Lái xe gây tai nạn, trách nhiệm của giáo viên, cơ sở đào tạo cấp Giấy phép ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trật tự an toàn giao thông, đặc biệt là tai nạn giao thông đang gây bức xúc trong dư luận. Điều đáng nói là nguyên nhân chủ yếu gây tai nạn do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông. Do vậy, việc xây dựng Luật Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ là cần thiết và rất cấp bách.

Số liệu thống kê cho thấy, từ 2009 đến nay, cả nước xảy ra trên 334.000 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết trên 101.000 người. Chỉ tính riêng năm 2019, toàn quốc xảy ra 17.626 vụ TNGT, làm chết 7.624 người, bị thương 13.624 người. Còn trong 4 tháng đầu năm 2020 đã xảy ra 4.509 vụ TNGT, làm chết 2.138 người, bị thương trên 3.300 người.

Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ sau hơn 10 năm đi vào cuộc sống đã bộc lộ nhiều bất cập, cần được bổ sung, cập nhật các quy định, chế tài nhằm bảo đảm TTAT giao thông, đặc biệt là hạn chế TNGT.

Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông thảm khốc chủ yếu do lỗi của lái xe

Nguyên nhân dẫn đến những vụ tai nạn giao thông thảm khốc chủ yếu do lỗi của lái xe

Ngoài ra, công tác quản lý đào tạo lái xe hiện đang bị buông lỏng quản lý, không đảm bảo chất lượng dẫn tới nhiều học viên không có đủ kiến thức về cả lý thuyết và thực hành, thậm chí nghiện ma túy, bị tâm thần nhưng vẫn được cấp GPLX. Trong khi đó, những cá nhân này vừa là chủ thể cần bảo vệ, vừa là nhân gây mất ATGT.

Do vậy, để bảo đảm TTATGT, điều quan trọng nhất là quản lý được hành vi chấp hành pháp luật của người tham gia giao thông xuyên suốt và nhất quán, từ khâu đào tạo, sát hạch, cấp GPLX và sau khi được cấp GPLX – Luật sư Lê Hồng Vân – Đoàn Luật sư Hà Nội cho biết.

Cũng theo Luật sư Hồng Vân, Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ nhằm khắc phục những bất cập, tạo bước chuyển biến cơ bản, bền vững trong việc bảo đảm TTATGT đường bộ.

Trong dự thảo luật, trách nhiệm đào tạo, sát hạch và cấp GPLX sẽ được chuyển từ Bộ GTVT sang cho Bộ Công an. Theo Bộ này, khi tiếp nhận Bộ sẽ nghiên cứu, bố trí lại chương trình đào tạo theo hướng ngắn gọn, hiệu quả, đảm bảo tối ưu tận dụng thời gian, tài chính cho người học lái xe.

Bên cạnh đó, Dự thảo cũng tăng cường trách nhiệm của cơ sở đào tạo cũng như giáo viên dạy lái đối với chất lượng của học viên. Đây là quy định mới nổi bật được nhiều người dân đồng tình ủng hộ.

Theo đó, dữ liệu đầu vào của học viên được lưu trữ đầy đủ, từ việc họ chọn giáo viên là ai, trung tâm nào. Để xảy ra TNGT, trách nhiệm chính là của lái xe nhưng trung tâm và thậm chí cả giáo viên đào tạo lái xe đó cũng phải có trách nhiệm. Cụ thể là giáo viên dạy lái sẽ được phân theo cấp từ cao xuống thấp, học viên của ai có bao nhiêu vi phạm, gây ra bao nhiêu vụ tai nạn đều được lưu trên hệ thống, công khai cho mọi người biết.

Ngoài ra, tại Dự thảo Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Bộ Công an còn đề xuất phân chia 11 hạng giấy phép lái xe (GPLX) thay vì 13 hạng như quy định hiện hành. Các hạng GPLX theo quy định mới gồm: A01, A2, A3, B, C, D2, D, BE, CE, D2E, DE.

Việc phân hạng này được nội luật hóa từ các quy định về phân hạng GPLX tại Công ước Viên năm 1968, tạo điều kiện cho việc sử dụng GPLX của Việt Nam ở nước ngoài và GPLX nước ngoài tại Việt Nam. Việc cấp GPLX theo hạng mới được thực hiện đối với người cấp lần đầu và cho những GPLX thuộc các trường hợp cấp đổi, cấp lại.

Có thể nói, việc quy định vấn đề đào tạo, sát hạch, cấp giấy phép lái xe trong Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ góp phần đổi mới, hoàn thiện các chính sách, nội dung quy định về bảo đảm TTAT giao thông đường bộ, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và công tác tổ chức thực thi pháp luật – Luật sư Hồng Vân nhấn mạnh.