Lãi suất huy động tăng trên diện rộng, NIM một số ngân hàng đã thu hẹp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất huy động tăng trên diện rộng kể từ cuối tháng 3 đến nay đã khiến chênh lệch biên lãi ròng của một số ngân hàng thu hẹp đáng kể.

Lãi suất huy động tăng trên diện rộng

Hàng loạt các ngân hàng thương mại cổ phần ngoài quốc doanh đã tăng lãi suất huy động trên thị trường dân cư đã khiến mặt bằng lãi suất huy động nhích nhẹ.

Mới đây nhất, Techcombank đã công bố tăng thêm lãi suất tới 0,6%/năm đối với tiết kiệm online, lên mức cao nhất là 6,5%/năm. Không chỉ vậy, Techcombank còn cộng thêm 0,5%/năm lãi suất cho khách hàng mở tài khoản tiền gửi lần đầu tiên tại ngân hàng.

Như vậy, từ ngân hàng có mặt bằng lãi suất thấp nhất hệ thống trong một thời gian dài, với mức lãi suất cao nhất chỉ ở mức 5,9%/năm, Techcombank đã có sự thay đổi đáng kể trong chính sách huy động tiền gửi dân cư.

Trước đó, từ cuối tháng 3 đến nay, cũng đã có hàng loạt ngân hàng khác tăng lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân, như VPBank, MB, NamABank, VietCapitalBank, BacABank, Saigonbank, OCB, Vietbank, PVCombank...

Theo khảo sát của Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), lãi suất huy động đã có dấu hiệu tăng trên diện rộng. Từ cuối tháng 3 và đầu tháng 4, đã có trên 10 ngân hàng thương mại cổ phần ngoài nhóm ngân hàng quốc doanh điều chỉnh tăng lãi suất huy động từ 0,3-0,7 điểm % nhằm thu hút tiền gửi.

Còn tính toán của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), tính tới cuối tháng 4, lãi suất huy động 12 tháng tiếp tục tăng thêm 0,08 điểm phần trăm, lên mức 5,66%. Diễn biến này đã khiến cho lãi suất huy động tăng 0,02 điểm phần trăm so với cùng kỳ, sau hơn 2 năm liên tục giảm.

Lãi suất ngân hàng đã tăng trên diện rộng kể từ cuối tháng 3 tới nay

Lãi suất ngân hàng đã tăng trên diện rộng kể từ cuối tháng 3 tới nay

Việc tăng lãi suất huy động của các ngân hàng diễn ra trong bối cảnh tín dụng có xu hướng tăng mạnh. Tính tới ngày 31/3/2022, theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tăng trưởng tín dụng đạt 5,04%, mức cao nhất trong 10 năm qua.

Còn theo tính toán của VDSC, tại ngày 19/04/22 tín dụng đã tăng 6,37% từ đầu năm và tăng 16,0% so với cùng kỳ năm 2021, cao nhất kể từ đầu đại dịch. Tăng trưởng mạnh đến từ cả các khoản cho vay ngắn hạn 6,84% và dài hạn 5,86%.

BVSC đánh giá, với những áp lực từ lạm phát cũng như nhu cầu tín dụng tăng cao trong quá trình phục hồi nền kinh tế, lãi suất có thể sẽ tiếp tục tăng nhẹ trong thời gian tới. Tuy nhiên, mức tăng của lãi suất sẽ chưa quá lớn trong năm nay để có thể hỗ trợ cho nền kinh tế hồi phục.

NIM một số ngân hàng đã bị thu hẹp

Khảo sát kết quả kinh doanh của các ngân hàng công bố báo cáo tài chính, VDSC nhận thấy thu nhập lãi cận biên (NIM) các ngân hàng đang có sự phân hóa mạnh, trong đó lợi thế nghiêng về các ngân hàng lớn.

Cụ thể, ở các ngân hàng lớn, mặc dù có sự phục hồi trong quý I/2022, song tốc độ tăng trưởng huy động của các ngân hàng lớn này vẫn chậm hơn quá trình mở rộng tín dụng, điều này đã hỗ trợ cho NIM.

Phân tích báo cáo tài chính của 9 ngân hàng đã công bố báo cáo tài chính, VDSC nhận thấy 5 trong số này đã có NIM giảm theo quý. Đối với các ngân hàng có NIM tăng thì có 3 trên 4 ngân hàng thuộc nhóm 1 – nhóm ngân hàng tư nhân quy mô lớn.

Theo đó, lãi suất huy động trong quý 1/2022 tăng trung bình 3 điểm cơ bản so với quý IV/2021. Lợi suất cho vay bình quân giảm 8 điểm cơ bản. Điều này dẫn đến việc thu hẹp chênh lệch lãi suất thị trường 1 của nhiều ngân hàng.

Lãi suất huy động tăng mạnh nhất tại Techcombank (29 điểm cơ bản), VPBank (19 điểm cơ bản) và TPBank (14 điểm cơ bản). Những ngân hàng này cũng có mức tăng trưởng tiền gửi cao nhất. Chỉ có 3/9 ngân hàng giảm lãi suất huy động bình quân theo quý.

Lợi suất cho vay tăng mạnh nhất tại VPBank (55 điểm cơ bản), VPBank cũng là ngân hàng duy nhất có lợi suất cho vay tăng trưởng dương trong quý I/2022.

Lợi suất cho vay giảm mạnh nhất theo quý ở Bac A Bank, tiếp theo là TPBank. Đối với riêng TPBank, lợi suất huy động tăng 14 điểm cơ bản nhưng lợi suất cho vay lại giảm mạnh dẫn đến sự thu hẹp liên tục ở NIM (hàng quý) của TPBank.

Số liệu của VDSC cho thấy, NIM của TPBank giảm từ 6,8% trong quý IV/2021 xuống còn 6,4% trong quý I/2022; Techcombank giảm từ 6,9% xuống còn 6,5%, Bac A Bank giảm từ 2,9% xuống còn 2,2%; trong khi VPBank tăng từ 9% lên 9,3% và NCB tăng từ 4,5% lên 4,9%.

Theo dự báo của các chuyên gia VDSC, tốc độ tăng lãi suất huy động tại các ngân hàng tư nhân hàng đầu đang chững lại, do đó, kỳ vọng lãi suất huy động niêm yết khá ổn định trong quý II/2022 nhưng sẽ tăng trở lại vào cuối năm.

"Các ngân hàng tư nhân đã tích cực hơn trong việc thu hút tiền gửi do quy mô nhỏ hơn. Tốc độ tăng lãi suất gần đây đã chậm lại, nhưng chúng tôi kỳ vọng đà tăng sẽ quay trở lại trong nửa cuối năm 2022", VDSC nhấn mạnh.