Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ phù hợp để giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ mang tính cấp thiết cao, phù hợp với thực tế và thể hiện tinh thần cao nhất về bảo vệ quyền con người, bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe cho người tham gia giao thông.
Lực lượng CSGT kiểm tra xe khách chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Lực lượng CSGT kiểm tra xe khách chạy trên tuyến cao tốc Hà Nội-Hải Phòng

Dự án Luật ra đời với những yêu cầu cấp thiết

Kể từ khi thực hiện chỉ thị số 18-CT/TW ngày 4-9-2012 của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa và khắc phục ùn tắc giao thông đã đề ra yêu cầu cụ thể, đó là tiến hành rà soát, sửa đổi, bổ sung đề hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông phù hợp với tình hình mới.

Qua thực tế 10 năm khảo sát (từ năm 2011 đến năm 2019), toàn quốc xảy ra 239.612 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 80.198 người; bị thương 228.698 người. Bình quân hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 25.000 vụ TNGT, làm chết khoảng 10.000 người. Còn ở Thủ đô Hà Nội trong năm 2019 xảy ra 1.272 vụ, làm 508 người chết, 847 người bị thương (So với cùng kỳ năm 2018: Giảm 92 vụ = 6,7%, giảm 36 người chết = 6,6%, giảm 69 người bị thương = 7,5%). Tuy nhiên, trong đó TNGT đặt biệt nghiêm trọng tăng 2 vụ, tăng 6 người chết. Qua khảo sát, trên 90% số vụ có nguyên nhân gây TNGT đường bộ là do lỗi vi phạm của người tham gia giao thông.

Có thể thấy, so với thế giới, Việt Nam vẫn là quốc gia có số vụ TNGT ở mức cao. Để kiềm chế, đấu tranh làm giảm cả 3 tiêu chí trong TNGT (số vụ, số người chết, số người bị thương), Phòng CSGT - Công An TP Hà Nội dưới sự chỉ đạo của Cục CSGT - Bộ Công an, Ban Giám đốc Công an thành phố đã triển khai nhiều kế hoạch, chuyên đề xử lý các hành vi là nguyên nhân dẫn đến TNGT.

Tuy vậy, với mục tiêu giảm từ 15-20% về TNGT hàng năm, đặc biệt ở các thành phố lớn như Hà Nội, cần có sự vào cuộc của toàn xã hội, quan trọng hơn là các cơ quan quản lý Nhà nước cần phải ban hành, bổ sung vào hệ thống pháp luật Việt Nam cơ sở pháp lý có khả năng điều chỉnh các quan hệ xã hội.

Từ những vấn đề cấp thiết trên, Bộ Công an đã tham mưu Chính phủ xây dựng Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, việc Chính phủ sẽ trình Quốc hội xem xét thông qua dự án luật này trong năm 2020 là hoàn toàn phù hợp với thực tiễn của đất nước trong tình hình mới.

Nội dung tờ trình Chính phủ về Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã nêu đầy đủ cơ sở chính trị, pháp lý và cơ sở thực tiễn để khẳng định việc ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ là hết sức cần thiết để giải quyết những vấn đề cấp bách thực tiễn đang đặt ra trong giai đoạn hiện nay và những năm tiếp theo. Việc ban hành Luật cũng nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng; hoàn thiện hệ thống pháp luật về trật tự, an toàn giao thông, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý Nhà nước và thi hành pháp luật trong lĩnh vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Thiếu tá, Tiến sĩ Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội

Thiếu tá, Tiến sĩ Đào Việt Long, Phó Trưởng phòng CSGT - CATP Hà Nội

Cụ thể như Nghị quyết số 70/NQ-CP ngày 14-5-2020 của Chính phủ về phiên họp thường kỳ tháng 4-2020, trong đó Chính phủ thống nhất về sự cần thiết xây dựng, ban hành Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và giao Bộ công an chủ trì, phối hợp với Bộ GTVT, Bộ Tư pháp và Văn phòng Chính phủ xác định rõ hơn những vấn đề cụ thể thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ, hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước khi trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, bổ sung dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 để Quốc hội khoá XIV cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 10, thông qua tại Kỳ họp thứ 11.

Giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh từ thực tiễn

Những vấn đề bất cập cần giải quyết để đáp ứng yêu cầu thực tiễn của công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trong tình hình hiện nay được Bộ Công an nêu ra sau hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008, Phòng CSGT - CATP Hà Nội đồng thuận, nhất trí cao và từ thực tiễn thực hiện nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông trên địa bàn TP Hà Nội. Từ thực tiễn ở cơ sở, Phòng CSGT - CATP Hà Nội nêu về một số bất cập trong bảo đảm trật tự an toàn giao thông.

