Lãi suất tiếp tục giảm 1%

ANTĐ - Từ 28-5, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng giảm từ 4% xuống còn 3%/năm. Tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên giảm từ 12%/năm xuống còn 11%/năm. Đây là quyết định vừa được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) ban hành chiều qua 25-5.

Các chuyên gia cho rằng lãi suất vẫn có thể tiếp tục giảm trong ngắn hạn


Tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

Theo NHNN, với các giải pháp điều hành đồng bộ của Chính phủ và các bộ, ngành, lạm phát đã được kiềm chế giảm dần từ tháng 8- 2011 đến nay. CPI tháng 5 chỉ tăng 0,18% so với tháng 4-2012 và tăng 8,34% so với cùng kỳ. Như vậy, trong 5 tháng đầu năm CPI chỉ tăng 2,78% (so với tháng 12-2011), phù hợp với mục tiêu Quốc hội đề ra cho cả năm 2012 (dưới 10%). Thanh khoản của hệ thống ngân hàng được đảm bảo, lãi suất thị trường diễn biến theo xu hướng giảm, thị trường tiền tệ ổn định.

Phân tích của Khối Nghiên cứu Kinh tế Ngân hàng HSBC cho thấy, do giá xăng dầu tiếp tục giảm và tình hình lạm phát thấp hơn nhiều so với dự kiến, cùng với hàng loạt các giải pháp được đưa ra nhằm kiềm chế lạm phát, cuối cùng thì mức lạm phát 1 con số mong đợi đã diễn ra trong tháng 5. Theo các chuyên gia của HSBC, mặc dù việc giảm giá xăng dầu cũng hỗ trợ một phần vào sự suy giảm lạm phát nhưng nguyên nhân chính vẫn là do nhu cầu tổng thể trong nước thấp, kết quả là, giá lương thực thực phẩm đã giảm mạnh (thực phẩm chiếm 40% trong rổ chỉ số giá tiêu dùng). 

Tuy nhiên, tín dụng cũng giảm trong quý đầu năm 2012 cho thấy tình hình hoạt động kinh doanh thật sự khó khăn tại Việt Nam. Để thúc đẩy tiêu dùng NHNN đã cắt giảm lãi suất với mức 2% trong tháng 3 và 4. Mặc dù việc này cho thấy nỗ lực của Chính phủ làm dịu bớt tình hình sản xuất kinh doanh, nhưng tín dụng dường như khó có thể cải thiện đáng kể trong năm nay do nhu cầu vẫn còn uể oải. 

Điều mà các chuyên gia HSBC phân tích cũng được NHNN nhìn nhận một cách rõ ràng. Đó là, hoạt động sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, do sức mua của thị trường giảm, hàng hóa tồn kho tăng cao, khả năng hấp thụ vốn tín dụng ngân hàng để tái tạo và mở rộng sản xuất - kinh doanh hạn chế. Lãi suất cho vay đã giảm nhưng mức giảm chậm do chi phí huy động vốn cao và nguy cơ rủi ro tín dụng tăng.

Ở một mặt khác, phân tích của NHNN cho thấy, lãi suất tiền gửi tối đa bằng VND là 12%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng trở lên cao hơn khoảng 4% so với lạm phát. Dựa trên những cơ sở điều kiện, diễn biến kinh tế vĩ mô và thị trường tiền tệ, NHNN đã quyết định cắt giảm các mức lãi suất nhằm tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. 

Nhanh hơn dự báo  

Trước khi có quyết định chính thức từ phía NHNN, các chuyên gia phân tích của Ngân hàng HSBC và Hãng tài chính JP Morgan cũng đã đưa ra dự báo về khả năng giảm lãi suất. Tuy nhiên, việc giảm lãi suất đã được NHNN thực hiện nhanh hơn so với thời điểm dự báo của các chuyên gia. 

Các chuyên gia của HSBC cho rằng: “Sắp tới sẽ còn nhiều đợt cắt giảm lãi suất, nhưng tình hình lạm phát đã giảm mạnh hơn so với dự kiến sẽ đẩy sớm hơn quá trình hạ lãi suất. Trong vòng 2 tuần tới có thể sẽ có một đợt giảm trần lãi suất huy động cũng như các mức lãi suất chính sách khác”.

Cùng quan điểm đó, JP Morgan đánh giá, việc lạm phát tiếp tục giảm tốc hiện nay sẽ giúp tình hình kinh tế vĩ mô, đặc biệt là cán cân thanh toán của Việt Nam đi vào ổn định. Nếu tình hình lạm phát tiếp tục tiến triển như kỳ vọng, JP Morgan dự đoán dù NHNN tiếp tục hạ trần lãi suất thì lãi suất thực sẽ vẫn dương. Điều này sẽ giúp tiếp tục thu hút nguồn vốn đầu tư và hỗ trợ cán cân thanh toán cũng như tiền đồng. JP Morgan cũng dự đoán: “Mức lạm phát trong năm 2012 là khoảng 8,6%, giảm mạnh so với mức 18,7% trong năm ngoái. Bên cạnh đó, việc lạm phát giảm tốc và kinh tế vĩ mô đi vào ổn định có thể sẽ dẫn đến việc NHNN tiếp tục giảm thêm từ 2-3% trần lãi suất”.

Cùng ngày (25-5), NHNN cũng có Quyết định số 1081/QĐ-NHNN về việc điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành của NHNN. Theo đó, giảm lãi suất tái cấp vốn từ 13% xuống 12%/năm, lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng từ 14% xuống 13%/năm, lãi suất tái chiết khấu từ 11% xuống 10%/năm.