Lãi suất huy động “nóng” dần lên, áp lực lãi suất điều hành và lãi suất cho vay ra sao?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Tín dụng tăng mạnh hơn so với huy động vốn, cộng với áp lực lạm phát đang làm lãi suất huy động “nóng” lên từng ngày. Áp lực lên lãi suất cho vay và điều hành chính sách tiền tệ cũng dần hiện hữu.

Áp lực thanh khoản tăng dần

Số liệu từ NHNN cho thấy, dư nợ tín dụng tính đến hết tháng 7 tăng 9,42% so với đầu năm (tương đương mức tăng 16,3% so với cùng kỳ). Trong khi đó, huy động vốn cuối tháng 7 tăng trưởng thấp hơn nhiều, ở mức 4,2% so với cuối năm 2021 và 9,9% so với cùng kỳ. Điều này đã khiến cho chênh lệch huy động vốn – tín dụng tiếp tục giảm mạnh, căng thẳng thanh khoản các ngân hàng dần hiện hữu.

Áp lực tăng lãi suất huy động đã được thể hiện rõ hơn trên thị trường khi biểu lãi suất huy động dành cho khách hàng cá nhân tại nhiều ngân hàng tiếp tục được điều chỉnh tăng trong thời gian qua.

Không chỉ khối ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ mà ngay cả những ngân hàng có nguồn vốn dồi dào, có lợi thế về CASA (tiền gửi không kỳ hạn) như Vietcombank, VietinBank, BIDV, MB, Techcombank… cũng đã phải tăng lãi suất huy động ở mức 0,1 – 0,5%/năm tùy từng ngân hàng và từng kỳ hạn.

Theo nhiều dự báo, việc tín dụng phục hồi mạnh có thể làm lãi suất huy động tiếp tục tăng trong thời gian tới. Chứng khoán VCBS và Chứng khoán SSI đều cho rằng trong cả năm 2022, lãi suất huy động có thể tăng 1-1,5 điểm %.

Áp lực thanh khoản nội tệ cũng thể hiện trên thị trường mở và thị trường liên ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phải bán ngoại tệ để ổn định tỷ giá đồng thời thay đổi cơ chế lãi suất cho thị trường mở (OMO) từ cố định (2,5%/năm) sang thả nổi (hiện dao động quanh mức 3,8 – 4,5%/năm).

Sau động thái này, lãi suất liên ngân hàng cũng đã tăng mạnh với mức tăng 300 - 400 điểm cơ bản, thiết lập một nền lãi suất mới từ 4-5%/năm (so với mức dưới 1%/năm hồi giữa tháng 7), cao hơn lãi suất USD ở cùng kỳ hạn.

Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động khá mạnh ở một số kỳ hạn

Nhiều ngân hàng đã tăng lãi suất huy động khá mạnh ở một số kỳ hạn

Chính sách tiền tệ có sớm thắt chặt?

Theo quan sát, cùng với đà tăng của lãi suất huy động thì lãi suất cho vay cũng đang có xu hướng nhích tăng ở một số lĩnh vực nhất định.

Chẳng hạn, người vay vốn mua nhà trong thời điểm này phải gánh lãi cao hơn khoảng 30% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh đang được ngân hàng giữ ổn định từ 5,5 - 8%/năm.

Như vậy, lãi suất cho vay cũng đang nóng dần lên, song có độ trễ so với lãi suất huy động và có sự phân hóa giữa các ngành nghề, lĩnh vực. Áp lực tăng lãi suất chủ yếu đến từ những lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán…

Còn lại, với các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, định hướng xuyên suốt của Ngân hàng Nhà nước vẫn là giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau dịch.

Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước cũng tiếp tục kêu gọi các ngân hàng thương mại nỗ lực tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất, chi phí cho vay, chia sẻ khó khăn, rủi ro, hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng và nền kinh tế trong bối cảnh rất khó khăn, thách thức hiện nay.

Theo nhận định của Dragon Capital, nhìn chung hiện nay chính sách tiền tệ đang có xu hướng thận trọng và thu hẹp hơn, đặc biệt khi tổng hạn mức tín dụng trên GDP có thể đạt 127% trong năm 2022, mức tương đối cao so với khu vực.

Tuy nhiên, quỹ này cho rằng Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ trì hoãn quyết định tăng lãi suất điều hành, bao gồm cả việc thiết lập trần đối với lãi suất tiền gửi, lãi suất chiết khấu và tái cấp vốn sang năm sau.

“Lãi suất tiền gửi vẫn tiếp tục tăng khi tỷ lệ tổng vay trên tiền gửi đạt gần 100%, khiến cho các Ngân hàng thương mại đang có áp lực phải huy động vốn, dẫn đến cạnh tranh tăng lãi suất huy động” – các chuyên gia Dragon Capital nhận định.

Trong báo cáo mới đây, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng hiện nay, vì lạm phát cơ bản vẫn được kiểm soát và nền kinh tế vẫn nằm dưới mức tiềm năng, nên chính sách tiền tệ nới lỏng có lẽ vẫn phù hợp ở thời điểm hiện tại.

Tuy nhiên, nếu rủi ro lạm phát gia tăng trở thành hiện thực - khi lạm phát cơ bản gia tốc và lạm phát toàn phần vượt chỉ tiêu 4% của Chính phủ - Ngân hàng Nhà nước cần sẵn sàng chuyển sang thắt chặt tiền tệ để kìm áp lực lạm phát bằng cách tăng lãi suất và thắt lại cung tiền.

Về phía các ngân hàng, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho rằng, trước mắt xu hướng lãi suất cho vay sẽ chưa tăng mạnh, và việc điều chỉnh lãi suất tại một số kỳ hạn của một số ngân hàng nhằm thu hút vốn nhàn rỗi trong dân cư tốt hơn và đó là chiến lược riêng của ngân hàng đó.

Với bối cảnh hiện nay, động thái tăng lãi suất huy động nếu không tiếp tục diễn ra nữa thì việc ảnh hưởng đến lãi suất đầu ra có thể sẽ không lớn. “Tuy nhiên, việc tăng lãi suất đầu vào nếu trở thành xu hướng thì sức ép tăng lãi suất đầu ra có thể sẽ khó tránh khỏi về mặt trung và dài hạn”, ông Hùng nói.