Luật Giao thông đường bộ năm 2008 đang triển khai thực hiện và dự thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) không thể điều chỉnh tổng thể, bao quát hết các nội dung liên quan đến công tác quản lý nhà nước về an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ như: Công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật; biện pháp quản lý người, phương tiện tham gia giao thông; các biện pháp bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; công tác giáo dục đạo đức nghề nghiệp và quản lý đội ngũ lái xe; trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan trong công tác bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn giao thông đường bộ...

Hiện nay tình hình vi phạm pháp luật về trật tự, an toàn giao thông đường bộ vẫn diễn biến phức tạp, người tham gia giao thông chưa thực sự tự giác chấp hành quy định của pháp luật, các vi phạm phổ biến như: Điều khiển phương tiện giao thông vi phạm tốc độ, nồng độ cồn, ma túy; không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát, xử lý của người thi hành công vụ; tránh vượt, chuyển hướng, lùi xe không đúng quy định; chở quá số người quy định; không có giấy phép lái xe; không chấp hành tín hiệu đèn giao thông… Đây là những nguyên nhân trực tiếp, chủ yếu gây ra tai nạn giao thông.

Ở Việt Nam nói chung và ở Hà Nội nói riêng, hoạt động giao thông đường bộ chiếm tỷ lệ trên 90% các loại hình tham gia giao thông và loại hình vận tải. Phương tiện giao thông đường bộ tăng nhanh, bình quân từ 10% đến 15%/năm và thực trạng tham gia giao thông đường bộ hiện nay là giao thông hỗn hợp với rất nhiều các loại phương tiện giao thông cơ giới, thô sơ, xe 3 bánh, 4 bánh, xe tự chế…, có từ nhiều nguồn khác nhau.

Trong khi đó, Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chưa có các quy định để quản lý, kiểm soát sự gia tăng của phương tiện, nhất là yêu cầu kiểm soát bảo đảm sự phù hợp, tương xứng với tốc độ phát triển về cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ; từ đó đã dẫn đến hệ quả là mất trật tự an toàn giao thông trên các tuyến giao thông đường bộ và ùn tắc giao thông đã diễn ra nghiêm trọng tại các đô thị lớn, trong đó có Hà Nội. Bên cạnh đó, thực tế hiện nay cho thấy các cơ quan chức năng không thể kiểm soát được tốc độ gia tăng phương tiện giao thông đường bộ, cơ cấu, chủng loại phương tiện, chưa kiềm chế được tốc độ phát triển phương tiện giao thông cá nhân và chưa có cơ chế bảo đảm cho việc phát triển phương tiện giao thông công cộng.

Với tình hình trật tự an toàn giao thông phức tạp, luôn tiềm ẩn các nguy cơ gây tai nạn, trong đó có nhiều vụ tai nạn thảm khốc, gây thiệt hại nặng nề về người và tài sản, việc ban hành Luật mới, tách riêng lĩnh vực bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ và quy định, quản lý kết cấu hạ tầng giao thông, bảo đảm an toàn giao thông, phòng ngừa tai nạn là vô cùng cần thiết và cấp bách.

Một đạo luật tiến bộ, được chuẩn bị công phu

Dự án Luật với 8 chương, 93 điều được chuẩn bị rất công phu, thể hiện là đạo luật tiến bộ, phù hợp để giải quyết những bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hơn 10 năm thực hiện Luật Giao thông đường bộ năm 2008 chắc chắc sẽ được nhân dân đón nhận, đồng tình ủng hộ. Việc tách riêng lĩnh vực về bảo đảm an toàn giao thông đường bộ sẽ làm thay đổi nhận thức, thói quen của người dân khi tham gia giao thông, dẫn tới kiềm chế tai nạn giao thông, bảo đảm an toàn tính mạng cho mọi người, giữ hạnh phúc và bình an cho mọi gia đình.

Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng như toàn thể các cấp ngành, các đơn vị tổ chức và nhân dân đều rất quan tâm, mong muốn tình hình giao thông được bảo đảm, giảm tai nạn giao thông nhất là tai nạn thảm khốc, hạn chế ùn tắc giao thông. Chính vì vậy, sự phân định riêng biệt hạ tầng giao thông để phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm kỷ cương, kỷ luật trong việc nhận thức của người tham gia giao thông, để hạn chế thấp nhất tổn hại sức khỏe, tính mạng, tài sản của người dân, không để xảy ra tình trạng tai nạn giao thông thảm khốc là hết sức cần thiết.