
Hoa quả được thúc chín bằng thuốc này với hoa quả chín cây không khác nhau nhiều, bởi cuống vẫn còn tươi như mới. Chúng tôi ngỏ ý mua loại thuốc này, chị T hướng dẫn: “Bọn em cứ ra cửa hàng bán phân đạm, thuốc trừ sâu ngay cổng làng, hoặc ra cửa hàng phân đạm ngoài mặt đường to, hoặc đi dọc làng này, cứ cửa hàng nào có bán phân đạm, thuốc trừ sâu hỏi mua, kiểu gì cũng có”.
Và đúng như lời chị T nói, loại thuốc này dễ dàng mua tại các cửa hàng bán phân đạm, thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở ngay làng Thu Quế với giả “rẻ như bèo”, 800đ/lọ. Chúng tôi rẽ vào 1 cửa hàng bán thuốc BVTV ngay đầu làng, hỏi mua thuốc dấm chín hoa quả của Trung Quốc, ông chủ ngó quanh rồi trả lời có bán. Đoạn ông mở cái tủ gỗ cũ lấy ra 1 hộp giấy và hỏi “cô mua mấy lọ?”. Tôi ngỏ ý lấy nhiều vì nhà ở xa, lấy về dùng lâu dài. Ông chủ thành thật “cô cứ lấy 10 lọ, về dùng được cho hàng tạ hoa quả rồi, mà yên tâm đi thuốc này để được lâu lắm”.
Vừa gói ghém cẩn thận 10 lọ thuốc, ông vừa hướng dẫn, 1 lọ thuốc đem pha với 2-3l nước, dùng chổi quét sơn quét lên phía ngoài của hoa quả. Sau đó, dùng nilon hoặc bao tải phủ lên, sáng hôm sau hoa quả sẽ chín vàng, chín đỏ như mong muốn. Cũng theo ông, loại thuốc này có tác dụng với hầu hết các loại hoa quả: chuối, đu đủ, xoài, hồng... Tuy nhiên, ông cũng lưu ý khi sử dụng nhớ đeo găng tay cho an toàn.
Xem kỹ, thuốc có tên là Etherel, do Công ty hữu hạn hóa chất Phùng Xuân, Quảng Tây, Trung Quốc sản xuất, bao bì có tiếng Trung Quốc, tiếng Việt sai chính tả lẫn lộn với những lời quảng cáo như kiểu “thần dược” cho hoa quả và cả rau xanh. Làm cho quả có màu sắc chín đẹp tự nhiên, dùng với đa dạng các loại quả: táo, cam, quýt, đào, lê... Đáng lưu ý, ngoài bao bì của thuốc có ghi rõ, loại thuốc này có thể thông qua lá cây hoặc vỏ cây ngấm vào thân thực vật... Mặc dù bao bì cũng ghi “ít độc” nhưng lại lưu ý người dùng: “Chất này có thể ăn mòn kim loại, kích thích da và mắt, không tiếp xúc trực tiếp”.
Có thể gây ngộ độc cho người tiêu dùng
Chiều 20-11, chúng tôi mang loại hóa chất trên xuống Cục Bảo vệ thực vật, ông Trịnh Công Toản - Chánh Thanh tra Cục BVTV cho biết ngay: “Loại thuốc này nằm ngoài danh mục các loại thuốc BVTV được sử dụng ở Việt Nam. Và, đây là một trong những loại thuộc nhóm thuốc điều hòa sinh trưởng”.
Theo ông Toản, khoảng 3-4 tháng trước đây, Cục BVTV có mang đi giám định nhưng không phân tích được, bởi là hàng nhập lậu, ngoài bao bì không có thành phần các hoạt chất được sử dụng nên không thể phân tích ra trong thuốc trên có những hoạt chất gì, ảnh hưởng ra sao tới sức khỏe người tiêu dùng. Ngoài tác dụng làm hoa quả chín nhanh thì loại thuốc trên còn khiến hoa quả có màu sắc đẹp, bắt mắt, vỏ trơn nhẵn. Về tác dụng này, ông Toản cho rằng, cần phải phân tích tìm hiểu thêm, còn đến thời điểm này Cục đã mang đi giám định nhưng không được.
“Khoảng từ đầu năm 2008, thuốc điều hòa sinh trưởng nhập lậu từ Trung Quốc lại rộ lên ở khu vực Hà Nội, mặc dù chúng tôi đã chỉ đạo các Chi cục bên dưới kiểm tra gắt gao, đồng thời chúng tôi cũng phối hợp với Phòng Cảnh sát môi trường - Công an Hà Nội để điều tra trên địa bàn Hà Tây cũ (Hà Tây cũ thời gian đầu năm 2008 là một trong những điểm đầu mối về loại thuốc này) nhưng cũng không mang lại kết quả. Thực tế, người dân vẫn sử dụng nhưng lượng tịch thu tiêu hủy không được bao nhiêu, vì để phát hiện người bán rất khó” - ông Toản cho biết. Cũng theo ông Toản, những loại thuốc điều hòa sinh trưởng và đặc biệt là thuốc Ethrel được vận chuyển lậu qua đường biên giới nên rất khó kiểm soát.
Theo phân tích của một chuyên gia trong ngành BVTV, loại thuốc thúc chín hoa quả có thành phần chính là Ethrel, hoạt chất này có trong danh mục thuốc điều hòa sinh trưởng nhưng chỉ được dùng để kích thích mủ cao su. Theo chuyên gia này, hoạt chất Ethrel hay Ethenol đều có chung gốc là Etylen, một loại chất độc, hàm lượng cho phép sử dụng rất nhỏ. ở nhiều nước trên thế giới, chất này đã bị cấm sử dụng trong việc chế biến, bảo quản trái cây. Nếu phun hoặc nhúng hoa quả vào chất này sẽ tạo ra dư lượng, dễ gây ngộ độc cho người ăn. Nguy hiểm hơn, Etylen tác dụng với thành phần Nitơrat trong quả sẽ tạo ra chất Etylenglycol dinitrat, một chất rất độc, hàm lượng cho phép là dưới 0,3mg/m3.
Việc người dân Thu Quế sử dụng loại hóa chất lạ trên để làm chín hoa quả đã từ khá lâu, cơ quan chức năng biết sự có mặt của loại thuốc này trên thị trường nhưng đến giờ vẫn không ai biết được tác dụng của nó ra sao đối với sức khỏe con người. Trách nhiệm này thuộc về ai?
Ngân Tuyền