Thế giới đã có đến 80 lượt tăng lãi suất, vì sao Việt Nam chưa tăng?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
ANTD.VN - Trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, với 80 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp.

Đây là vấn đề vừa được các chuyên gia “mổ xẻ” tại hội thảo "Lạm phát, lãi suất và chứng khoán", diễn ra hôm nay 15/7.

Đã có 80 lượt tăng lãi suất trên thế giới trong 6 tháng đầu năm

Theo TS Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trên thế giới đang diễn ra cuộc đua tăng lãi suất, trong đó tất cả lãi suất của các quốc gia đều đi lên, trừ lãi suất của Trung Quốc là đi ngang hoặc đi xuống vì họ muốn phục hồi, kích cầu kinh tế. Thậm chí trong quý vừa rồi Trung Quốc vừa giảm thêm lãi suất cơ bản.

Thống kê của vị chuyên gia, trong 6 tháng đầu năm đã có 80 lượt tăng lãi suất của các ngân hàng trung ương trên toàn cầu, số lượt tăng lãi suất của năm nay là nhiều nhất.

Các nước phát triển bao gồm Mỹ và EU mức độ tăng của họ khá lớn, nhưng số lần tăng không nhiều. Các nước đang phát triển có số lần tăng lãi suất rất nhiều (60 lần) nhưng chỉ tăng nhỏ giọt 0,2%/lần.

Việt Nam vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp

Việt Nam vẫn giữ lãi suất điều hành ở mức thấp

Hiện nay, lãi suất điều hành của các ngân hàng trung ương các nước đã tăng lên trong tháng 6-7 vừa qua. Lộ trình tăng lãi suất của Mỹ sẽ tăng gấp đôi bây giờ.

“Tôi lo rằng bây giờ tăng lãi suất sẽ khiến kinh tế suy thoái nếu tăng nhanh quá cũng chưa chắc cứu được lạm phát, vì lạm phát là do đứt gãy chuỗi cung ứng. Tốc độ tăng lãi suất chưa chắc là đã thuốc đặc trị mà còn gây phản ứng phụ” – vị chuyên gia nhận định.

Cũng theo TS Cấn Văn Lực, mỗi một lần tăng lãi suất sẽ có 4 rủi ro: rủi ro tỷ giá, rủi ro vỡ nợ tăng, rủi ro rút vốn khỏi thị trường mới nổi về Mỹ và châu Âu vì có vẻ an toàn hơn (rất may Việt Nam chưa bị dịch chuyển như thế mà thậm chí còn được nhà đầu tư nước ngoài mua ròng), rủi ro địa chính trị có thể phá đi quy luật phía trên ở góc độ nào đó.

Việt Nam có nên tăng lãi suất?

Trong bối cảnh gần như cả thế giới đều tăng lãi suất để chống lại lạm phát, Việt Nam có cần thiết phải tăng lãi suất hay không? Trả lời câu hỏi này, TS Cấn Văn Lực cho rằng lạm phát tại Việt Nam tăng chủ yếu do yếu tố giá cả (chi phí đẩy) hơn là yếu tố tiền tệ (cung tiền và vòng quay tiền).

Trong khi đó, việc tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát chỉ có tác dụng nhiều khi lạm phát do yếu tố tiền tệ. Vì vậy, trong bối cảnh hiện nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất điều hành chưa chắc đã phát huy tác dụng tốt với nền kinh tế.

“Lạm phát chi phí đẩy khiến chính sách lãi suất trở nên bất lực, nên việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng lãi suất như các Ngân hàng Trung ương trên thế giới là điều không cần thiết” – TS Cấn Văn Lực nói

Bên cạnh đó, theo vị chuyên gia, Chương trình phục hồi kinh tế đang triển khai đã có yêu cầu giữ ổn định lãi suất, nếu tăng lãi suất sẽ đi ngược lại với chương trình này.

Ngoài ra, theo vị chuyên gia, nếu lãi suất tăng ở thời điểm hiện tại thì thị trường chứng khoán sẽ nguy hiểm.

Cũng cùng nhận định Việt Nam chưa cần thiết tăng lãi suất, TS Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh cho hay, nền kinh tế Việt Nam có nhiều điểm khác với kinh tế thế giới nên có tính chuyên biệt, đặc biệt là trong 3 năm trở lại đây.

Cụ thể, trong 3 năm chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19 nhưng kinh tế Việt Nam không hoàn toàn cùng nhịp với kinh tế thế giới. Chẳng hạn, năm 2020 Việt Nam là ngôi sao dù kinh tế tăng trưởng 2,91%, bởi kinh tế thế giới tăng trưởng âm. Khi cả thế giới tăng mạnh 6,1% vào năm 2021 thì kinh tế Việt Nam lại tăng trưởng thấp.

Sáu tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới xấu đi thì Việt Nam lại hồi phục tốt. “Chính những điểm khác biệt này khiến Việt Nam không thể điều hành lãi suất như thế giới”, TS Võ Trí Thành nói.

Bên cạnh đó, trong chiến lược phát triển và phục hồi kinh tế, Việt Nam đặt trọng tâm vào vấn đề lãi suất và tiền tệ, nên việc điều hành liên quan đến vấn đề này rất quan trọng, đòi hỏi phải thận trọng.

Ngoài ra, hiện nay cán cân thanh toán quốc tế tương đối ổn định, thặng dư không quá nhiều nên việc tăng lãi suất cũng chưa phải là vấn đề cần thiết.

Ở khía cạnh khác, TS Nguyễn Bích Lâm, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê cho rằng đây là vấn đề mà Việt Nam cần phải quan sát kỹ. Bởi vì nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc vào nhập khẩu, nên nếu tăng lãi suất, càng phá giá đồng tiền thì càng ảnh hưởng đến nhập khẩu.