Loạt ngân hàng công bố tăng lãi suất tiền gửi

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Lãi suất huy động tại nhiều ngân hàng tiếp tục tăng nhẹ trong những ngày cuối tháng 3, đầu tháng 4.

Hàng loạt ngân hàng tăng lãi suất huy động

Ngày 1/4, Ngân hàng TMCP Nam Á (NamABank) công bố biểu lãi suất huy động trực tuyến mới, trong đó ngân hàng này đã tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm trực tuyến ở nhiều kỳ hạn.

Cụ thể, tại kỳ hạn 10-11 tháng, lãi suất tăng 0,3 % lên 6,8%/năm; kỳ hạn 8 tháng tăng 0,2 % lên 6,6%/năm; kỳ hạn 9 tháng tăng 0,1 % lên 6,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 % lên 6,5%/năm.

Mức lãi suất cao nhất tại ngân hàng vẫn là 7,4%/năm, áp dụng cho kỳ hạn từ 16 tháng trở lên khi gửi online. Kỳ hạn 12 – 15, Ngân hàng cũng có mức lãi suất lên tới 7,2%/năm.

Đối với tiền gửi tại quầy, NamABank vẫn giữ nguyên biểu lãi suất với mức cao nhất là 6,7%/năm khi gửi kỳ hạn từ 18 tháng đến 23 tháng.

Tương tự, Ngân hàng Bản Việt (VietCapitalBank) mới đây cũng đã điều chỉnh biểu lãi suất huy động từ ngày 29/3/2021 theo xu hướng tăng. Theo đó, mức lãi suất cao nhất tại nhà băng này đã lên 7%/năm, áp dụng cho kỳ hạn 24 tháng khi gửi tiết kiệm online (tăng 0,2%/năm); kỳ hạn 18 tháng cũng được Ngân hàng tăng thêm 0,2% lên 6,9%/năm…

Đối với hình thức gửi tại quầy, lãi suất của VietCapitalBank cũng tăng 0,1-0,2%/năm ở một số kỳ hạn. Cụ thể, tại kỳ hạn 36 tháng, lãi suất tăng 01 % lên 6,8%/năm; các kỳ hạn 18 tháng, 12 tháng tăng 0,2 % lên lần lượt 6,8%/năm và 6,6%/năm.

Tín dụng tăng mạnh trong những tháng đầu năm khiến nhu cầu huy động vốn tại các ngân hàng tăng cao (Ảnh minh họa)

Tín dụng tăng mạnh trong những tháng đầu năm khiến nhu cầu huy động vốn tại các ngân hàng tăng cao (Ảnh minh họa)

Tại BacABank, trong biểu lãi suất áp dụng từ ngày 22/3, nhiều kỳ hạn đã nhích nhẹ. Chẳng hạn như lãi suất kỳ hạn 13 tháng đối với khách hàng cá nhân đã tăng 0,1% lên 6,7%/năm; kỳ hạn 12 tháng tăng lên 6,6%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,1% lên 6,1%/năm.

Ngân hàng MSB cũng tăng nhẹ lãi suất tiền gửi online một số kỳ hạn trong tháng 3/2022 như: kỳ hạn 12 tháng trở lên tăng 0,1% lên 6,2%/năm; kỳ hạn 6 tháng tăng 0,3 điểm % lên 5,8%/năm; kỳ hạn 3 tháng tăng 0,2% lên 4%/năm.

Hay tại OCB, gửi tiết kiệm tại quầy cũng được Ngân hàng tăng thêm khoảng 0,1-0,3 điểm %. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 36 tháng đang áp dụng mức 6,35%/năm, tăng 0,2 %. Tương tự, kỳ hạn 12 tháng cũng có mức tăng tương tự, lên 6,1%/năm.

Đối với tiền gửi online, OCB duy trì mức lãi suất cao nhất là 6,75%/năm, áp dụng khi khách hàng gửi tiền qua app OCB OMNI kỳ hạn 36 tháng.

Tại Techcombank, mặc dù duy trì mức lãi suất tiền gửi tại quầy thuộc nhóm thấp nhất hệ thống, song mới đây nhà bang này cũng công bố mức lãi suất cao nhất lên tới 7,8%/năm, ap dụng cho khách hàng có tiền gửi từ 999 tỷ trở lên với kỳ hạn 12 tháng.

Nhu cầu tín dụng tăng mạnh, ngân hàng đẩy mạnh huy động vốn

Như vậy, ngoại trừ 4 ngân hàng thương mại Nhà nước (Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank) giữ nguyên lãi suất huy động thì từ cuối năm ngoái đến nay, hầu hết các ngân hàng tầm nhỏ và tầm trung đều đã tăng nhẹ lãi suất ở một số kỳ hạn tùy theo nhu cầu vốn.

Xu hướng tăng lãi suất huy động có thể do thanh khoản ở một số ngân hàng eo hẹp hơn do nhu cầu tín dụng tăng cao. Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 23/3/2022, tín dụng toàn nền kinh tế tăng 4,21%, cao hơn rất nhiều so với mức tăng cùng kỳ năm trước (1,62%).

Đây là tín hiệu tích cực, khác với xu thế chung của các năm từ 2018- 2021 với việc nhu cầu khách hàng thường tăng mạnh trong quý cuối năm và giảm tốc trở lại trong 3 quý đầu năm sau.

Còn kết quả điều tra thống kê về xu hướng kinh doanh của các ngân hàng mới được Ngân hàng Nhà nước công bố cũng cho thấy các ngân hàng dự báo nhu cầu vay vốn của khách hàng sẽ tiếp tục tăng trong năm nay. Theo đó, tín dụng dự báo tăng 4,8% trong quý II và tăng 14,1% trong cả năm.

Mặt bằng lãi suất cho vay - huy động cũng được dự báo tiếp tục duy trì không đổi hoặc tăng nhẹ 0,03-0,06 điểm phần trăm trong quý II/2022 và 0,13-0,18 điểm phần trăm trong cả năm 2022, chủ yếu là dự kiến tăng lãi suất huy động.

Còn trong báo cáo triển vọng ngành ngân hàng mới công bố, Chứng khoán ACB (ACBS) cũng cho rằng tín dụng sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh hạn mức tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng, do đó, lãi suất huy động có thể tiếp tục tăng nhẹ khoảng 0,5 điểm % trong năm 2022 để đảm bảo tính thanh khoản.